Văn hóa dân tộc:
Nguồn cảm hứng cho sáng tạo đương đại
VHO - Văn hóa truyền thống vốn được xem là di sản của quá khứ, giờ đây lại trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo đương đại. Tuy nhiên, quá trình đưa nét đẹp xưa vào cuộc sống nay không phải lúc nào cũng suôn sẻ, bởi vừa giữ gìn được bản sắc, vừa tạo ra những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn là thách thức không nhỏ đối với những người làm sáng tạo trẻ hiện nay…
Tìm về nguồn cội
Văn hóa dân gian là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo VHNT, việc khai thác dựa trên nền tảng này có thể tạo ra những xu hướng mới lạ, độc đáo, thu hút sự quan tâm của công chúng. Điển hình như chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đang làm mưa làm gió trên mọi “mặt trận”, với rất nhiều tiết mục thành công nhờ lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian.
Trước đó, không ít nghệ sĩ đã khẳng định tên tuổi của mình khi khai thác mảng văn hóa truyền thống, điển hình như bộ đôi nhạc sĩ Lê Minh Sơn và ca sĩ Ngọc Khuê với Chuồn chuồn ớt; Hoàng Thùy Linh với Bánh trôi nước và Để Mị nói cho mà nghe…
Trong lĩnh vực phim ảnh, các tác phẩm khai thác đề tài dân gian cũng khá phổ biến như Cám, Kẻ ăn hồn, Trạng Quỳnh…
Gần đây, trào lưu cổ phục đã tạo nên “cơn sốt” trong giới trẻ. Tại Tọa đàm “Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo” diễn ra tuần qua, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, người khởi xướng sự kiện “Bách hoa bộ hành” diễu hành cổ phục Việt trên con đường di sản Thủ đô cho biết: “Năm 2010, có một vài phim cổ trang đã khơi nguồn cho một cuộc tranh luận về cổ phục, từ đó, nhiều bạn trẻ đã quan tâm đến vấn đề này.
Một số nhóm nghiên cứu cổ phục đã ra đời, hội tụ những người đến từ các lĩnh vực khác nhau, mong muốn khôi phục văn hóa cổ truyền Việt Nam một cách sâu sắc hơn. Phong trào ấy có lúc sôi nổi, khi trùng xuống, nhưng luôn có những người trẻ âm thầm đi vào lĩnh vực này”.
Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho rằng, người trẻ Việt Nam hiện nay tiếp thu văn hóa nước ngoài hoặc “bắt trend” từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… rất nhanh, nhưng vẫn không quên tìm về văn hóa Việt. Sau tất cả, truyền thống vẫn là xu hướng được mọi người quan tâm và chưa bao giờ đứt gãy.
Theo anh Trần Đức Minh, nhà sáng lập Công ty thiết kế Direction: Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong những năm gần đây khiến sản phẩm Made in Vietnam có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, đồng thời cũng giúp cho lĩnh vực VHNT có cơ hội phát triển.
Chẳng hạn trong lĩnh vực thiết kế, nhiều mẫu mã sản phẩm thể hiện đậm nét văn hóa Việt đã được các doanh nghiệp đưa ra thị trường.
Có thể thấy, sau Covid-19, nền văn hóa của từng quốc gia được chú trọng hơn thay vì toàn cầu hóa, việc tập trung sáng tạo không nằm ở các nước tiên tiến như Mỹ hay châu Âu, mà hiện tại các quốc gia châu Á cũng dần có vị thế của mình.
Đưa văn hóa dân tộc trở thành xu hướng
Người châu Á xưa gửi gắm ý niệm của họ lên từng sản phẩm. Chẳng hạn, áo “Nhật bình” bao giờ cũng đi kèm với mong muốn chúc phúc cho người mặc, với những họa tiết “cát tường” như giỏ hoa, quả quýt, quả lựu...
Bên cạnh đó, mật độ hoa văn trên trang phục xưa cũng tỷ lệ thuận với địa vị của người mặc, chẳng hạn, trang phục của vua chúa thường thêu kín vải, đính kim tuyến lấp lánh, dùng kỹ thuật may tinh tế…
“Nghiên cứu trang phục truyền thống và hiểu về những thông điệp văn hóa như vậy, tôi có tham vọng, khao khát đưa cổ phục trở lại với đời sống. Tuy nhiên, đây là hành trình dài vì trang phục xưa đã quá xa rời với văn hóa đại chúng”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga trăn trở.
Có thể thấy, phong cách của người xưa là trang phục nhiều màu sắc, nhưng hiện nay, trang phục đơn sắc chiếm ưu thế. Nếu lấy quan điểm thẩm mỹ xưa và áp đặt lên thẩm mỹ hiện đại sẽ gặp phải ý kiến trái chiều, khó thu hút đông đảo công chúng.
Thực tế, dù giới trẻ đã cởi mở hơn trong việc tiếp cận cổ phục, nhưng họ chỉ mặc khi tham gia các sự kiện, chụp ảnh, chứ chưa ứng dụng rộng rãi vào đời sống.
Qua đó có thể thấy, văn hóa là một kho tàng vô giá, chứa đựng những câu chuyện, hình ảnh và ý nghĩa sâu sắc. Việc truyền tải những giá trị tinh túy này đến thế hệ trẻ là một thử thách không nhỏ.
Mặt khác, việc lặp lại quá nhiều các yếu tố truyền thống có thể khiến sản phẩm trở nên nhàm chán và thiếu sức sống. Làm sao để vừa giữ gìn bản sắc, vừa tạo ra những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn là điều không dễ với nhiều người trẻ làm sáng tạo…
Kiến trúc sư Lại Thành Tín đưa ra giải pháp: Hãy giữ nguyên giá trị cốt lõi, nhưng biến tấu hình thức. Khi tìm về cảm hứng từ văn hóa dân gian, chúng ta không nên bó buộc vào những khuôn mẫu cũ.
Chỉ cần giữ lại những nét đặc trưng nhất là đã hoàn toàn có thể tạo nên những tác phẩm độc đáo, mang dấu ấn cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tự do sáng tạo, nhưng vẫn phải đảm bảo tôn trọng những giá trị của cha ông.
Cùng quan điểm, nhà sáng tạo thương hiệu Trần Đức Minh cho rằng, ứng dụng văn hóa dân gian vào thiết kế cần có sự chọn lọc.
Mỗi sản phẩm chỉ nên kể một câu chuyện, một góc nhìn riêng biệt về văn hóa. Việc nhồi nhét quá nhiều chi tiết sẽ khiến người tiêu dùng cảm thấy rối và khó nắm bắt.
Để thành công, người sáng tạo cần có nhãn quan tinh tế để kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện đại, tạo nên những tác phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn giàu ý nghĩa.