Ngắm hàng trăm bức thư pháp đặc biệt tại triển lãm “Nghiên bút còn thơm”
VHO - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2024), hướng tới Ngày Di sản Việt Nam 23.11, chiều 31.8 tại Khu Thái Học- Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám khai mạc Triển lãm thư pháp quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm”, trưng bày hàng trăm tác phẩm thư pháp quốc ngữ độc đáo trong không gian nghệ thuật ánh sáng.
Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” giới thiệu và trình hiện nghệ thuật thư pháp Quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, cùng sự phối kết hợp với ánh sáng tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về Thư pháp quốc ngữ.
Triển lãm được tổ chức với mong muốn tạo ra một nền tảng giao lưu và hợp tác giữa các tác giả thư pháp Quốc ngữ hiện đại từ khắp mọi miền đất nước, đặc biệt hướng tới những cây bút trẻ.
Triển lãm định hướng sáng tác mới, tư duy nghệ thuật theo hướng mới, tân cổ điển - bán hiện đại, kết hợp giữa kiểu truyền thống và phong cách sáng tác hiện đại, cùng với cách thức tổ chức, trưng bày hiện đại, được định hình để làm tiền đề và chuẩn mực hơn từ nay về sau cho các triển lãm kế tiếp về thư pháp Quốc ngữ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám nhấn mạnh: “Triển lãm mong muốn tạo ra một sự thay đổi mới mẻ, sáng tạo cho hoạt động thư pháp chữ quốc ngữ cũng như tạo ra một sân chơi, một sự kết nối ngày càng bền vững, chắc chắn hơn giữa người hoạt động thư pháp trong cả nước. Thông qua đó triển lãm có thể góp phần cho đời sống và sinh hoạt văn hóa ngày càng phong phú”.
Ông Vũ Thanh Tùng (Xuân Như) - Giám tuyển, thiết kế triển lãm chia sẻ: “Từ cảm hứng ban đầu là nghiên mực đá thời Lê và hai bút lông đá ở nhà Bái Đường di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi đã lên ý tưởng và lấy tên cho triển lãm này đó là Nghiên bút còn thơm”.
Nhà thư pháp Bùi Chính Hưng, đại diện nhóm tác giả bày tỏ: “Chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp về sự trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là thư pháp chữ quốc ngữ”.
Triển lãm ngoài lựa chọn trưng bày 70 tác phẩm chính thức còn có 41 “tác phẩm” nhỏ được chọn lựa riêng, ngẫu nhiên với tinh thần chắt lọc tinh hoa bút mực một cách ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác chuẩn bị cho triển lãm của các tác giả. Số lượng các tác phẩm nhỏ dùng để sắp đặt, trang trí, trưng bày kết hợp theo từng module theo từng vị trí tổng là 693 bức.
Nội dung các tác phẩm thư pháp đều lấy cảm hứng từ những nội dung thơ văn Quốc âm (chữ Nôm)/Quốc ngữ của các danh nhân trong lịch sử và văn học nước nhà như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân gắn bó hoặc có những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội, về Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Các tác giả viết và sáng tác còn sử dụng những nội dung văn chương thời nay viết về Thăng Long, về Hà Nội.
Toàn bộ các tác phẩm chính và các tác phẩm nhỏ sắp đặt theo từng module trưng bày đều được soi sáng từ bên trong, mang lại hiệu ứng xem-cảm mới cho công chúng thưởng thức nghệ thuật.
Từng con chữ, từng nét bút, từng vết mực đều được làm nổi bật và soi rõ bằng ánh sáng. Người xem có thể cảm nhận, tương tác hai chiều một cách rõ ràng hơn, trực quan nhất vẻ đẹp của bút mực trên từng trang giấy. Tất cả tạo nên một không gian tràn ngập chữ và ánh sáng.
Các tác phẩm nhỏ trên mặt đất cùng với module chạy vòng xung quanh không gian trưng bày trên các ô cao mang hàm ý kết nối tác phẩm, kết nối tác giả, kết nối 3 miền Nam – Trung – Bắc , kết nối cộng đồng của mình, kết nối với công chúng trong một không gian thư pháp tràn ngập chữ.
Thư pháp Quốc ngữ cần “nối vòng tay lớn” để ngày càng phát triển hơn. Bốn cột hình trụ lục giác lấp đầy bởi các ô chữ biểu trưng cho tính trụ cột, module sắp đặt này muốn đề cập đến điều mà thư pháp quốc ngữ đang muốn hướng tới và truyền tải thông qua triển lãm chính là 4 tiêu chí: Thư pháp - Nghệ thuật - Chuyên nghiệp - Đẳng cấp.
Các dải băng giấy với tổng chiều dài 200m được sắp đặt trưng bày dạng lượn sóng vừa tạo hiệu ứng hoành tráng cho không gian trưng bày, vừa có tác dụng làm mềm cho không gian chữ, đồng thời mang hàm ý nghệ thuật phải được buông, thả, được tự do sáng tác như con sóng tùy thích uốn lượn.
Tác phẩm điêu khắc sơn thếp nghiên mực hình lá sen, bút lông cỡ lớn, cùng với con triện lớn có điêu khắc hình búp sen trên đầu và mặt triện được khắc 4 chữ triện Thăng Long Văn Miếu (Văn Miếu ở Thăng Long) vừa là chủ đề của triển lãm, vừa là hàm ý hướng tới Thăng Long - Hà Nội, cũng vừa là sự khẳng định vị trí của Văn Miếu với bút- nghiên nơi khơi nguồn đạo học.
Đây có thể nói là triển lãm đầu tiên được Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, chính thức, chính danh đúng như một triển lãm nghệ thuật, mỹ thuật đúng nghĩa và mang tầm đương đại dành cho thư pháp Quốc ngữ - điều mà lâu nay ít hoặc chưa triển lãm Thư pháp Quốc ngữ nào làm được.
Tại lễ khai mạc diễn ra màn trình diễn thư pháp thú vị từ 5 tác giả tham gia triển lãm. Màn trình diễn là sự phối kết hợp giữa nghệ thuật hành vi trình diễn kết hợp với âm nhạc được sáng tác riêng cho buổi khai mạc.
Ngày 14.9, BTC phối hợp cùng giám tuyển và các tác giả tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện nay - Thực trạng và hướng đi”.
Tham gia triển lãm gồm 15 tác giả từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tất cả đều có tình yêu chung với thư pháp chữ Việt và mong muốn được đem tình yêu nghệ thuật ấy chia sẻ, lan tỏa tới nhiều người yêu con chữ Việt.
Giám tuyển triển lãm là Thư pháp gia, triện khắc gia Xuân Như - Vũ Thanh Tùng, hiện đang giảng dạy thư pháp Hán- Nôm tại Nhân Mỹ Học đường, từng là giám tuyển nhiều kỳ cuộc triển lãm thư pháp tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng như sự kiện Hội Chữ Xuân. Giám tuyển cũng là người lên ý tưởng, lập đề án, lên kế hoạch, đạo diễn, thiết kế, dàn dựng, sắp đặt, trưng bày cho triển lãm lần này.