Thành lập Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh

VHO - Ngày 30.11, tại xóm 26, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã thành lập Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh.

Thành lập Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh - Anh 1

HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh thành lập với 12 thành viên

Hợp tác xã (HTX) Gốm tiền sử Sa Huỳnh thành lập với 12 thành viên, bà Nguyễn Thị Diễm Kiều được bầu làm Giám đốc HTX. HTX chủ yếu kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm làm gốm, giới thiệu và bán các sản phẩm hữu hình (sản phầm gốm gia dụng và gốm thủ công mỹ nghệ).
HTX ra đời là kết quả của dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hoá Sa Huỳnh và đầm An Khê” do Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư và do công ty TNHH Sungco tư vấn, triển khai thực hiện. Đơn vị đã mời các chuyên gia đến nghiên cứu và tập huấn cho cộng đồng người dân địa phương, sau đó thành lập HTX để xây dựng và triển khai mô hình quản lý, trên cơ sở nhân rộng mô hình quản lý của sản phẩm OCOP 3 sao tại làng Gò Cỏ để vận hành hiệu quả các dịch vụ du lịch tại làng gốm Vĩnh An, định hướng phát triển bền vững. 

Thành lập Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh - Anh 2

Người dân tại thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh vẫn đang giữ gìn và phát huy nghề gốm Sa Huỳnh

Dự án dựa trên nền tảng hai làng nghề làm muối và làm gốm sẽ làm đa dạng và gắn kết các hoạt động du lịch xung quanh khu vực đầm An Khê, di chỉ khảo cổ học văn hoá Sa Huỳnh, làng cổ Gò Cỏ và quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Từ đó phát triển sinh kế đa dạng cho người dân bản địa dựa trên chính nghề truyền thống hiện tại, phát triển du lịch cộng đồng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thị xã Đức Phổ trong tương lai.
Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh và gốm chính là linh hồn của nền văn hóa này. Văn hoá Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm và kết thúc vào thế kỷ thứ 1. Đối với cư dân Sa Huỳnh, đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và sinh hoạt tâm linh. Các nhà khảo cổ đã phát hiện 18 bình gốm hình lọ hoa, có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình cũng như trang trí hoa văn. Bộ sưu tập lọ hoa Long Thạnh đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là “ Báu vật quốc gia” vào năm 2018. 

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, làng nghề làm gốm tại thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh vẫn đang giữ gìn và phát huy nghề gốm Sa Huỳnh như một tài sản quý giá. Nhằm hướng đến giáo dục và truyền tải những giá trị văn hóa, nghề truyền thống của Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng như bảo tồn làng nghề, phục hồi hồn Gốm Sa Huỳnh, phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương, giúp cho cộng đồng bản địa hiểu rõ về giá trị di sản của di tích quốc gia đặc biệt văn hoá Sa Huỳnh... chính vì vậy mà HTX ra đời với cái tên HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc