Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để chấn hưng, phát triển văn hóa (Bài 1): Thời cơ lớn, vận hội mới
VHO- Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tổ chức vào ngày 24.11.2021 tại Hà Nội, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương đang triển khai các hoạt động văn hóa theo tinh thần mới, phương pháp mới trên cơ sở những văn kiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là bài phát biểu chỉ đạo có tính tổng kết sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội (ảnh minh họa)
Nét nổi rõ nhất là, nhiều cơ quan chức năng, các trường đại học, các viện nghiên cứu… đã tổ chức những cuộc hội thảo khoa học bàn luận nhiều chuyên đề quan trọng về hệ giá trị văn hóa quốc gia, hệ giá trị con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam…, từ đó kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể và thiết thực. Đặc biệt, Bộ VHTTDL đã tập trung công sức, trí tuệ, phối hợp các Ban, ngành chức năng xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2025-2030. Đó là tín hiệu tích cực đáng mừng, song đây đó vẫn chưa nhận diện rõ những thời cơ và thách thức cơ bản đặt ra trong lĩnh vực văn hóa hiện nay.
Tận dụng “thời cơ vàng”
Trước hết, cần khẳng định, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi văn hóa là lĩnh vực cực kỳ quan trọng. Năm 1943, khi chưa giành được chính quyền, Đảng đã ban hành Đề cương về Văn hóa Việt Nam, xếp văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế; khẳng định những người cộng sản, những trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước phải coi văn hóa là một mặt trận để xây dựng nền tảng tinh thần cho một xã hội mới, xóa bỏ áp bức, bất công, thực hiện quyền tự do, bình đẳng giữa người với người, tạo nên động lực tiến hành cuộc cách mạng theo mục tiêu của Đảng và dân tộc.
Theo tư tưởng chỉ đạo căn cốt đó, bước vào thời kỳ đổi mới đất nước sau 12 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ra Nghị quyết Trung ương 5 về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với 5 quan điểm chỉ đạo, xác định rõ hai đặc điểm cơ bản của nền văn hóa Việt Nam là tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. 15 năm sau đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI lại ban hành Nghị quyết số 33 trên cơ sở kế thừa và phát triển Nghị quyết số 05 với tên gọi Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Có thể coi đây là Nghị quyết hoàn chỉnh các quan điểm chỉ đạo rất quan trọng về định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi liền với mở rộng hội nhập quốc tế nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết này giữ nguyên 5 quan điểm chỉ đạo phát triển văn hóa nêu trong nghị quyết 05, nhưng đã được bổ sung một số thành tố quan trọng, trong đó, tôi rất tâm đắc với quan điểm thứ nhất: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội (tôi nhấn mạnh). Có thể coi đây là cẩm nang của những người làm văn hóa, trong đó luận điểm tôi vừa nhấn mạnh là niềm vui, niềm tự hào về sứ mệnh vẻ vang của văn hóa được đặt trong tổng thể với kinh tế, chính trị và xã hội. Điều ấy cũng có nghĩa là, quan niệm giản đơn về văn hóa tồn tại đã từ lâu “chỉ là công việc cờ, đèn, kèn, trống” đã bước đầu bị xóa bỏ, mở ra chân trời khoáng đạt cho các lĩnh vực văn hóa, tạo sự đa dạng và phong phú trong đời sống tinh thần; đề cao tinh thần chủ động và khuyến khích tự do sáng tạo của đội quân làm văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Thứ hai, trên nền tảng những quan điểm cơ bản ấy, sự quản lý của Nhà nước về văn hóa có những chuyển biến tích cực trong việc thể chế hóa Nghị quyết bằng một số chương trình, đề án cụ thể; theo đó là sự bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách, nhất là về cơ chế tài chính, cơ chế đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa. Các lĩnh vực hoạt động văn hóa coi đây là căn cứ quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, nhất là kỹ thuật số, đã và đang tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa. Trong điều kiện giãn cách xã hội ngặt nghèo những năm đại dịch Covid-19, nhờ công nghệ số và kỹ thuật thông tin hiện đại, chúng ta vẫn có thể tiến hành những buổi biểu diễn văn nghệ ca ngợi các chiến sĩ áo trắng, áo xanh, áo vàng trên tuyến đầu chống dịch. Các phương tiện báo chí, truyền thông với việc áp dụng thành tựu công nghệ thông tin hiện đại, đã phản ánh kịp thời và sinh động những hoạt động của toàn xã hội trong thực thi các nhiệm vụ chính trị hệ trọng. Chưa kể Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành đã sử dụng thành công bước đầu những thành tựu công nghệ số vào việc chỉ đạo hằng ngày công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống đại dịch và bão lũ, thiên tai, vừa kịp thời, vừa tiết kiệm thời gian và sức người, sức của.
Thứ tư, toàn cầu hóa thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa song hành, chúng ta có điều kiện nghiên cứu, trao đổi những kinh nghiệm với các nước có nền văn hóa tương đồng, cả những nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, nhưng họ có nền văn hóa lâu đời và đa dạng. Chúng ta tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế để nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm có ích, phù hợp thực tiễn văn hóa của đất nước; đồng thời đây cũng là dịp quảng bá rộng rãi hình ảnh văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam và con người Việt Nam ra thế giới.
Thứ năm, bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã phân tích thấu đáo những điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tận dụng để triển khai cuộc chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Có thể coi đây là công trình tổng kết sâu sắc, toàn diện những mặt được và chưa được, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan; trên cơ sở đó, chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Tôi cho rằng, đây là thời cơ thuận lợi nhất để cả xã hội thực hiện nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa. Nếu chúng ta làm nửa vời, làm không quyết liệt thì nghĩa là chúng ta đã bỏ lỡ “thời cơ vàng”. Chúng ta càng thấm thía điều nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế như ngày nay. Đây là ưu thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Những thách thức không nhỏ
Trong quá trình tồn tại và phát triển của các quốc gia, dân tộc đều có những thời cơ và thách thức song hành trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, chúng ta cần xác định đúng và trúng những nhân tố chủ quan và khách quan đang cản trở hoặc làm lệch hướng con đường phát triển văn hóa của đất nước ta. Theo hướng đó, xin mạnh dạn nêu lên mấy thách thức cơ bản đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay:
Một là, quá trình toàn cầu hóa về kinh tế cũng như văn hóa đều có mặt tích cực và tiêu cực. Đối với nước ta, mặt tiêu cực của toàn cầu hóa đã và đang tác động không nhỏ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam. Đặc biệt, sự lan tỏa chóng mặt của mạng xã hội đang làm cho không ít người lẫn lộn giả - thật, đúng - sai, chính nghĩa - phi nghĩa… mà vừa qua những thông tin bịa đặt về công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 cùng một số luận điệu xuyên tạc về thực trạng kinh tế, đối ngoại, tôn giáo, dân tộc..., chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính hoặc pháp luật đối với một số người cố tình xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo. Rõ ràng, cuộc “xâm lăng văn hóa” của phương Tây cùng với mưu toan lật đổ Đảng và chế độ ta của các thế lực thù địch, phản động đang được song hành và đẩy mạnh, nếu chúng ta không nhận thức hết sự nguy hại này để có biện pháp phòng, chống tích cực và hữu hiệu thì sẽ gánh chịu những hệ lụy rất xấu trên mặt trận tư tưởng, chính trị, văn hóa…
Hai là, từ chủ trương đúng đến tổ chức thực hiện là một khoảng cách lớn. Chúng ta đang đối mặt trước một thực tế là, tư duy về văn hóa trong thời kỳ mới chuyển đổi khá chậm trước tình hình kinh tế - xã hội chuyển động rất nhanh (cả ở trong nước và thế giới). Trong khi đó, văn hóa gồm rất nhiều lĩnh vực mang tính đặc thù, mà người quản lý - chủ nhân hoạch định cơ chế, chính sách hình như vẫn xây dựng theo các “barem” cách đây nhiều năm, có chăng “điều chỉnh chút chút” cho cái gọi là “cân bằng ngân sách” hiện có?! Vậy là quan điểm chỉ đạo thứ nhất: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội đã vô hình bị chặn lại ngay từ khâu đầu tiên?! Phải chăng tư duy thay đổi chậm cùng cách tổ chức thực hiện theo lối cũ, đang là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra các lực cản khi triển khai cụ thể?!
Ba là, hiện nay cả xã hội nhắc cụm từ “công nghiệp 4.0”. Nhưng áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này vào phát triển văn hóa thế nào? Vấn đề bản quyền, vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề xây dựng và bảo tồn các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể; vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa; vấn đề sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật... suy cho cùng là phụ thuộc vào đối tượng quản lý cùng đối tượng thực thi và cơ sở vật chất - kỹ thuật - thì cả ba yếu tố cơ bản này đang thật sự là thách thức không nhỏ.
PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH (Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng; Nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân)
(Còn nữa)