Phê duyệt Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan VHTTDL vùng đồng bào các dân tộc thiểu số...”: Đảm bảo quy mô, tần suất phù hợp, tránh tràn lan, phô trương, lãng phí
VHO- Bộ VHTTDL vừa ban hành quyết định số 3666/ QĐ-BVHTTDL về việc Phê duyệt Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan VHTTDL vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030”.
Hoạt động trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc Ảnh: N.QUYẾT
Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2030” nhằm hướng dẫn các địa phương quán triệt, nghiên cứu xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình các hoạt động đảm bảo quy mô, tần suất phù hợp, tránh tràn lan phô trương, lãng phí, đồng thời khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.
Có Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người
Qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá khách quan về thực trạng hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể dục thể thao quần chúng và đời sống văn hóa cơ sở trong từng giai đoạn, từ đó định hướng và xác định giải pháp khắc phục những yếu kém, thúc đẩy văn hóa nghệ thuật quần chúng phù hợp với đời sống xã hội của từng vùng, miền trên cả nước; Tiếp thu những tinh hoa văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình sáng tạo, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần tăng cường giao lưu, hội nhập gắn với phát triển du lịch.
Đồng thời, đây là cơ sở để Bộ VHTTDL chỉ đạo, tổ chức Ngày hội mang tính thiết thực gắn với việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước diễn ra hằng năm trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2030; giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, các địa phương trên cả nước, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.
Theo đó, các ngày hội và định kỳ tổ chức như sau: Định kỳ tổ chức 3 năm/lần gồm: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số theo vùng, miền (gồm Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc; Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc; Ngày hội VHTTDL các dân tộc miền Trung; Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên; Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Nam Bộ). Định kỳ tổ chức 5 năm/lần gồm: Ngày hội văn hóa các dân tộc (gồm Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm; Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ; Ngày hội văn hóa dân tộc Mường; Ngày hội văn hóa dân tộc Thái; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông; Ngày hội văn hóa dân tộc Dao; Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay; Ngày hội văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều). Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (ngày 19.4) thực hiện theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 5248/ QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Định kỳ tổ chức 5 năm/ lần: Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Tạo điều kiện tốt nhất để thế hệ trẻ có nhiều cơ hội tham gia
Định kỳ tổ chức 5 năm/lần gồm: Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh vùng biên giới (gồm Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào; Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Campuchia). Định kỳ tổ chức 5 năm/lần gồm: Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa nghệ thuật tiêu biểu (gồm Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày - Nùng - Thái; Liên hoan trình diễn trang phục (truyền thống, cách tân) của các dân tộc thiểu số Việt Nam; Ngày hội trình diễn cây Nêu; Liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam).
Thông qua việc triển khai Đề án cũng đưa ra các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, thực hiện tốt công tác chuẩn hóa cán bộ theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ công chức, viên chức ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Ưu tiên đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, du lịch là người dân tộc thiểu số; Nâng cao nhận thức về việc bảo tồn và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể. Hằng năm bố trí kinh phí đầu tư cho các hoạt động văn hóa, nhất là công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tổ chức mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở; Tạo điều kiện tốt nhất để các thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số có nhiều cơ hội tham gia, thể hiện, học hỏi các giá trị văn hóa truyền thống...
Đề án cũng đưa ra Khung nội dung các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, Quy trình tổ chức, Khung quy chế tổ chức, cơ cấu giải thưởng và chấm giải; các giải pháp để thực hiện và kinh phí thực hiện. Bộ VHTTDL cũng đề nghị Sở VHTTDL, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể Thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch trực tiếp triển khai thực hiện các nội dung, như tổ chức đoàn nghệ nhân, vận động viên, diễn viên quần chúng tham gia đầy đủ các nội dung trong khuôn khổ Kế hoạch tổ chức Ngày hội đã được phê duyệt...
Việc triển khai Đề án cần gắn với hoạt động thông tin, tuyên truyền quảng bá, kiểm kê, lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần to lớn trong việc tạo một môi trường văn hóa lành mạnh, vừa cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi với nhau từ phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục đến các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ… Đây chính là cầu nối, gắn bó tình đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh, nguồn lực để phát triển nền văn hóa các dân tộc giàu bản sắc, góp phần xây dựng bản, làng, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Điểm mới của Đề án giai đoạn 2021-2030 là Bộ VHTTDL đã chính thức đưa nội dung tổ chức các ngày hội, liên hoan như: Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay, Ngày hội văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều, Ngày hội văn hóa dành riêng cho các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, Liên hoan trình diễn trang phục (truyền thống, cách tân), Liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây chính là việc cụ thể hóa các chính sách gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trước nguy cơ biến dạng, bị mai một, thậm chí biến mất đang diễn ra tại một số nơi, ở một số dân tộc rất ít người. Cùng với việc tiếp tục triển khai, làm phong phú các nội dung của Đề án trên cơ sở phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương nhằm tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Có thể nói, việc Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án tổ chức các ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021 - 2030 chính là khẳng định quan điểm nhất quán về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, thông qua đó nhằm tạo cầu nối, gắn bó tình đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh, nguồn lực để phát triển nền văn hóa các dân tộc giàu bản sắc, góp phần xây dựng bản, làng, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh... (Bà NGUYỄN THỊ HẢI NHUNG, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc- Bộ VHTTDL) |
P.V - T.HÀ