Thực hiện nghi lễ cầu an đầu năm mới cần đúng đắn, tránh sai lệch

HẰNG THU (thực hiện)

VHO - Lễ cầu an đầu năm là một nghi thức quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Việt, thể hiện sự tôn kính tổ tiên và cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều cách hiểu và thực hành nghi lễ chưa đúng đắn, thậm chí có nhiều biến tướng tiêu cực.

Thực hiện nghi lễ cầu an đầu năm mới cần đúng đắn, tránh sai lệch - ảnh 1
Ông Nguyễn Trọng Mạnh thực hiện nghi lễ cầu an đầu năm mới

Trước thực tế này, dưới góc nhìn khoa học, Th.s Nguyễn Trọng Mạnh, người sáng lập Hệ sinh thái Phong thủy Đại Nam chia sẻ những bí quyết về cách thức tổ chức lễ cầu an sao cho đảm bảo đúng tập tục truyền thống, đồng thời phù hợp với cuộc sống hiện đại. 

Ông Nguyễn Trọng Mạnh cho rằng, dù được thực hiện theo hình thức, quy mô như thế nào thì người thực hiện cũng phải có một thân tâm thanh tịnh, nhân hậu để những nguyện ước của mình, gia đình được thấu đạt. Một điều cần lưu ý là không đốt quá nhiều vàng mã, gây lãng phí và ảnh hưởng đến sự trong lành của môi trường. 

Trong đó, yếu tố phong thủy khoa học đóng vai trò không thể thiếu, giúp gia chủ tạo ra không gian và thời gian linh thiêng để thu hút năng lượng tốt, gửi gắm niềm tin tốt đẹp, thu hút tài lộc cho năm mới.

. Thưa ông, dưới góc độ khoa học, ông có thể cho biết, lễ cầu an đầu năm là gì và tại sao nó lại quan trọng đối với người Việt?

Ông Nguyễn Trọng Mạnh: Lễ Cầu an là một nét đẹp trong phong tục tập quán của người dân đất Việt. Lễ Cầu an thường được thực hiện vào dịp đầu năm mới giúp mọi người hướng tâm theo điều thiện và thực hiện những công việc như: công đức, cúng dường, bố thí, phóng sinh… giúp tâm thanh tịnh và mong cầu cho cả gia đình một năm mới bình an, vạn sự cát tường.

. Là một phong thủy sư, ông có thể chia sẻ mối liên hệ giữa lễ cầu an đầu năm mới và các yếu tố phong thủy được không? Những yếu tố phong thủy nào được coi trọng trong lễ cầu an ?

Phong thủy là khoa học nghiên cứu về sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến vận mệnh con người. Trong lễ cầu an, phong thủy giúp chúng ta lựa chọn, điều chỉnh không gian, thời gian và các yếu tố liên quan sao cho hài hòa, giúp tối đa hóa năng lượng tích cực. 

Theo đó, có một số yếu tố phong thủy quan trọng mà gia đình cần chú ý khi tổ chức lễ cầu an:

Một là thời gian tổ chức: Việc chọn ngày, giờ đẹp hay dân gian còn gọi là ngày, giờ hoàng đạo rất quan trọng trong phong thủy. Mỗi ngày, mỗi giờ có ảnh hưởng khác nhau đến năng lượng, vì vậy việc tổ chức lễ vào ngày giờ tốt sẽ giúp gia đình đón nhận nhiều năng lượng tích cực và hóa giải được những năng lượng xấu trong tự nhiên.

  Các gia chủ có thể tham khảo cuốn Lịch vạn sự niên của Hệ sinh thái Phong thủy Đại Nam xuất bản hoặc của bất kỳ Nhà xuất bản uy tín nào để tham khảo cách chọn ngày, giờ tốt nhất, phù hợp nhất với tuổi của gia chủ.

Thực hiện nghi lễ cầu an đầu năm mới cần đúng đắn, tránh sai lệch - ảnh 2
Ông Nguyễn Trọng Mạnh chia sẻ những bí quyết về cách thức tổ chức lễ cầu an sao cho đảm bảo đúng tập tục truyền thống, đồng thời phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Hai là địa điểm: Việc cầu an này có thể thực hiện tại nhà, trước bàn thờ Phật hoặc tại chùa. Trước khi tiến hành làm lễ Cầu an cần sạch sẽ, quần áo, đầu tóc gọn gàng, giữ tâm thanh tịnh. Phần này quan trọng nhất là nguyện đem công đức tu tập hoặc việc thiện lành làm lợi cho chính mình hoặc người thân, cầu mong cho họ được an lành.

Ba là lễ vật: Mâm cúng cầu an cần phải được sắp xếp hợp lý theo các yếu tố phong thủy. Thông thường, mâm ngũ quả có 5 loại quả, lọ hoa có 5 loại hoa, tượng trưng cho ngũ hành, tương sinh và sự cân bằng năng lượng. Nếu có điều kiện, gia chủ chuẩn bị một mâm cơm gồm 5 món mặn và rượu để dâng Phật, thần linh, tổ tiên.

. Thưa ông, có một thực tế là ngày nay, lễ cầu an được tổ chức ở rất nhiều địa điểm và bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hiện tượng thực hành nghi lễ chưa đúng đắn, thậm chí biến tướng tiêu cực. Theo ông, nghi thức này cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo sự phù hợp?

Hiện nay, trong đời sống xã hội hiện đại, với sự phát triển của kinh tế xã hội, việc thực hiện các nghi thức theo phong tục truyền thống hoặc theo tập tục địa phương đã được người dân đa dạng hóa. 

Tuy nhiên, dù thực hiện theo hình thức, quy mô như thế nào thì người thực hiện cũng phải có một thân tâm thanh tịnh, nhân hậu để những nguyện ước của mình, gia đình được thấu đạt. Một điều cần lưu ý là không đốt quá nhiều vàng mã, gây lãng phí và ảnh hưởng đến sự trong lành của môi trường. 

. Xin ông chia sẻ thêm những bí quyết liên quan đến yếu tố phong thủy khoa học, chẳng hạn như những yêu cầu về không khí và ánh sáng trong không gian tổ chức lễ cầu an?

Khí trong không gian rất quan trọng. Khói hương có tác dụng thanh tẩy không gian, xua đuổi tà khí và mang lại sự trong sạch cho không gian thờ cúng. Ngoài ra, ánh sáng từ nến cũng có tác dụng rất lớn trong phong thủy, tượng trưng cho hành Hỏa, giúp tăng cường năng lượng tốt, xua đuổi tà khí, tạo không khí linh thiêng cho buổi lễ. 

Một không gian thông thoáng, sáng sủa, với ánh sáng nhẹ nhàng và hương thơm sẽ giúp gia đình đón nhận năng lượng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho một năm mới đầy tài lộc.

. Để đảm bảo việc thực hành nghi lễ đúng đắn, bài trừ các yếu tố mê tín dị đoan, ông có lời khuyên gì dành cho các gia đình trong dịp cầu an đầu Xuân mới?

Lễ cầu an đầu năm không chỉ là một nghi thức tâm linh mà còn là dịp để chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và các vị thần linh đã bảo vệ, che chở cho gia đình, do vậy chúng ta cần đảm bảo hài hòa các yếu tố tự nhiên – con người để đón nhận những năng lượng tích cực từ thiên nhiên,  mang lại sự bình an và may mắn trong năm mới. Chúc các gia đình sẽ có một năm mới an lành, hạnh phúc và thịnh vượng!

. Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc