Nghệ thuật thưởng Trầm trong đời sống văn hóa xưa-nay
VHO - “Nghệ thuật thưởng Trầm là nơi Trầm Hương thể hiện sự hoà nhập vào trong đời sống thế tục, thường là riêng biệt hoặc đi kèm trong một tổng thể với các hoạt động văn hoá nghệ thuật khác như ngắm hoa, vẽ tranh, làm thơ, thưởng trà…tạo nên một buổi thưởng thức nghệ thuật viên mãn hương, hoa, trà, hoạ, trong đó hương ở đây thường là hương của Trầm”.
Đó là chia sẻ của nghệ nhân Phạm Tuấn Anh về nghệ thuật thưởng Trầm và đã có từ bao đời nay gắn liền với giai cấp quý tộc trong quá khứ và các triều đại phong kiến ở nhiều nước trên thế giới. Và ngày nay thưởng Trầm đã trở thành nét văn hóa của giới thượng lưu và đam mê nghệ thuật.
Theo nghệ nhân Phạm Tuấn Anh, do đam mê Trầm Hương nên đã rất nhiều năm qua anh bỏ tiền của, công sức để theo đuổi, tìm hiểu về lịch sử phát triển của Trần Hương và anh đã sáng lập ra thương hiệu Trầm hương Hoàng Trầm và tái hiện nghệ thuật thưởng Trầm để thu hút du khách đến Nha Trang.
Nghệ nhân Phạm Tuấn Anh cho biết: Hương thơm (và hương liệu) đã là một yếu tố nổi bật trong nhiều nền văn hóa và tập quán sinh hoạt lâu đời của hầu hết các nền văn minh lớn từ Đông sang Tây. Sự hiếm có cũng như việc khó tiếp cận thường mang lại cho chúng một địa vị cao quý hoặc huyền bí.
Trong quá trình phát triển lịch sử, hương liệu và hương thơm đồng nghĩa với sự giàu có, độc quyền và xa xỉ, và trên thực tế chỉ có một số lượng giới hạn của tầng lớp giới thượng lưu, quyền quý (bậc vua, chúa) mới có thể tiếp cận. Họ thường lý giải cho việc sử dụng này là cần thiết do tầm quan trọng của hương thơm trong các hoạt động về tôn giáo, tang lễ, y tế, văn hoá, nghệ thuật …
Thưởng Trầm là thưởng thức mùi thơm của Trầm Hương, “ngửi mùi” hương hay “văn hương”, nhưng để đạt đến sự tinh tế trong việc thưởng thức này cần có một số kiến thức cơ bản. Điều đầu tiên là Trầm Hương, đặc biệt ở các loại Trầm Hương cao cấp, được hình thành nên bởi rất nhiều lớp hợp chất tinh dầu thơm khác nhau.
Các lớp tinh dầu thơm này có mùi thơm khác nhau và có nhiệt độ bay hơi khác nhau. Có thể thưởng thức mùi thơm Trầm Hương ở nhiệt độ thường (với một số loại Trầm Hương có chất lượng tốt trở lên) nhưng đa phần hương thơm của Trầm được phát lộ mạnh mẽ nhất, mang đến một hương thơm tổng hợp đặc trưng của trầm hương, và cho từng loại Trầm, thường đạt được khi miếng trầm có nhiệt độ khoảng 180-200 độ C. Thấp hơn thì mùi sẽ bị “non”, cao hơn sẽ có mùi khét.
Nghệ thuật thưởng Trầm, về cơ bản sẽ làm cách nào để khéo léo tạo ra một lư trầm nhỏ dạng như thủ hương, cầm trên tay được) với nhiệt độ tốt nhất, phù hợp nhất để Trầm Hương toả hương thơm nhất, và thưởng thức mùi hương đó. Quá trình này về cơ bản sẽ cần đốt một viên than, sau đó vùi trong một lư tro, kiểm soát nhiệt độ cho phù hợp, sau đó đặt miếng Trầm vào và chờ một lúc đến khi Trầm nhận đủ nhiệt để toả hương thơm.
Việc thực hiện này cần có sự léo khéo và tinh tế của người thực hiện, cũng như kinh nghiệm để tạo nên một lư Trầm đẹp và thơm. Các động tác trong quá trình thực hiện cũng được nâng cao lên thành một cấp độ biểu diễn, nhằm tăng hiệu quả của việc thưởng Trầm.
Trong các cuộc thưởng Trầm đơn thuần cũng thường đi kèm với các loại hình diễn thơ, nhạc hoạ thưởng trà cũng diễn ra song song nhằm tăng thêm tính nghệ thuật và nâng cao cấp độ cảm giác trải nghiệm. Người xưa cũng hay dùng các loại Trầm có mùi vị khác nhau để tổ chức các cuộc thi nhỏ trong vòng giới hạn, để thử xem ai là người sành điệu và tinh tế nhất trong việc phát hiện ra cấp độ các loại trầm được sử dụng.
Đối với các văn hoá truyền thống, Trầm Hương có những đặc tính cao cấp nhất về hương thơm rất dễ nhận biết và rất khó để từ chối hay thay thế bằng một loại hương liệu tương tự. Nhiều nghi lễ tôn giáo sử dụng hương và khói của Trầm Hương là sứ giả duy nhất để kết nối các tâm hồn trần tục với linh hồn tối cao của đấng thượng thiên mà họ thờ kính.