Phát huy hệ giá trị văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng
VHO - Sáng 8.11, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Hồng”.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy trong vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa ở Trung ương. Tỉnh Bắc Ninh có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hương Giang nêu bật giá trị văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung; trong đó Bắc Ninh - Kinh Bắc là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, cội nguồn dân tộc và văn hóa Việt Nam; nơi hội tụ của kho tàng văn hóa dân gian với nhiều công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là Dân ca Quan họ đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể rất phong phú. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa được chú trọng và từng bước đầu tư phát triển toàn diện, mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh. Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập được hình thành và khẳng định; giao lưu, hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh vai trò Hội thảo khoa học được tổ chức tại Bắc Ninh có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu, cụ thể hóa triển khai thực hiện các hệ giá trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, góp phần lan tỏa Nghị quyết số 71 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững".
Đồng thời tin tưởng những ý kiến quý báu từ các đại biểu tham dự hội thảo sẽ là gợi ý quan trọng để các tỉnh Đồng Bằng sông Hồng và tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới về thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninnhằm xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, nhiều giá trị xã hội đang bị biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và có cả xu hướng phản giá trị với những bất ổn xã hội, biểu hiện suy thoái, lệch chuẩn, bất thường trong đời sống xã hội. Điều đó thể hiện sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới để xây dựng và phát triển văn hóa nước ta theo hướng bền vững.
Trong thực tế, những vùng đất cổ Xứ Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình… với chiều sâu địa lịch sử, văn hóa là mảnh đất nuôi dưỡng, hun đúc và phát triển các giá trị qua các thời kỳ lịch sử, để có được bề dày ngàn năm văn hiến. Các giá trị ở vùng đồng bằng sông Hồng là sự kết tinh chọn lọc của các giá trị truyền thống, giao thoa, hội nhập, tiếp biến và phát triển, trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị lớn của cả nước, là trung tâm lan tỏa văn hóa người Việt.
Hội thảo đã nhận được 28 tham luận, trong đó có 9 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan Đảng, các địa phương với 3 nhóm nội dung: Những vấn đề lý luận và thực tiễn chung về các hệ giá trị; Hệ giá trị văn hóa; Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người vùng đồng bằng Sông Hồng trong thời kỳ mới.
Các tham luận đã nêu bật vị trí chiến lược của vùng đồng bằng sông Hồng trong lịch sử và hiện tại, nhấn mạnh các giá trị văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của vùng đồng bằng Sông Hồng; tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đặc biệt là việc giữ gìn, phát triển các giá trị để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững gắn với thực tiễn của từng địa phương; nhận diện hệ giá trị địa phương với những giá trị đặc trưng của các vùng; làm rõ quá trình hình thành, phát triển của các hệ giá trị ở vùng đồng bằng sông Hồng và những ảnh hưởng của quá trình biến đổi kinh tế - xã hội; yếu tố thời đại đến giữ gìn, phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người trong thời kỳ mới… Đồng thời đề xuất các giải pháp để triển khai giữ gìn, phát triển các hệ giá trị trong thời kỳ mới để văn hóa và con người thực sự là sức mạnh nội sinh cho phát triển trong thời kỳ mới.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa tại các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, trao đổi thảo luận, xác định, cụ thể hóa các hệ giá trị, gắn với thực tiễn từng khu vực, địa phương, cơ quan, đơn vị; đề xuất phương hướng, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện; góp phần củng cố cơ sở lý luận, thực tiễn để tham mưu cho Đảng tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng nói riêng và đất nước nói chung.
Kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay tiếp tục khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hoá, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Đồng bằng sông Hồng.
Việc nghiên cứu, triển khai thực hiện các hệ giá trị tại vùng có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội, phát triển nhanh và bền vững, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu; góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.
Qua phân tích, làm rõ và sâu sắc hơn vai trò, nội dung, nội hàm các thành tố cơ bản, Hội thảo cũng khẳng định vai trò của từng hệ giá trị, trong đó xác định, chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng; hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, điều tiết các hệ giá trị khác.
Các tham luận cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng phẩm chất, nhân cách con người với những giá trị nổi bật “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo” đã được chú trọng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Chất lượng xây dựng gia đình vùng Đồng bằng sông Hồng theo định hướng giá trị “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” đã từng bước được cải thiện. Các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; từ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tới sáng tạo các giá trị văn hóa mới theo định hướng: “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”.
"Nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.