Quản lý di sản văn hóa trên địa bànTP.HCM: Nhiều tổ chức, cá nhân hiểu biết về Luật Di sản văn hóa còn rất hạn chế
VHO- Sở VHTT TP.HCM tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Quản lý di sản văn hóa trên địa bàn TP diễn ra trong hai ngày 27- 28.11. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, hiện nay việc hiểu biết quy định pháp luật về di sản văn hóa của một số tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp còn hạn chế. Cạnh đó, việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cũng gặp khó khăn,…
Có gần 150 học viên là những người thực hành di sản tham gia Lớp bồi dưỡng
Theo Sở VHTT TP.HCM, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả. Đối với hoạt động quản lý di tích, tính đến hết tháng 9.2019, trên địa bàn TP có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 114 di tích cấp TP và 100 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa. Công tác quản lý di tích trên địa bàn TP được quan tâm, công tác trùng tu di tích được chú trọng, đúng kế hoạch đề ra. Cùng với công tác bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cũng được đẩy mạnh.
“Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, đặc biệt là quản lý di tích trên địa bàn TP còn nhiều bất cập. Trước đây, trong quá trình quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị đã chưa tính đến khu vực bảo vệ di tích, cảnh quan kiến trúc công trình xung quanh di tích, do đó nhiều di tích có khu vực bảo vệ nằm trong giao thông đô thị. Trong khi đó, việc hiểu biết quy định pháp luật về di sản văn hóa của một số tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp còn hạn chế; việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân trông coi trực tiếp tại di tích đã để xảy ra việc mất trộm hiện vật,…”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM thông tin.
Trước thực trạng này, Sở VHTT TP.HCM đã mời các chuyên gia, các nhà quản lý am tường về lĩnh vực bảo vệ cảnh quan kiến trúc đô thị đến từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) và các chuyên gia trên địa bàn TP.HCM tham gia lớp giảng dạy để bồi dưỡng, với mục đích cung cấp cho học viên một số nội dung về quản lý hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như hướng dẫn quy trình đối với công tác đặt, đổi tên đường trên địa bàn TP. Song song đó, lớp học cũng sẽ là cơ hội để các học viên trao đổi, chia sẻ một cách thẳng thắn về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn TP hiện nay.
Tham gia lớp bồi dưỡng có gần 150 học viên là cán bộ, chuyên viên làm công tác di sản văn hóa đến từ các Phòng VHTT, Trung tâm văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các quận, huyện, Ban Quản lý di sản TP.HCM… Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý di sản văn hóa được xây dựng với các chuyên đề, xoay quanh các nội dung: Công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa; Quy trình đặt, đổi tên đường ở TP.HCM và các văn bản pháp luật quy định về đặt, đổi tên đường; Bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn; Hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực di sản và thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa,…
Hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, đặc biệt làquản lý di tích trên địa bàn TP còn nhiều bất cập. Trước đây, trong quá trình quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị đã chưa tính đến khu vực bảo vệ di tích, cảnh quan kiến trúc công trình xung quanh di tích, do đó nhiều di tích có khu vực bảo vệ nằm trong giao thông đô thị. Trong khi đó, việc hiểu biết quy định pháp luật về di sản văn hóa của một số tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp còn hạn chế. (Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM) |
THÙY TRANG