Linh thiêng những ngôi chùa nơi địa đầu Tổ quốc
VHO - Với truyền thống “Hộ quốc, an dân”, thực hành hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc", những ngôi chùa nơi địa đầu Tổ quốc, nơi hải đảo xa xôi đã và đang không chỉ gắn kết mọi người với đảo mà còn là điểm tựa tinh thần, góp phần giữ gìn và bảo vệ vững chắc biển, đảo quê hương.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phật giáo đã bén rễ, ăn sâu và hòa nhập vào xã hội Việt Nam, trở thành một thành tố của nền văn hóa truyền thống cao đẹp của người Việt Nam, nền văn minh, văn hiến Việt Nam.
Sức ảnh hưởng của Phật giáo không chỉ đến từ sự tu tập hay khổ hạnh mà còn vì Phật pháp luôn dạy con người không được tách rời giữa Pháp (giáo lý của Đức Phật) với thế gian. Con đường đến giác ngộ gắn liền với sự tương tác và trải nghiệm trong thế giới trần tục.
Người hành pháp tham gia vào thế gian, không phải như một sự phân tâm khỏi việc tu tập, mà là một phần không thể thiếu của nó. Sự tỉnh thức thực sự được tìm thấy không phải bằng cách rút lui khỏi thế gian, mà bằng cách sống đầy đủ trong đó, nhận ra bản chất Phật trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Pháp của Phật ở trong thế gian, tiếp nối dòng chảy của Phật giáo yêu nước cho tới tận thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, ở thời kỳ nào, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay hòa bình phát triển đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc, luôn đề cao tinh thần “hộ quốc, an dân”.
Tháng 11.1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Đại biểu đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất đã đề ra phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Đây là một sự kiện lịch sử, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển toàn diện của Phật giáo Việt Nam.
Trong tâm thức người Việt, đình, chùa luôn đã trở thành điểm tựa tâm linh, là nơi người Việt gửi gắm khát vọng an yên. Ở nơi địa đầu Tổ quốc trên đất liền, đảo Bạch Long Vĩ sừng sững giữa Vịnh Bắc Bộ hay ở quần đảo Trường Sa quanh năm sóng gió cũng vậy, tiếng chuông chùa bình yên luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà con sinh sống, lao động trên biển quê hương.
Bên cạnh đó, những ngôi chùa còn ký thác một điều thiêng liêng với mỗi người sinh sống, các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ ở các đảo, đó là giữ vững chủ quyền quốc gia nơi đầu sóng, ngọn gió. Mọi người đến chùa cũng là hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về đất liền và cầu mong sóng yên, biển lặng, may mắn, an lành…
Những nén hương bên cạnh mong muốn bình an, còn là sự tưởng nhớ những anh linh liệt sỹ đã ngã xuống để khẳng định chủ quyền dân tộc, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong khói hương nhẹ thoảng bay, tiếng kinh ngân nga trên chùa Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn, Trường Sa) như đang hướng về 64 anh linh liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ hòn Gạc Ma trong trận hải chiến năm 1988. Bia Tưởng niệm các anh dựng trong chùa nghi ngút khói hương và anh linh các anh cũng mãi mãi song hành cùng các ngư dân bám biển, vừa làm kinh tế, vừa giữ chủ quyền biển đảo quê hương, hương hồn linh thiêng của các anh giúp các chiến sĩ thêm vững quyết tâm, chắc tay súng bảo vệ biển trời Việt Nam.
Những tiếng chuông ngân nga hàng trăm năm trong chùa Vĩnh An, đảo Lý Sơn Quảng Ngãi là nơi đi về của các anh linh những dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa tuy thân xác đã tan vào biển cả Hoàng Sa nhưng linh hồn vẫn trở về mãi mãi với đất mẹ Lý Sơn.
Cùng đồng hành với dân tộc, Phật giáo và sự hiện diện của các ngôi Chùa, chư Tăng nơi đảo tiền đồn nơi Trường Sa chính là cột mốc tâm linh, là một trong những điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên đảo để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.