Nghĩ về văn hóa trách nhiệm

THỤY BẤT NHI

VHO - Một cựu lãnh đạo ngành thương mại Đà Nẵng vừa trao đổi tâm tư quanh câu chuyện hàng ngàn tấn giá đỗ ngâm hóa chất bị tung ra thị trường. “Cái ác phải bị trừng trị, nhưng về phần chúng ta, văn hóa trách nhiệm cần được thể hiện thế nào, là vấn đề đáng được quan tâm”, vị này nhận xét như vậy.

 Ý kiến của vị cựu lãnh đạo gợi đến bài học về văn hóa Nhật Bản. Rằng mỗi người luôn phải ghi nhớ văn hóa trách nhiệm của mình, biết cảm ơn khi ai đó giúp mình và xin lỗi khi mình làm ảnh hưởng đến ai đó.

 Trong câu chuyện giá đỗ ngâm hóa chất làm xôn xao dư luận mấy ngày qua, chưa thấy có ai, đảm nhận cương vị nào, lên tiếng xin lỗi công chúng, xin lỗi những người tiêu dùng có nguy cơ bị ảnh hưởng thực phẩm bẩn. Khi báo chí đề cập đến việc xác minh “lỗi của ai”, phần lớn cơ quan quản lý chức năng đều im lặng hoặc từ chối trả lời. Một số cơ quan báo chí cố liên lạc, đều nhận được phản hồi trách nhiệm thuộc về người khác.

Tại Đắk Lắk, nơi xảy ra sự vụ nghiêm trọng, Sở NN&PTNT quy lỗi về Sở Công thương vì giá đỗ xuất đi đã là hàng hóa; và Sở Công thương quy lại về Sở NN&PTNT vì nông sản do ngành này quản lý. Vị cựu lãnh đạo nhìn nhận, thực chất báo chí cũng… không rõ trách nhiệm. Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản là thuộc Chi cục tên gọi này, thuộc Sở NN&PTNT; chính Chi cục này cấp phép cho cơ sở giá đỗ hoạt động. Còn quản lý hàng hóa trên thị trường tất nhiên thuộc Chi cục Quản lý thị trường, thuộc Sở Công thương. Kiểm tra chéo hai đơn vị này là thuộc đơn vị chức năng của Sở Y tế. Nên, để truy vấn ai phải chịu trách nhiệm chính về vụ giá đỗ, phóng viên báo chí nên “túm lấy” các Chi cục, sau đó truy ngược cấp quản lý nhà nước, thì “mới đúng quy trình”. Việc nắm rõ điều này là trách nhiệm của báo chí.

Vấn đề là, dù truy xuất ra sao, những cơ quan chức năng cũng phải tự thấy phần trách nhiệm, phải biểu lộ ý thức thượng tôn pháp luật mà ứng xử. Đổ lỗi người khác, thoái thác liên quan mình đều là hành vi thiếu văn hóa trách nhiệm. Đã lâu rồi, nông sản Việt “vướng tin đồn”. Đã là sầu riêng, phải ngâm hóa chất. Đã là café, phải trộn tạp chất. Những tin đồn đó cộng với những câu chuyện “như thật” về người nông dân trồng thửa rau khác nhau, nghe qua đã thấy sự nhẫn tâm, ác đức ở trong con người thôn quê chất phác. Song đã có ai quan tâm làm rõ thực hư những tin đồn ấy?

Nên đến nay, vụ giá đỗ có thể như giọt nước tràn ly, buộc dư luận phải cùng lên tiếng. Hành vi phạm pháp kinh doanh thực phẩm bẩn đáng lên án, nhưng hậu quả những món nông sản nguy hại, đâu chỉ có đem hình phạt, bản án soi chiếu là đủ. Trách nhiệm cuối cùng phải được chỉ ra, bản án dư luận lương tâm đi đôi với hình phạt pháp luật mới là tạm đủ để xử kẻ làm sai. Chỉ là, ở góc cạnh này, chính những cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm rõ ràng nhất. Từ chối trả lời, đẩy lỗi người khác là thiếu văn hóa trách nhiệm.

Người xưa có câu: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Nghĩa là sự hưng vong của nước nhà, đều có trách nhiệm người đàn ông. Thất phu thậm chí là từ chỉ người đàn ông thuần giới tính, chưa đề cập gì đến văn hóa, trình độ, khả năng… Nghĩa là một sự việc quốc gia, rất mơ hồ, cũng đã liên quan đến bất kỳ kẻ nào sinh ra là đàn ông. Ấy là văn hóa trách nhiệm, là lễ đạo mà con người phải tuân thủ.

Vậy thì, khi hàng ngàn tấn giá đỗ bẩn tung ra thị trường bao lâu nay, giờ mới bị phát hiện, thì cả quy trình quản lý, cân đong xác nhận từng đơn hàng đó, phải thuộc về ai và kẻ đó phải có trách nhiệm trả lời, phải biết xin lỗi. Chính sự thờ ơ của mỗi người trước sự việc, đều liên quan đến văn hóa trách nhiệm chúng ta! 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc