Sử dựng AI trong cơ quan báo chí: Nếu không đầu tư thì thật sự tụt hậu

VHO- Hiện nay nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau. Từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn.

Sử dựng AI trong cơ quan báo chí: Nếu không đầu tư thì thật sự tụt hậu - Anh 1

Quang cnh hi tho

Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí. “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” là chủ đề hội thảo vừa diễn ra mới đây đã đề cập đến những vấn đề “nóng” của báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số.

Cần tỉnh táo khi sử dụng trí tuệ nhân tạo

Cơ hội của việc sử dụng ChatGPT, trí tuệ nhân tạo trong báo chí truyền thông bao gồm: ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng. Trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là ChatGPT giúp tăng tương tác với độc giả, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp. Vì thế, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hiện nay nếu ai nói là không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu. Việc đầu tư vào AI là điều vô cùng cần thiết. Bởi công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ hỗ trợ cho các tòa soạn báo làm được rất nhiều việc, giảm đi những công việc tủn mủn, mất nhiều công sức, làm đi làm lại.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh, đại diện nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT, Đài Truyền hình TP.HCM đã kể câu chuyện về quá trình viết phóng sự bởi AI đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, cách thực hiện một phóng sự được viết bởi AI đó là: AI đề xuất bố cục một phóng sự gồm 4 phần, sau đó AI tự động tổng hợp và viết ra 4 phần, mỗi phần 500 từ. Đồng thời AI cũng khuyến nghị những vai trò có thể phỏng vấn. Từ những giữ liệu mà AI đưa ra, ekip thực hiện chương trình tổng hợp, chỉnh sữa, dựng và thành phẩm, sau đó quy trình được duyệt 3 bước trước khi lên sóng. “Ưu điểm của AI là cách tổng hợp thông tin và bố cục rõ ràng, hỏi đúng câu hỏi, nhận đúng câu trả lời. Văn bản mà trí thông minh nhân tạo có thể tự tổng hợp, bố cục và viết bài sẽ tương đương với một biên tập viên có từ 1 đến 2 năm kinh nghiệm. Mặc dù nội dung AI đưa ra không quá hay nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để phục vụ thông tin cho khán giả. Quan trọng là cùng một nội dung nhưng ChatGPT viết 8 phút còn biên tập viên phải mất 45 phút mới hoàn thành”, nhà báo Ngô Trần Thịnh cho biết.

Bên cạnh cơ hội, việc sử dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Sử dụng ứng dụng AI cũng đang tiềm ẩn việc có thể thay thế một số công việc của nhân lực, gây ra mất việc làm cho một số nhân viên… Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng khi ứng dụng AI trong hoạt động báo chí cần một cách tiếp cận tỉnh táo, khoa học, phát huy được lợi thế của nó đồng thời hạn chế những tiêu cực.

AI vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn

Sau khi thử nghiệm xong phóng sự đầu tiên, nhà báo Ngô Trần Thịnh cũng cho biết, AI cũng tồn tại rất nhiều khuyết điểm, đó là từ ngữ chưa hợp với góc nhìn phóng sự, sử dụng danh từ còn cứng; phải hỏi AI đến 8 câu để dẫn dắt cho AI hiểu được ý của ekip biên tập; AI chưa tạo được yếu tố điểm nhấn, chưa có yếu tố con người, nghệ thuật…

Mà yếu tố con người trong một tác phẩm là rất quan trọng, bao gồm cảm xúc, sự sáng tao, nghiệp vụ và dàn dựng. “Người làm báo sẽ luôn tiên phong về thông tin, là người có được thông tin đầu tiên và là người khai thác chúng, còn AI chỉ dựa vào những thông tin được đăng tải trên mạng để tổng hợp thông tin, nó sẽ luôn đi sau chúng ta. Chúng ta hãy cứ sử dụng và tận dụng nó, bởi AI thực sự giúp cho khối biên tập tiết kiệm được thời gian rất nhiều. Để AI lo những bước cơ bản, thay vào đó chúng ta tập trung cho việc sáng tạo”, nhà báo Ngô Trần Thịnh chia sẻ. Còn nhà báo Nguyễn Minh Dũng, Phó phòng Nội dung số, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) cho rằng, nếu không có con người thì sẽ không có AI. Một ví dụ cụ thể là ngay bây giờ, nếu như không có các bạn quay phim, không có các bạn phóng viên, chúng ta không viết bài và không đẩy tin lên mạng xã hội thì sẽ chẳng có AI nào có thể viết về sự kiện ngày hôm nay cả....

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, các phần mềm ứng dụng AI có thể trở thành trợ lý ảo cho các nhà báo và cơ quan báo chí trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất nội dung và phân phối nội dung báo chí số. Sự xuất hiện AI vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn với nhà báo và cơ quan báo chí, đặc biệt là với các cơ quan hữu quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông. Các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó đẩy mạnh ứng dụng AI trong toà soạn. TS Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng cho rằng, AI chỉ là công cụ, phương tiện để hỗ trợ con người thực hiện các công việc được thuận tiện hơn, chứ không thể thay thế hoàn toàn con người. Bởi sự hỗ trợ của AI đôi khi chưa toàn diện, chưa mang lại kết quả chính xác như mong muốn. Đôi khi còn sai lệch, gây nhầm lẫn nếu phụ thuộc hoàn toàn vào AI. Do đó, việc AI thay thế hoàn toàn lao động nhà báo là khó xảy ra. 

 THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc