Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương: Sẽ không vượt quá 6 công trình
VH- Vẫn còn nhiều ý kiến “vỡ vạc”, tranh luận quanh các mục tiêu, tiêu chí song Hội thảo về nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức ngày 8.5 tại Hà Nội cũng đã có nhiều gợi mở. Số lượng tượng đài bao nhiêu là phù hợp? Đặt tại địa điểm nào?... Nhiều câu hỏi đã được thẳng thắn đặt ra với mong muốn có một quy hoạch khoa học, đồng bộ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên phát biểu tại Hội thảo Ảnh: THU TRANG
Cần rõ hơn về tiêu chí
Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định, chủ trương xây dựng Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 là cần thiết, làm cơ sở định hướng cho việc quy hoạch xây dựng hệ thống tượng đài Quốc tổ Hùng Vương.
“Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương nhằm kiểm soát về số lượng, chất lượng các công trình tượng đài Quốc tổ Hùng Vương từ nay đến năm 2035 trong cả nước; đồng thời xác định nhiệm vụ, mục tiêu, địa điểm xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương...”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh.
Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, một số địa phương thời gian qua đã xây dựng đền thờ, tượng các Vua Hùng. Đa số tượng Vua Hùng được xây dựng trong các đền thờ, một số ít ở không gian công cộng ngoài trời, gồm có 3 tượng Vua Hùng tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh (TP Pleiku, Gia Lai); tượng ngoài trời Hùng Vương và tượng trong nhà tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (TP.HCM) và một số tượng Hùng Vương khác ở ngoài trời có quy mô nhỏ.
Đánh giá mặt tích cực của các tượng Quốc tổ Hùng Vương đã có, họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) cũng cho rằng, việc xây dựng tượng Vua Hùng ở ngoài trời trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế. Vì nằm trong các khu vui chơi, thắng cảnh, du lịch nhằm mục đích trang trí cảnh quan nên công trình không mang tính biểu tượng, thiếu sáng tạo về nghệ thuật. Mặt khác, chưa có quy hoạch tổng thể không gian, kiến trúc để tạo thành điểm nhấn văn hóa; chưa có sự phối hợp, quy hoạch đồng bộ về cảnh quan, không gian, bài trí, ánh sáng, màu sắc...
Tiêu chí quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương là nội dung được nhiều chuyên gia, nhà quản lý quan tâm. Theo đó, sẽ có các tiêu chí về nội dung; địa phương, địa điểm xây dựng; tiêu chí nghệ thuật và tiêu chí kỹ thuật đối với các công trình tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy (GĐ Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ), cần thiết phải có quy hoạch để thống nhất quản lý các địa điểm cũng như chất lượng các công trình. Từ hiện trạng nhiều nơi đã có tượng Vua Hùng nhưng lại không theo một mẫu chung thống nhất, không đáp ứng tiêu chí mỹ thuật, kỹ thuật càng cho thấy sự cần thiết của quy hoạch tổng thể này. “Vua Hùng là nhân vật huyền sử, không có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh nên rất mơ hồ về mặt tạo hình, khá khó khăn khi xây dựng hình mẫu. Mặt khác, cần có các tiêu chí rõ ràng, ví như tiêu chí “địa phương có vị trí địa lý đặc biệt” thì cần cụ thể hóa như thế nào là đặc biệt, là nơi tiền tiêu Tổ quốc hay vùng hải đảo xa xôi... Hoặc, nếu không rõ ràng tiêu chí “có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia” thì cũng dễ dẫn đến tình trạng nhiều địa phương đều có thể xây dựng tượng Vua Hùng nếu có nhu cầu”, ông Nguyễn Đắc Thủy chia sẻ.
Mục tiêu của quy hoạch là để kiểm soát về số lượng nhưng tôi cho rằng cần nhấn mạnh việc hạn chế tối đa số lượng tượng đài. Đồng thời, cũng phải có mẫu tượng đồng nhất, không thể để “mở” quá, mỗi nơi một kiểu sẽ dẫn đến sự hỗn loạn. Chưa nói rằng nếu không thống nhất tiêu chí về hình mẫu tượng còn dễ dẫn đến các hệ lụy tiêu cực khác nữa, vì phàm đã là những công trình tượng đài được dựng lên rồi thì khó mà bỏ xuống...(Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC) |
Dự kiến không quá sáu tượng đài Vua Hùng
Cũng đề nghị chỉnh sửa thêm tiêu chí, PGS.TS Phạm Mai Hùng (Hội KHLS Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho rằng, tiêu chí về địa phương, địa điểm xây dựng cần cân nhắc kỹ hơn, ngoài địa danh đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ) thì cũng cần xem xét có nên đặt tượng ở các vị trí có đóng góp đặc biệt, gắn kết với các khu tưởng niệm về Vua Hùng và mang tính đại diện cho vùng, miền. Mặt khác, PGS.TS Phạm Mai Hùng lưu ý, về tiêu chí nội dung, cùng với yêu cầu thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức Vua Hùng thì cần nhấn mạnh thêm yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Tượng Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh - TP Pleiku, tỉnh Gia Lai Ảnh: TL
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, có một thực tế là ý niệm về Vua Hùng đã phát triển dần theo sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất mà Việt Nam nên phát huy là Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, cho nên, xây dựng các khu thờ cúng Vua Hùng quan trọng hơn là xây dựng tượng đài ở nhiều nơi. “Mục tiêu của quy hoạch là để kiểm soát về số lượng nhưng tôi cho rằng cần nhấn mạnh việc hạn chế tối đa số lượng tượng đài. Đồng thời, cũng phải có mẫu tượng đồng nhất, không thể để “mở” quá, mỗi nơi một kiểu sẽ dẫn đến sự hỗn loạn. Chưa nói rằng nếu không thống nhất tiêu chí về hình mẫu tượng còn dễ dẫn đến các hệ lụy tiêu cực khác nữa, vì phàm đã là những công trình tượng đài được dựng lên rồi thì khó mà bỏ xuống...”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường lại có quan điểm, từ trước đến nay Việt Nam chưa có công trình tượng đài Vua Hùng nào được xây dựng, nghĩa là nhu cầu chưa có, cho nên không cần phải lo hạn chế. Quy hoạch này trên thực tế cần hiểu là kế hoạch xây dựng các công trình tượng đài Vua Hùng mới. Ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, cả nước nên tập trung xây dựng một tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương ở Đất tổ Phú Thọ. Ngoài ra, tính toán để có thêm một vài công trình ở các vùng, miền nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người dân không có điều kiện về với Đền Hùng.
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh cũng đề nghị, chỉ nên tập trung làm tượng ở trung tâm là Đền Hùng, ngoài ra có thể đặt thêm tượng đài Vua Hùng ở TP. Hồ Chí Minh, nơi đã có khu đền thờ và quy hoạch. “Tượng đài Vua Hùng đặt tại hai địa danh ở hai đầu đất nước như vậy là hợp lý”, ông Thanh nói.
Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Hội KTS VN Nguyễn Quốc Thông đề nghị, cần làm rõ hơn các tiêu chí, nhiệm vụ cũng như các yếu tố tác động đối với phần tượng đài ngoài trời ở quy hoạch này. “Hạn chế làm tượng đài là cần thiết. Mặt khác phải quan tâm xây dựng tượng đài ngoài trời đủ quy mô, diện tích, nằm trong khu công viên - tưởng niệm. Cần chú ý mối quan hệ kiến trúc và điêu khắc, cặp đôi vốn “xộc xệch” ở nhiều công trình tượng đài trước đây. Sự ăn nhập đó sẽ đảm bảo cho các tác phẩm được xây dựng dù có số lượng ít nhưng chất lượng lại ổn...”, KTS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.
Làm rõ thêm mục tiêu kiểm soát số lượng tượng đài Vua Hùng trong quy hoạch, Cục trưởng Vi Kiến Thành chia sẻ, quan điểm hạn chế tối đa xây dựng các công trình tượng đài ngoài trời đã được thể hiện xuyên suốt từ quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh trong cả nước. Cụ thể, từ đề nghị xây dựng 158 công trình tượng đài Bác của các địa phương, cuối cùng chỉ còn 6 công trình được phê duyệt. Tương tự, tại quy hoạch tượng đài Quốc Tổ Hùng Vương, mục tiêu hạn chế số lượng cũng sẽ được thể hiện rõ ràng, dự kiến khống chế số lượng công trình không quá sáu, thậm chí chỉ còn ba, hai hoặc duy nhất một tượng đài Vua Hùng được xây dựng.
Sau Hà Nội, hội thảo cùng nội dung sẽ tiếp tục được Bộ VHTTDL tổ chức ngày 10.5 tại TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến Quý IV năm 2018, Bộ sẽ trình Chính phủ đề án “Quy hoạch tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035”.
Các tượng Quốc tổ Hùng Vương đã có chưa thể hiện được vai trò là tiêu điểm, điểm nhấn không gian trong cảnh quan nơi đặt tượng, chiếm lĩnh không gian bằng chính hình khối và chất liệu, nội dung tinh thần của tượng, tạo tâm điểm của thị giác và cảm xúc thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh đối với người thưởng lãm. Về phong cách tạo hình, tượng Vua Hùng đã có còn thiếu đầu tư nghiên cứu những hình tượng điển hình, hình khối đặc trưng..., làm mất đi sự biểu cảm, không truyền tải được những cảm xúc cần thiết tới công chúng. (Họa sĩ VI KIẾN THÀNH) |
ANH THU