Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ mới

BẢO NGÂN, ảnh: CHIỀU PHỤNG

VHO - Ngày 17.12 tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp cùng Học viện Chính trị Công an Nhân dân trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới”.

Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ mới - ảnh 1
Các đại biểu tham dự Hội thảo dâng hương và chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, Hội thảo “Phát huy giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới” được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 81 năm ngày ra đời bản Đề cương về văn hóa Việt Nam; 79 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân; 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Hội thảo có mục tiêu đánh giá, vận dụng những chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Đề cương văn hóa năm 1943 đối với việc bảo vệ an ninh, trật tự nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Đề cương về văn hóa Việt Nam có tác dụng lớn nhất là thức tỉnh và định hướng cho quần chúng tham gia cách mạng; thực sự trở thành tôn chỉ của một cuộc cách mạng văn hóa do toàn dân tham gia…

Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ mới - ảnh 2
PGS.TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề dẫn Hội thảo

Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời trong hoàn cảnh đất nước chịu cảnh “một cổ hai tròng” bởi ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, với những chính sách văn hoá hết sức phản động, nhằm nô dịch lâu dài đất nước và con người Việt Nam.

Để chống lại chính sách văn hoá phản động đó, Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 25- 28. 2.1943 đã ra chủ trương “gây ra một phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc, chống lại văn hoá phát xít thụt lùi”.

Căn cứ vào ý kiến hội nghị đã bàn bạc, đồng chí Trường Chinh đã khởi thảo ra bản Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943. Đề cương là ngọn đuốc soi sáng con đường văn hóa cách mạng, không chỉ mang tính định hướng, mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc và ý chí đấu tranh kiên cường cho độc lập, tự do.

Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ mới - ảnh 3
PGS.TS, NGƯT, Trung tướng Phan Xuân Tuy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Chính trị Công an nhân dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Bộ Công an, Trưởng Tiểu ban Lý luận chính trị và xây dựng lực lượng Công an nhân dân

Trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước, lực lượng Công an nhân dân đã kế thừa tinh thần của Đề cương để đấu tranh hiệu quả với các thế lực thù địch, phản bác những tư tưởng phản động và bảo vệ nền văn hóa dân tộc trước những thách thức của thời đại.

Điều này không chỉ thể hiện qua những chiến công lịch sử, mà còn qua sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc bảo vệ an ninh văn hóa trước các vấn đề như “diễn biến hòa bình”, “xâm lăng văn hóa” trong thời kỳ toàn cầu hóa và bùng nổ công nghệ số.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Công an phối hợp với quần chúng nhân dân, bằng sự khôn khéo, mưu trí, sáng tạo, quyết đoán, đã kịp thời phá thành công vụ án ở số 7 phố Ôn Như Hầu.

Thắng lợi quan trọng này đã đập tan hoàn toàn mưu đồ thâm độc lật đổ chính quyền cách mạng của bọn tay sai phản động câu kết với thực dân Pháp, giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự cho nước nhà.

Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ mới - ảnh 4
PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Theo PGS. TS Đinh Công Tuấn, phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

“Với những chiến thắng vĩ đại đó, dân tộc ta đã giành lại được nền độc lập dân tộc, giang sơn thu về một mối, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Dựa trên những nền tảng vững chắc đó, hơn ba thập kỷ qua, công cuộc Đổi mới mà Đảng ta tiến hành đã thu được nhiều thành tựu hết sức quan trọng.

Đất nước ta đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Dân tộc ta đã và đang xác lập được cho mình một vị thế quốc tế xứng đáng và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững và hòa bình ở khu vực…”, PGS.TS Đinh Công Tuấn nhấn mạnh.

Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ mới - ảnh 5
Đoàn Chủ tịch Điều hành hội thảo

Trong quá trình hội nhập, toàn cầu hoá quốc tế hiện nay, cùng với sự bùng nổ của công nghệ số, vấn đề an ninh văn hóa đang là một vấn đề quan trọng không kém phần phức tạp đối với mỗi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.

 An ninh văn hóa là việc đấu tranh chống lại việc xâm nhập của các luồng tư tưởng, truyền bá sản phẩm phi văn hóa, thiếu lành mạnh, đi ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo nền văn hóa Việt Nam được phát triển mạnh mẽ, ổn định, hướng đến mục tiêu chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự và văn hóa. Lực lượng Công an nhân dân đã đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”; “xâm lăng văn hóa”; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của một số đối tượng chống đối, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự cho đất nước.

Để nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị của Đề cương văn hóa trong bảo vệ an ninh, trật tự, trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Học viện Chính trị Công an nhân dân đã cùng tham gia, phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới”.

Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ mới - ảnh 6
Toàn cảnh Hội thảo

Chủ đề của Hội thảo không chỉ nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong lịch sử đấu tranh cách mạng, mà còn hướng đến những giá trị lâu dài của Đề cương trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Hội thảo tập trung thảo luận, phân tích ba vấn đề lớn: làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn và giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đối với công tác bảo vệ an ninh, trật tự; phân tích thực trạng phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự; làm rõ phương hướng, giải pháp phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới.

BTC cho biết, Hội thảo đã nhận được 50 tham luận của 65 tác giả là các nhà khoa học tên tuổi. Tại Hội thảo này, cùng với sự tham gia của các báo cáo viên, đại diện cho các thế hệ giảng viên, nhà nghiên cứu còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực chuyên môn: Sử học, Khoa học Chính trị, Triết học, Văn hoá học, Xây dựng Đảng,... từ các cơ quan khoa học ở Trung ương cũng như một số địa phương.

Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam trong bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ mới - ảnh 7
Chương trình nghệ thuật tại hội thảo

Hội thảo không chỉ là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn, mà còn là môi trường để kết nối tri thức, mở ra các hướng đi mới, vận dụng sáng tạo những nội dung quan trọng của Đề cương vào bảo vệ và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều tham luận có giá trị lý luận và thực tiễn đã được gửi đến và trình bày tại Hội thảo: Giá trị trường tồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 qua soi chiếu với thực tiễn hiện nay; Vai trò của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong sự hình thành chủ trương văn hóa, nghệ thuật của Đảng trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - Những vấn đề đặt ra trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới; Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị quyết số 33 NQ/TW về văn hóa và phương hướng phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam; Bàn về ba nguyên tắc “dân tộc hoá”, “đại chúng hoá”, “khoa học hoá” của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 trong giữ gìn, xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam, đấu tranh với các tư tưởng sai trái, thù địch hiện nay…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc