Nghệ sĩ Lê Thanh Phong nhận Bằng khen vì những đóng góp cho Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
VHO - Tối 23.11.2024 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh (Nghệ An) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh. Tại lễ kỷ niệm, Bộ VHTTDL đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2019-2024. Trong những cá nhân được tặng Bằng khen, nghệ sĩ Lê Thanh Phong là người trẻ tuổi nhất.
Thanh Phong sinh năm 1992 tại TP. Vinh. Anh là Thạc sĩ, Trưởng đoàn Nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội, BTV chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền VOV3 - Đài Tiếng nói Việt Nam.
Yêu dân ca Ví, Giặm khi còn là một cậu học trò xứ Nghệ, xa quê hương ra Hà Nội học tập và làm việc, tình yêu đó càng trở nên mãnh liệt hơn. Năm 2011, anh thành lập CLB dân ca Ví, Giặm đầu tiên tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
CLB chính là nền móng để phát triển thành Đoàn Nghệ thuật UNESCO Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội hiện nay – một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với hơn 50 nghệ sĩ, diễn viên.
Năm 2021, Thanh Phong ra mắt CD Ví, Giặm tình quê với các bài dân ca xứ Nghệ lời mới và ca khúc âm hưởng Ví, Giặm. Cùng với biểu diễn, anh còn xây dựng nhiều chương trình, vở diễn dân ca xứ Nghệ lớn như Câu dân ca dâng Người, Dòng sông chở những câu hò, Dâng Người câu hát quê hương, Xuân qua miền Ví, Giặm…
Thanh Phong cũng rất tích cực trong việc đưa nghệ thuật quê hương ra thế giới thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa tại các nước như Uzbekistan, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp…
Đáng chú ý, năm 2023 anh đưa tổ chức dân ca xứ Nghệ Ân tình Ví, Giặm hồn quê biểu diễn trong Ngày Việt Nam tại Pháp; đảm nhận vai trò viết kịch bản, đạo diễn và biểu diễn chương trình nghệ thuật Hương sắc Việt Nam trong Ngày Việt Nam tại Nhật Bản.
Là một người trẻ năng động, nhanh nhạy với công nghệ, Lê Thanh Phong rất chú trọng việc tiếp cận khán giả trẻ thông qua nền tảng số. Năm 2014, anh lập fanpage “Dân ca Ví, Giặm” với các nội dung về lịch sử hình thành, giới thiệu các làn điệu dân ca Ví, Giặm; các video ca nhạc dân ca xứ Nghệ và ca khúc âm hưởng Ví, Giặm; giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ và nghệ nhân dân ca xứ Nghệ…
Đến nay, trang thu hút được 100 nghìn like và 341 nghìn người theo dõi. Bên cạnh đó, kênh YouTube và Tiktok về dân ca xứ Nghệ của anh cũng thu hút được rất đông khán giả, phần lớn là người trẻ.
Cùng với đó, Thanh Phong rất chú trọng việc truyền tình yêu Ví, Giặm thông qua việc mở các lớp dạy dân ca Ví, Giặm tại Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Đại Nam, Trung tâm UNESCO hỗ trợ sức khỏe cộng đồng Hà Nội; đưa mô hình dạy hát Ví, Giặm ra với không gian thực cảnh tại đình Xuân Tảo Sở, Hà Nội; đào tạo nâng cao kỹ thuật biểu diễn kịch hát dân tộc hàng năm tại Đoàn Nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ…
Lê Thanh Phong cũng từng được trao giải Diễn viên xuất sắc tại Festival âm nhạc dân gian thế giới Uzbekitstan 2017; Bằng khen Liên hoan âm nhạc dân gian do Đài Truyền hình quốc tế Vân Nam – Trung Quốc năm 2019; các Bằng khen Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trao tặng; giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam…
Chia sẻ cảm xúc khi nhận Bằng khen của Bộ VHTTDL trên chính quê hương mình, Thanh Phong cho biết, anh rất xúc động và tự hào khi những đóng góp của mình trong hơn một thập kỷ qua được ghi nhận. Với anh, niềm hạnh phúc còn được nhân lên gấp bội khi người trao Bằng khen cho anh là Thứ trưởng Tạ Quang Đông – người thầy của anh.
Nam nghệ sĩ 9x cũng chia sẻ thêm, anh rất vui khi những năm gần đây trên quê hương Nghệ Tĩnh có nhiều chương trình, hoạt động đưa Ví, Giặm gần hơn với người trẻ. Đơn cử như Bảo tàng Nghệ An đã tạo ra một không gian diễn xướng Ví, Giặm cổ để các bạn trẻ đến trải nghiệm, thực hành Ví, Giặm.
“Tôi thấy giới trẻ có xu hướng quay lại với văn hóa cổ truyền rất lớn. Quan sát kỹ trên các nền tảng số do mình quản lý như Facebook, Youtube, Tiktok…, tôi thấy các bạn Gen Z có nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống rất truyền cảm. Các bạn sáng tạo rất hay, thực hiện clip trên nền dân ca Ví, Giặm hoặc sử dụng chất liệu Ví, Giặm… và được lan tỏa mạnh mẽ, thu hút tương tác lớn”, Thanh Phong nói.
Lê Thanh Phong tiết lộ, anh và Đoàn Nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ sắp tới sẽ tổ chức một triển lãm ảnh kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Dân ca Ví, Giặm là hai lối hát dân ca (không có nhạc đệm) được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra cách đây hàng trăm năm. Ví, Giặm được thực hành trong mọi thời khắc của cuộc sống như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa, đánh bắt cá trên sông nước…, được trình diễn với những trạng thái, tình cảm khác nhau như khi vui, lúc buồn của một người và của nhiều người.
Cộng đồng dân cư Việt ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã coi các làn điệu dân ca Ví dặm như một phần cuộc sống và là bản sắc của vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngày 27.11.2014, tại kỳ họp lần thứ 9, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.