Phục hồi Đại Cung Môn là hoàn toàn khả thi?
VHO - Dù từng bị phá hủy nghiêm trọng, chỉ còn lại dấu tích nền móng dưới lòng đất, nhưng qua sử liệu, hình ảnh và khai quật khảo cổ, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng việc phục hồi di tích Đại Cung Môn (Đại Nội Huế) là khả thi.

Dưới thời Gia Long, điện Thái Hòa được xây dựng ở vị trí Đại Cung Môn ngày nay. Năm 1833, vua Minh Mạng cho dời điện Thái Hòa đến vị trí mới và mở rộng xây dựng quy mô hơn, vị trí cũ được cho xây cửa Đại Cung, cửa dẫn vào Tử Cấm thành.
Đợt khai quật khảo cổ từ tháng 3 đến tháng 4.2025 đã có thêm nhiều thông tin mới góp phần cho công tác thiết kế để phục hồi Đại Cung Môn.
Đoàn khai quật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã mở 6 hố khai quật và 8 hố kiểm tra trên tổng diện tích hơn 60m2. Qua đó, xác định rõ quy mô, cấu trúc và kết cấu nguyên gốc của nền móng kiến trúc Đại Cung Môn.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu - sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), đơn vị chủ trì đợt khảo cổ, nhận định công trình Đại Cung Môn nằm trùm lên toàn bộ dấu vết của hai cửa Tả Túc, Hữu Túc và một phần nền móng phía sau của điện Thái Hòa thời Gia Long (giai đoạn từ năm 1804 đến năm 1833).
Từ việc nghiên cứu, quan sát, đối sánh và bóc tách dựa trên cấu trúc địa tầng, cho phép khẳng định, toàn bộ cấu trúc, quy mô mặt bằng nền móng kiến trúc Đại Cung Môn từ khi xây dựng cho đến khi bị phá hủy, tuy đã qua nhiều lần tu sửa, vẫn không hề thay đổi. Việc tiến hành thiết kế, phục hồi di tích Đại Cung Môn là hoàn toàn khả thi.
Theo ông Chất, qua khai quật khảo cổ xác định được cốt nền của công trình Đại Cung Môn xây dựng vào năm 1833 thời Minh Mạng. Nhưng qua các giai đoạn tu sửa, cốt nền đó đã được nâng cao lên khoảng 0,30m đến 0,32m; cùng với đó cốt nền của sân phía trước (giáp với điện Thái Hòa), phía sau (hướng về điện Cần Chánh) cũng được nâng cao theo tỉ lệ phù hợp.
Vì vậy khi phục hồi công trình Đại Cung Môn, cần phải căn cứ hiện trạng và hình ảnh tư liệu để thiết kế cốt nền cho chính xác, hợp lý, tái hiện kỹ thuật xây dựng đảm bảo tính đồng nhất về chất liệu, vật liệu và cao độ.
Nhiều nhà nghiên cứu có mặt tại hiện trường khai quật tiến hành khảo sát và tìm hiểu kết quả sơ bộ của đợt khai quật khảo cổ để có thêm những góp ý tâm huyết cho công tác tu bổ, phục hồi Đại Cung Môn sắp tới.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Trưởng Phân Viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, các hố đào khảo cổ có xuất hiện đá ong, đá thanh, các loại gạch bó vỉa, cần xác định loại đá nào của thời đại nào để có cơ sở cho việc xây dựng nền móng công trình Đại Cung Môn.
Nhìn địa tầng xuất lộ thì thấy rất ổn định, tuy nhiên để đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình sau khi phục hồi, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên cân nhắc khoan địa chất để đánh giá tầng tự nhiên phía bên dưới.

Ông Thông cũng bày tỏ “tự tin” cho việc phục hồi kiến trúc tổng thể Đại Cung Môn, tuy nhiên vấn đề về trang trí thì cần có sự nghiên cứu, chuẩn bị sớm để đảm bảo giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của một công trình quan trọng, là cửa vào nơi vua và hoàng gia từng sinh sống.
“Nên lập nhóm nghiên cứu về nội thất để nghiên cứu chi tiết trong trang trí nội thất, từ sơn son, phong cách chạm trổ, các chi tiết liên quan... Đồng thời, nghiên cứu có giải pháp phối hợp tự nhiên giữa Đại Cung Môn và Trường Lang hai bên để người ta không thấy được sự “vá víu”, lắp ghép”, ông Thông góp ý.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, sau khi có cơ sở từ đợt khảo cổ thì phương án phục hồi Đại Cung Môn cũng phải tính toán kỹ, đặc biệt là việc đấu nối Đại Cung Môn với hai hành lang tả, hữu.
Không phải vì hành lang đã làm rồi nên điều chỉnh làm Đại Cung Môn cho “khớp” với hành lang này mà phải đặt Đại Cung Môn làm chính, còn nếu cần điều chỉnh thì có giải pháp chỉnh hành lang.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đề xuất Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, sau này khi phục hồi di tích Đại Cung Môn thì giữ lại một hố thám sát và lắp kính cường lực bảo vệ.
Qua đó, trưng bày để du khách có thể tìm hiểu thêm độ sâu lịch sử của công trình. Đại Cung Môn là công trình quan trọng trên trục dũng đạo của Kinh thành Huế bởi nó đóng được toàn bộ Tử Cấm thành.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thông tin, đơn vị đang nghiên cứu chọn giai đoạn phục hồi từ năm 1920 thời Khải Định.
Cốt nền công trình sẽ lấy cốt hiện trạng sân sau điện Thái Hòa làm mốc chuẩn cốt 0 để tính toán phương án phục hồi phù hợp. Giải pháp đấu nối hệ thống Trường Lang vào Đại Cung Môn, đơn vị tư vấn thiết kế sẽ tiếp nhận, trên cơ sở lấy Đại Cung Môn làm gốc để xây dựng phương án, đảm bảo phù hợp.
“Việc giữ gìn một hố khảo cổ để gia cường bằng kính cường lực nhằm phát huy giá trị, chúng tôi xin tiếp thu và chọn vị trí phù hợp, ít ảnh hưởng đến công trình và đảm bảo có các giải pháp chiếu sáng để du khách có thể hình dung được các tầng lớp văn hóa, tầng xây dựng Đại Cung Môn”, ông Tuấn thông tin.
Đại Cung Môn có 5 gian, trổ 3 cửa, trong đó cửa chính giữa giành cho vua. Công trình này được thi công cực kỳ tinh xảo, mặt trước (hướng ra điện Thái Hòa) được làm hoàn toàn bằng gỗ, sơn son thếp vàng, các ô hộc trang trí các đề tài cổ điển xen lẫn với thơ văn.
Mặt sau của Đại Cung Môn có hai cánh hành lang lợp ngói thanh lưu ly, kết nối với nhà Tả Vu và Hữu Vu. Cuối năm 2024, HĐND thành phố Huế đã thông qua chủ trương triển khai dự án “Phục hồi di tích Đại Cung Môn” với kinh phí gần 65 tỉ đồng từ ngân sách địa phương.