Thực hiện quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo: Đẩy lùi những bất cập

VHO- Một trong những bất cập lâu nay trong thực hiện quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo là nạn thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng. “Buôn thần bán thánh”, biến tướng dâng sao giải hạn hay lạm dụng đốt vàng mã... trong một thời gian dài đã tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực, gây tốn kém và phản cảm. Những mặt trái này đặt ra yêu cầu sớm được đẩy lùi.

Thực hiện quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo: Đẩy lùi những bất cập - Anh 1

 Lạm dụng đốt vàng mã tạo nên nhiều hệ luỵ tiêu cực Ảnh minh họa

 Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng của mọi người; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng. Bên cạnh đó, Nhà nước kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan bởi đó là những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, không được pháp luật thừa nhận và bị xã hội lên án.

Những khoảng trống cần được lấp đầy

Quan điểm đó được cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật. Trong đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành năm 2016, có hiệu lực thi hành từ năm 2018 là một bước tiến mới, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Kể từ khi được ban hành, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã khắc phục những mặt bất cập, hạn chế và kế thừa, phát triển Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Hành lang pháp lý quan trọng này vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Theo kết quả chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo” năm 2020 của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hơn 2 năm từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, hoạt động tín ngưỡng cơ bản ổn định, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, hướng dẫn của chính quyền địa phương. Với đặc thù hoạt động tín ngưỡng vốn phong phú, đa dạng, việc thực thi các quy định của Luật ngày càng phát huy yếu tố tích cực, đẩy lùi hủ tục lạc hậu, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng và bảo tồn, duy trì, phát huy các giátrịvăn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy sựđoàn kết, gắn bótrong cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc thực thi Luật cũng gặp những bất cập. Một số cá nhân lợi dụng “vỏ bọc” tự do tôn giáo để xuyên tạc mục đích, ý nghĩa và nội dung của Luật, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hạn chế, yếu kém trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Một số cấp ủy, chính quyền các cấp còn coi nhẹ công tác tuyên truyền; việc lựa chọn nội dung chưa sát thực tiễn, phương pháp, hình thức tuyên truyền chậm đổi mới…

Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn một số bất cập; một số quy định chưa thực sự phù hợp thực tiễn, chưa đầy đủ và thống nhất giữa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với các luật liên quan; công tác tuyên truyền, phổ biến tuy đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao; việc áp dụng Luật vào thực tiễn ở một số nơi chưa thống nhất. Công tác triển khai Luật ở không ít địa phương còn lúng túng. Tổ chức bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về Tín ngưỡng, tôn giáo chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; năng lực quản lý Nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức ở một số địa phương còn chưa đồng đều; việc phân công, bố trí cán bộ làm công tác tôn giáo ở cấp huyện, cấp xã chưa hợp lý.

Những “khoảng trống” này đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng được khoả lấp thông qua công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, tuyên truyền về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.

Đẩy lùi bất cập

Trước thực tế còn nhiều bất cập nêu trên, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển, một giải pháp quan trọng được đặt ra đối với các Bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước là cần tăng cường quản lý, định hướng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan.

Mặt khác, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật trong thực tiễn, các nhà quản lý cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến với những giải pháp toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, sát với từng đối tượng. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trong thực hiện, cần tích cực, chủ động rà soát các văn bản đã ban hành liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát hiện những bất cập, đề xuất giải pháp. Bên cạnh đó, cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện.

Mặt khác, để việc ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động mê tín dị đoan đạt hiệu quả, cùng với sự cần thiết quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện, đánh giá về các hiện tượng mê tín dị đoan một cách toàn diện để từ đó, đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không cổ súy, không tham gia, không tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục kiện toàn bộ máy, đi đôi với việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, cần nêu rõ những hành vi mê tín dị đoan để dễ nhận diện và xử lý. 

 

 Tăng cường giải pháp quản lý, đẩy lùi mê tín dị đoan

Ban Tôn giáo Chính phủ trong thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tăng cường quản lý, đẩy lùi các hiện tượng mê tín dị đoan. Theo đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Tổ chức in ấn các tài liệu hỏi đáp pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tài liệu văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, những người chuyên hoạt động tín ngưỡng để đội ngũ này thực hành và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Nội vụ với Bộ VHTTDL trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nội dung quản lý nhà nước đối với tín ngưỡng, trong đó có biện pháp nắm tình hình, nhận diện kịp thời, xử lý những hoạt động trái pháp luật.

Triển khai nhiều biện pháp hướng dẫn địa phương và tổ chức tôn giáo tuyên truyền trong chức sắc, chức việc, tín đồ để hiểu rõ bản chất, không tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật; lên án đấu tranh xóa bỏ những hoạt động này. Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan kịp thời phát hiện, chia sẻ thông tin và xử lý những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Tham gia hoàn thiện pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trình Chính phủ...

THẢO PHƯƠNG

MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc