Thực hiện quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo: Lấp khoảng trống, nâng cao nhận thức
VHO- Trong những năm gần đây, vấn nạn mê tín dị đoan ngày càng diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu phải có giải pháp quản lý phù hợp. Dưới góc độ quản lý nhà nước, mê tín dị đoan được nhìn nhận là hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Để có thể ngăn chặn, đẩy lùi những hiện tượng xấu gây hệ quả tiêu cực, tạo nên vấn nạn cuồng tín trong đời sống xã hội thì rất cần thiết phải có các giải pháp đồng bộ từ nhận thức đến hành động.
Hành vi mê tín dị đoan thường biểu hiện dưới hình thức bói toán, xem tướng số, gọi hồn, thỉnh vong… Ảnh minh họa
Khoảng trống trong nhận thức
Hiện tượng bói toán, truyền bá mê tín dị đoan xuất hiện ngày càng phổ biến và tạo nên những hệ lụy không nhỏ trong đời sống xã hội, gần đây có thể kể đến những vụ việc nổi cộm như “cô đồng bổ cau” xem bói ở Hải Dương… Theo giới chuyên gia, nhà quản lý, hành vi mê tín dị đoan thường biểu hiện dưới hình thức bói toán, xem tướng số, tử vi, gọi hồn, thỉnh vong, cúng sao giải hạn, chữa bệnh bằng thuật bùa chú, yểm đảo, các hình thức kiêng cữ không có căn cứ khoa học…
TS Trần Thị Minh Thu (Ban Tôn giáo Chính phủ) nhận định, hiện tượng mê tín dị đoan xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó hai yếu tố quan trọng là nhận thức và tâm lý. Trong cuộc sống, mỗi người đều luôn mong muốn được bình an, hạnh phúc, vì vậy họ rất sợ hãi khi phải đối diện với rủi ro, bất hạnh, khó khăn. Khi không vượt qua được tâm lý ấy, người ta dễ có hành vi mê tín dị đoan, thậm chí điều này cũng xảy ra với nhiều người có trình độ học vấn cao, có địa vị trong xã hội. “Hoạt động mê tín dị đoan thường “núp bóng” tín ngưỡng, tôn giáo, gây nên nhiều nguy hại đến sức khỏe nhân dân do chữa bệnh bằng những hành vi phản khoa học, gây tốn kém thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, nhiều hành động còn gây ra mâu thuẫn trong gia đình, dòng tộc, xung đột cộng đồng, xúc phạm niềm tin của các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, ảnh hưởng đến khối đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội. Thực trạng này đang ngày càng lan tràn. Nhiều thầy cúng, thầy bói xây dựng điện thờ tư gia “hoành tráng”, tụ tập đông con nhang đệ tử xì xụp khấn vái; nhiều tổ chức, cá nhân cầu cúng mang tính “buôn thần bán thánh”; việc dâng sao giải hạn bị thương mại hóa...”, theo TS Trần Thị Minh Thu.
Đáng chú ý, thời gian gần đây còn xuất hiện một số hiện tượng tín ngưỡng du nhập từ nước ngoài như “Búp bê Kuman Thong”. Đây là một hình thức mê tín dị đoan, không phù hợp với văn hóa truyền thống, vi phạm pháp luật và làm tổn hại kinh tế, nảy sinh tâm lý hoang mang, trông chờ vào vận may, bùa phép... Các hiện tượng truyền bá mê tín dị đoan trên không gian mạng cũng ngày càng phổ biến, bộc lộ nhiều khoảng trống trong nhận thức. Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu với công tác quản lý nhà nước, đòi hỏi phải có sự thích ứng kịp thời.
Bên cạnh đó, việc phát hiện, ngăn chặn hoạt động mê tín dị đoan cũng gặp những khó khăn do nhận thức người dân chưa rõ ràng, thống nhất; chế tài điều chỉnh trực tiếp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật nói chung, hoạt động mê tín dị đoan nói riêng còn thiếu, chưa đủ sức răn đe. Công tác quản lý nhà nước liên quan đến tín ngưỡng còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, ngại va chạm...
Luật Di sản văn hóa đã có quy định cấm hoạt động mê tín dị đoan, ngoài ra có các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tín ngưỡng, trong đó có quy định xử phạt hành vi mê tín dị đoan. Bộ luật Hình sự cũng có những quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan; tội lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện trên thực tế vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Vụ việc “cô đồng bổ cau” xem bói gây bức xúc trong dư luận
Cần có hình thức xử phạt đủ sức răn đe
TS Trần Thị Minh Thu cho rằng, pháp luật đã quy định các hình thức xử phạt cụ thể nhưng đúng là có những mức phạt chưa đủ sức răn đe. Thậm chí, nhiều cá nhân chấp nhận nộp phạt để rồi… tái phạm. Trên thực tế, trên 95% người dân hiện nay có tín ngưỡng và niềm tin tín ngưỡng, đó là quyền tự do của mỗi người. Tuy nhiên, ranh giới giữa niềm tin tín ngưỡng và mê tín dị đoan lại rất mong manh.
Trở lại vụ việc “cô đồng bổ cau” gây bức xúc trong dư luận hồi đầu năm, dù đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cô này về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”, tuy nhiên nhiều người cho rằng mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe. Theo một chiều hướng khác, nhà quản lý lên tiếng, việc thông tin rộng rãi về mức phạt hành chính cũng như các biện pháp xử lý khác cũng có nghĩa nâng cao nhận thức đối với xã hội, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Những hình thức xử phạt, dù ở mức độ nào, cũng sẽ khiến các cá nhân trước khi tham gia hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cũng đều phải cân nhắc.
Nhấn mạnh giải pháp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, theo đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, cần thường xuyên, liên tục vận động nhân dân để có nhận diện đúng và đấu tranh với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật, bao gồm cả hoạt động mê tín dị đoan. Với các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, cùng với các chế tài xử phạt thì việc tuyên truyền, cảm hóa cũng là nhiệm vụ cấp thiết. Ngoài ra, cần quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không cổ súy, không tham gia, không tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành, địa phương nhằm chia sẻ thông tin, nghiên cứu, đánh giá, nhận diện thực trạng mê tín dị đoan để đồng bộ từ nhận thức đến hành động khi xử lý hiện tượng này…
Cơ quan quản lý trong lĩnh vực này cũng nhấn mạnh, để xử lý và đẩy lùi hiện tượng nói trên thì biện pháp đầu tiên vẫn là thực hiện triệt để chế tài xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm các hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Song song còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Trong nhiều trường hợp, liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, việc áp dụng các hình thức xử phạt chính đôi khi không có sức răn đe, không hiệu quả bằng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng văn bản chấp thuận hoạt động, đình chỉ hoạt động có thời hạn… hay khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi công khai; buộc thu hồi, tiêu hủy, gỡ bỏ tài liệu, hình ảnh có liên quan…
Mặt khác, trong bối cảnh không gian mạng ngày càng phát triển, cần tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan trên các không gian, nền tảng số...
Xử lý kịp thời những “điểm nóng” Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được triển khai đạt hiệu quả cao. Từ năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức các hội nghị cho những người chuyên hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để đội ngũ này nhận thức được trách nhiệm trong quá trình thực hành tín ngưỡng. Công tác thanh, kiểm tra trong thực thi pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, kịp thời phát hiện các hoạt động mê tín dị đoan cũng thường xuyên được đẩy mạnh… Những “điểm nóng” về lợi dụng tín ngưỡng hành nghề mê tín dị đoan khiến dư luận bức xúc, đơn cử như vụ việc Lương Gia Long, CLB Tình người… đều đã được Ban Tôn giáo Chính phủ kịp thời vào cuộc xử lý, nêu rõ bản chất mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để vi phạm pháp luật. Đồng thời, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng tham mưu cho Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trình Chính phủ. Nghị định khi được ban hành chính là “barie” củng cố cơ sở pháp lý để xử lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, trong đó có mê tín dị đoan. THẢO PHƯƠNG |
MINH NGỌC