Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội Đền Đồng Nhân

NGÂN ANH

VHO - Sáng 24.12 tại Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức Tọa đàm nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Đền Đồng Nhân (Lễ hội Đền Hai Bà Trưng), phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.

Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội Đền Đồng Nhân - ảnh 1
Các đại biểu chủ trì, điều hành tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội - nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Theo Đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận dạng, kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa. Tính đến nay, Hà Nội có 44 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 4 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vât thể đại diện nhân loại.

Theo ông Đỗ Đình Hồng cho biết, lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của cộng đồng từ lâu đời. Cộng đồng đóng vai trò chủ thể của di sản là trung tâm trong việc thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống.

Đặc biệt, đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Đồng Nhân, cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Những lễ hội và tri thức dân gian tại đây không chỉ là tài sản văn hóa của dân tộc, mà còn gắn với đời sống tâm linh của cộng đồng địa phương.

Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội Đền Đồng Nhân - ảnh 2
Giám đốc Sở VHTT Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Tọa đàm

Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cũng lưu ý, trong đời sống hiện đại, lễ hội truyền thống tại Hà Nội nói chung, đặc biệt là khu vực nội thành nói riêng vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cộng đồng. Nhiều lễ hội là nguồn thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống đứng trước những tác động của quá trình đô thị hoá, dẫn đến thay đổi lớn trong lối sống của người dân và tác động không nhỏ tới không gian thực hành di sản.

“Ngành văn hóa Thủ đô mong muốn, giá trị đặc trưng của Lễ hội đền Đồng Nhân có thể lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư không chỉ trên địa bàn Thành phố mà còn được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến”, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết.

Quận Hai Bà Trưng hiện có 51 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có 35 di tích xếp hạng gắn liền với các di tích là các sinh hoạt văn hóa phi vật thể, các lễ hội. Lễ hội đền Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng là một trong những lễ hội đặc sắc của người dân địa phương nói riêng và người dân Hà Nội nói chung. Lễ hội được tổ chức hằng năm từ ngày 5- 7 tháng Hai âm lịch tại miếu thờ Hai Bà Trưng - phường Bạch Đằng và đền Hai Bà Trưng - phường Đồng Nhân.

Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội Đền Đồng Nhân - ảnh 3
Toàn cảnh Tọa đàm

Hội đền Hai Bà Trưng là lễ hội lớn ở kinh thành xưa, không chỉ thu hút hàng ngàn người tham gia mà đây còn là dịp phát huy truyền thống yêu nước, là động lực để khích lệ mọi người hăng say hơn nữa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, truyền thống thực hành trong lễ hội không chỉ tạo nên không khí vui tươi lành mạnh, một món ăn tinh thần trong cộng đồng mà còn tạo nên sự gắn kết, hòa hợp giữa các cá nhân trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh: “Quyết tâm gìn giữ và lưu truyền các giá trị di sản văn hóa cho các thế hệ mai sau là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng”.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Lễ hội đền Đồng Nhân có chủ thể văn hóa là cộng đồng cư dân làng Đồng Nhân. Qua thời gian, lễ hội vẫn giữ được tục kết chạ, giao hiếu - một phong tục đẹp, góp phần tăng cường tình đoàn kết, cố kết cộng đồng làng có di tích thờ Hai Bà Trưng.

Trên địa bàn Hà Nội có 3 đền thờ nổi tiếng là đền Đồng Nhân, đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh và đền Hát Môn. Nét đặc trưng là ở 3 ngôi đền này hàng năm đều có tổ chức Lễ hội lớn có tính liên vùng. Tạo sự gắn kết sinh hoạt văn hoá tiêu biểu của cả 3 ngôi đền nói trên là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng dự án bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội ở đền thờ Hai Bà Trưng nhằm tạo ra hệ sinh thái du lịch di sản với các sản phẩm du lịch đặc sắc không bị trùng lặp cho cả 3 lễ hội lớn nói trên.

Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội Đền Đồng Nhân - ảnh 4
Nhiều ý kiến được các nhà khoa học đóng góp tại Tọa đàm

Lưu ý sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định, các tour du lịch di sản sẽ tạo cơ hội cho cộng đồng sáng tạo ra nhiều loại hình sản phẩm du lịch độc đáo của từng địa phương. Qua đó, nhằm bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội 3 đền thờ Hai Bà Trưng trên địa bàn gắn với phát triển du lịch.

PGS.TS Phạm Lan Oanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, với vẻ đẹp huyền thoại và ý nghĩa lịch sử, đền Đồng Nhân cùng với di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể chứa đựng trong nó không chỉ là một di sản văn hóa vô giá mà còn trở thành biểu tượng soi đường cho hậu thế tìm về cội nguồn, tỏ lòng tri ân Hai Bà Trưng - hai bậc nữ anh hùng kiệt xuất.

Các nhà khoa học, chuyên gia tại tọa đàm cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ ở cộng đồng dân cư sinh sống lâu năm tại địa phương mà còn cần sự tham gia cả những người trẻ tuổi.

Lễ hội đền Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng được các nhà khoa học, nhà chuyên môn nhận định hoàn toàn xứng đáng để được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thời gian tới, Quận Hai Bà Trưng tiếp tục phối hợp Sở VHTT Hà Nội báo cáo Thành phố và hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy trình.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc