Giải quyết “tranh chấp” di tích Hoành Sơn Quan

Nhìn vào Hải Vân Quan

LÂM SƠN

VHO - Hơn 20 năm qua, tình trạng “tranh chấp” sở hữu di tích Hoành Sơn Quan giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh vẫn chưa thể chấm dứt, khiến cho di tích hàng trăm năm tuổi này bị xuống cấp nghiêm trọng, cảnh quan, không gian trở nên tiêu điều, xác xơ.

Nhìn vào Hải Vân Quan - ảnh 1
Di tích Hoành Sơn Quan nhìn từ trên cao. Ảnh: B.LÂM

 Cần làm gì để Quảng Bình và Hà Tĩnh thôi giằng co dai dẳng, cùng bắt tay thống nhất nhận thức hợp tác, bảo vệ, phát huy giá trị di tích Hoành Sơn Quan, có lẽ hai địa phương này cần nhìn vào Hải Vân Quan, tham khảo cách làm của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Phụ thuộc rất lớn về nhận thức

Theo nhiều sử liệu để lại, năm 1833, vua Minh Mạng đã cho thiết lập ải ở Hoành Sơn, được gọi là Hoành Sơn Quan, thuộc địa phận xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại. Từ đó đến nay, di tích Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang vẫn sừng sững, uy nghi, chỉ tiếc là nó lại bị “quan tâm” quá mức của hai địa phương Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Những ngày gần đây dư luận xã hội lại rầm rầm bàn tán xung quanh việc UBND tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh sẽ ngồi lại, cùng nhau bàn cách cùng khai thác di tích đang tranh chấp giữa hai địa phương là Hoành Sơn Quan. Cũng theo nguồn tin, UBND tỉnh Quảng Bình đã có chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan lên lịch họp bàn với các đơn vị tỉnh Hà Tĩnh để triển khai cụ thể từng việc. Ngay lập tức, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có sự “phản hồi” kịp thời khi ra văn bản số 4292/ UBND-VX3, giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, UBND thị xã Kỳ Anh và các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ các quy định hiện hành, chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 4241/ UBND-TH3 và tình hình thực tiễn của tỉnh, làm việc với các Sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh Quảng Bình để thống nhất các nội dung ký kết hợp tác và quan điểm liên quan đến lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đối với Hoành Sơn Quan (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Còn trước đó, vào tháng 8.2002, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Cũng chẳng chịu thua kém, đến tháng 3.2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định xếp hạng công trình này là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Sau đó cả hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đều đề nghị Bộ VHTTDL xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Thế nhưng, Bộ VHTTDL đã “nói không” với hai tỉnh vì di tích Hoàng Sơn Quan đang trong quá trình bị “tranh chấp”. Cách đây hơn hai mươi năm, bằng sự hối thúc của các Bộ, ngành có liên quan, Sở VHTTDL hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết vụ “tranh chấp” sở hữu Hoành Sơn Quan. Lúc đó phía Hà Tĩnh đưa ra bản đồ địa chính mới và khẳng định di tích Hoành Sơn Quan thuộc về tỉnh này. Phía tỉnh Quảng Bình cương quyết không đồng ý vì di tích Hoành Sơn Quan đã được sử sách ghi nhận thuộc tỉnh Quảng Bình quản lý, như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí… Nhớ lại vấn đề này, một nguyên lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT) cho biết, vào thời điểm ấy đã liên tục hối thúc hai Sở VHTTDL tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất nhận thức, cùng hợp tác trong công việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Hoành Sơn Quan. Thậm chí còn đưa ra gợi ý hai tỉnh cùng làm chung hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL xem xét quyết định công nhận di tích quốc gia thuộc hai tỉnh, nhưng tiếc là không địa phương nào đồng thuận.

“Nghĩ lại cũng thấy buồn. Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân. Di tích là di sản là của các bậc tiền nhân để lại, chúng ta phải cùng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị, để cho di tích mãi được trường tồn. Nhận thức ấy rất quan trọng, tuy nhiên, vào thời điểm đó, lãnh đạo hai Sở VHTTDL và lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh vẫn chưa thể nhìn ra, vẫn co cụm, vẫn duy ý chí về phía mình mà không đặt lợi ích lên trên hết là cùng nhau bảo vệ, quản lý, khai thành một điểm đến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của hai địa phương. Hy vọng hai tỉnh sẽ nhìn lại vấn đề này, cùng thống nhất nhận thức như trên để không lãng phí một di sản có giá trị, ý nghĩa quan trọng”, một nguyên lãnh đạo Cục Di sản văn hóa đề nghị.

Nhìn vào Hải Vân Quan - ảnh 2
Du khách tham quan di tích Hải Vân Quan trong ngày mở cửa đón khách sau khi trùng tu. Ảnh: T.TRANG

Cùng nhìn về một phía, sẽ mang lại thành công

Đầu tháng 8 vừa qua, hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng tổ chức khánh thành và mở cửa đón khách tham quan sau hơn 2,5 năm trùng tu dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Hàng nghìn du khách đã đến tham quan, bày tỏ vui mừng khi được đến với “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Tại buổi lễ khánh thành, ông Phạm Tấn Xứ, Giám đốc Sở VHTT thành phố Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi xác định di tích Hải Vân Quan là di sản quốc gia chứ không riêng gì của hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Sở VHTT Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã được lãnh đạo hai tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cùng nhau phối hợp trùng tu, phục hồi, thể hiện được vai trò, vị trí của Hải Vân Quan mà cha ông để lại. Sau khi dự án trùng tu được hoàn thành, hai địa phương sẽ tiếp tục phối hợp để khai thác, phát huy giá trị hiệu quả để có nguồn lực tiếp tục tu bổ, bảo tồn”. Nhưng để được như vậy thì trước đó hai địa phương này cũng không ngớt giằng co, “tranh chấp” di tích Hải Vân Quan. Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều bằng chứng, tài liệu để chứng minh Hải Vân Quan thuộc về địa phương mình. Phía bên kia, thành phố Đà Nẵng cũng tung ra không ít sử sách, lập luận để bảo vệ bằng được “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là của mình, thuộc mình quản lý, bảo vệ. Câu chuyện “tranh chấp” ấy diễn ra trong suốt một thời gian dài, gần như không được Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, khiến nhiều hạng mục di tích Hải Vân Quan bị xuống cấp nghiêm trọng.

 Có thể nói, đây là một trong những ví dụ tiêu biểu, thành công về sự hợp tác, thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích của hai địa phương. Chính sự thống nhất nhận thức, cùng nhau hợp tác trên cơ sở cùng nhau bảo vệ, phát huy giá trị di sản đã mang đến cho di tích Hải Vân Quan trở nên khang trang, sạch đẹp, là điểm đến tham quan hấp dẫn du khách, mang lại nguồn lợi tích cực cho hai địa phương.

(TS PHAN THANH HẢI, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)

TS Phan Thanh Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (nay là Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế) nhớ lại, vào thời điểm ấy sự việc “tranh chấp” di tích Hải Vân Quan diễn ra trong một thời gian dài, khá căng thẳng, khục khặc, không ai chịu nhún nhường, lùi bước giống như câu chuyện đã, đang diễn ra ở Hoành Sơn Quan giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Nhưng trên tinh thần, nhận thức chung rằng, có một di sản mà hai quốc gia còn cùng chung làm hồ sơ khoa học để bảo vệ được thì chẳng lẽ một di tích mà hai địa phương không chịu hợp tác quản lý, bảo vệ. “Còn nhớ vào năm 2017, TS Nguyễn Thế Hùng, lúc đó là Cục trưởng Cục Di sản văn hóa có tổ chức một cuộc họp giữa Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Sở VHTT thành phố Đà Nẵng để bàn về sự hợp tác giữa hai địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, trên tinh thần thống nhất nhận thức chung là cùng bảo vệ, cùng quản lý di tích. Sau cuộc họp đó, hai đơn vị của hai địa phương tham mưu với lãnh đạo hai tỉnh, thành về việc “gác lại quá khứ”, thống nhất cùng chung tay quản lý, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Năm đó, phía Đà Nẵng đồng ý để Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL công nhận Hải Vân Quan là di tích quốc gia thuộc hai tỉnh, thành là Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng”, TS Phan Thanh Hải cho hay.

Cũng theo TS Phan Thanh Hải, hồ sơ khoa học được gấp rút triển khai và chỉ trong ba tháng đã hoàn thiện trình Bộ VHTTDL. Đến tháng 4.2017, Bộ VHTTDL đã ra quyết định xếp hạng Hải Vân Quan là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia thuộc hai tỉnh là Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Đến năm 2019, hai địa phương cùng ra nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, với mục tiêu “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng”. Tổng số vốn đầu tư dự kiến là hơn 42 tỉ đồng, ngân sách thành phố Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50% trên tổng mức đầu tư. “Có thể nói, đây là một trong những ví dụ tiêu biểu, thành công về sự hợp tác, thống nhất quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích của hai địa phương. Chính sự thống nhất nhận thức, cùng nhau hợp tác trên cơ sở cùng nhau bảo vệ, phát huy giá trị di sản đã mang đến cho di tích Hải Vân Quan trở nên khang trang, sạch đẹp, là điểm đến tham quan hấp dẫn du khách, mang lại nguồn lợi tích cực cho hai địa phương”, TS Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Bởi vậy, nếu lần này cả hai tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh cùng tham khảo “mô hình” hợp tác thành công giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng để cùng nhau lập hồ sơ trình Bộ VHTTDL xem xét, công nhận di tích quốc gia; cùng nhau tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị Hoành Sơn Quan, biến nơi đây trở thành điểm đến cuốn hút du khách, thì sẽ mang lại nguồn lực quan trọng cho hai địa phương, chấm dứt sự “tranh chấp” đang bị kéo dài.