Người lưu truyền văn hóa làng biển
VHO - Khi nhắc đến phong tục, tập quán và văn hóa dân gian của ngư dân miền biển, ông Huỳnh Văn Mười (56 tuổi, trú tại 56/15 đường Võ Nguyên Giáp, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) luôn bắt đầu câu chuyện với niềm say mê và tự hào rõ rệt. Với ông, văn hóa miền biển là một “vùng đất thiêng” khó phai mờ và không thể mất đi.
Lan tỏa hình ảnh đẹp của quê hương và văn hóa truyền thống
Văn hóa của người miền biển vốn đã rất đặc sắc và phong phú, nhưng theo thời gian, nhiều nghi thức, nghi lễ truyền thống dần mai một, không ít thứ đã biến mất vĩnh viễn. Dù bà con luôn đau đáu, nhưng họ cũng không thể giữ lại được nếp sống xưa cũ của cha ông. Với ông Huỳnh Văn Mười, những điều mất đi ấy là nỗi nuối tiếc và thiệt thòi rất lớn. Bằng tình yêu quê hương đất nước, mong muốn gìn giữ ký ức về văn hóa làng biển một cách trọn vẹn, ông Mười đã sáng tác nhiều bài thơ về văn hóa truyền thống. Một số trong đó đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và công diễn. Những bài thơ của ông lưu giữ hình ảnh và dáng dấp của nếp sống người dân làng chài Mân Thái, với những chiếc thuyền thúng đặc trưng… Như trong bài thơ Đôi bầu gánh mẹ, ông đã khắc họa một không gian và tình cảm đậm đà của người miền biển: Nắng mai Mân Thái, biển sớm Sơn Trà/ Dáng mẹ mong manh, đường dài xa xăm…/ Gánh trên vai mẹ, cả đàn con thơ / Bầu trên vai mẹ, sữa ngọt nuôi con… Bài thơ đã được nhạc sĩ Quang Khánh phổ nhạc và giành giải C tại Giải thưởng Âm nhạc TP Đà Nẵng năm 2022.
Ông Mười tâm sự, văn hóa của ngư dân làng biển rất đặc biệt và phong phú, đáng tiếc là cả chiều dài lịch sử lập làng 300 năm nhưng chỉ có duy nhất một ca khúc là Mân Thái khúc hát tình quê được nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái sáng tác đã lâu. Mong muốn lan tỏa, gìn giữ hình ảnh đẹp của quê hương, của văn hóa truyền thống, ông Mười đã ấp ủ mở một trại sáng tác ca khúc về Mân Thái. “Ngày đó, thông qua UBND phường Mân Thái, chúng tôi đã quy tụ được những nhạc sĩ có tiếng của thành phố Đà Nẵng để lập nên hội trại sáng tác ca khúc về làng biển Mân Thái, tôi cùng các nhạc sĩ đã đi thực tế, gặp nhiều lão làng là ngư dân, trải nghiệm cảnh sông nước… để các thành viên có cảm xúc và chất liệu sáng tác. Kinh phí ít nhưng tất cả các nhạc sĩ đều nhiệt tình tham gia vì cùng chung tình yêu với biển và văn hóa truyền thống của làng chài”, ông Mười nhớ lại.
Kết quả là trong khoảng một tháng, trại sáng tác do ông Mười khởi xướng đã cho ra đời 12 ca khúc viết về Mân Thái. Trong số này, từ 5 bài thơ của ông, các nhạc sĩ đã phổ nhạc thành 5 bài hát, dân ca gồm: Nỗi lòng về cha, Tình cha hồn biển, Dặm trường gánh mẹ, Đôi bầu gánh mẹ và Hồn quê làng chài. Những ca khúc cất lên đã mở ra cho người nghe cả một không gian rộng lớn của làng quê ven biển, nơi những người đàn ông vừa làm trụ cột gia đình, vừa là linh hồn của con sóng trong mỗi chuyến xa khơi; những người phụ nữ lặn lội bên bờ biển từ khi mặt trời còn chưa tỏ…
Tình yêu trọn vẹn dành cho làng biển
Năm 2022, ông Mười đã đứng ra kêu gọi, tổ chức chương trình nghệ thuật Mân Thái khúc hát tình quê được UBND phường tặng giấy khen, địa phương biểu dương, đánh giá cao. Có thể nói, hiếm có ai sáng tác nhiều ca khúc viết về ngư dân, nghề đi biển như ông Huỳnh Văn Mười viết về làng Mân Thái của mình. “Những ca khúc tôi sáng tác và may mắn được phổ nhạc là cơ duyên và cũng là tình yêu trọn vẹn của tôi dành cho Mân Thái, đó là một hành trình dài từ khi tôi còn rất nhỏ đã được cùng cha lênh đênh trên biển, nghe ngư dân hát trong mỗi chuyến dong thuyền đánh bắt. Lúc còn trẻ, tôi chỉ đơn thuần là yêu làng biển bằng cách theo nghề ông cha, khi đã có tuổi thì tôi luôn khát khao được thể hiện tình yêu đó và mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông mình được giữ gìn, lan tỏa”, ông Mười chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Mười còn là người đầu tiên phục dựng không gian mang tên “Ký ức làng chài” với sự tham gia nhiệt tình của nhiều người dân Mân Thái. Lấy bối cảnh xưa làm nguồn cảm hứng, ông đã phục dựng lại đời sống, lao động và sinh hoạt quen thuộc của bà con. Để thực hiện dự án này, ông Mười cất công đi gặp gỡ các bậc cao niên trong làng, tìm những người bạn gần xa để trao đổi về ý tưởng. Khi nghe ông mời gọi, ai cũng hứng khởi tham gia “vào vai”. Quá trình phục dựng được thực hiện bởi các lão làng Mân Thái, những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề biển. Họ tái hiện sinh động và nhuần nhuyễn các công việc liên quan đến nghề đi biển, như: Lễ cúng tạ hồi, gọt phao gỗ, trét dầu rái đôi bầu, dùng dây tơ hồng chà phân bò vào thúng, vá trủ, giã vỏ thông... Tất cả những hoạt động này đã góp phần làm sống lại những ký ức quý báu của một thời nghề biển, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của làng chài Mân Thái.
Ông Mười cho biết, riêng sách về văn hóa làng biển, ông đã in một cuốn dày 150 trang, giờ ông ấp ủ một bảo tàng chuyên đề về làng chài xưa. Hiện nay, nhằm kết hợp giữ gìn giá trị văn hóa lịch sử truyền thống với quảng bá du lịch làng chài, ông Huỳnh Văn Mười đã sưu tầm hiện vật về nghề đi biển xưa. Ông dựng 3 đến 4 nhà phao, mỗi nhà diện tích khoảng 2 - 3m2 được tạo hình từ hàng trăm ký phao cũ, trong đó trưng bày hình ảnh ngư cụ đang được ông gấp rút hoàn thiện để đón người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm.