Lễ hội đền Đươi năm 2024 tôn vinh các giá trị truyền thống

MINH NGỌC, ảnh: BÁO HẢI DƯƠNG

VHO - Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Đươi và khai mạc Lễ hội truyền thống đền Đươi năm 2024 vừa được UBND huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đã được trang trọng tổ chức tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Đươi.

Lễ hội đền Đươi năm 2024 tôn vinh các giá trị truyền thống - ảnh 1
Các đại biểu, khách mời cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Đươi

Lễ hội đền Đươi (xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) năm 2024 có nhiều nét mới, được tổ chức quy mô cấp huyện. Di tích vừa hoàn thành đợt trùng tu, tôn tạo lớn.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã trang trọng, thành kính dâng hương, tưởng nhớ công đức Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan và cắt băng khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Đươi.

Trước đó, từ sáng sớm ngày 25.8, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức lễ rước bộ.

Lễ hội đền Đươi năm 2024 tôn vinh các giá trị truyền thống - ảnh 2
Lễ rước bộ diễn ra từ 6 giờ ngày 25.8 (tức 22.7 âm lịch)

Lễ hội đền Đươi năm 2024 diễn ra từ ngày 24-27.8 (tức từ ngày 21- 24.7 âm lịch), gồm phần lễ và hội. Phần lễ có nhiều nghi thức quan trọng: mở cửa đền, cáo yết, mộc dục, rước bộ... 

Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ (múa lân, múa rồng, trống hội, múa rối nước, liên hoan diễn xướng hầu thánh, liên hoan văn nghệ quần chúng…); các trò chơi dân gian (cờ người, bắt vịt); các hoạt động thể thao (giải kéo co, bóng chuyền hơi, bóng đá).

Đền Đươi được xây dựng từ thời Lý, thờ thái hậu Ỷ Lan. Theo các nguồn tư liệu, bà tên là Lê Thị Yến, sinh năm Giáp Thân (1044), quê ở làng Thổ Lỗi, sau đổi thành Siêu Loại, Thuận Thành, Bắc Ninh nay thuộc xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội.

Năm 1063, vua Lý Thánh Tông đi cầu tự, thấy cô gái hái dâu bội phần xinh đẹp, đối đáp lưu loát. Vua cảm mến, đưa về triều phong làm cung phi.

Lễ hội đền Đươi năm 2024 tôn vinh các giá trị truyền thống - ảnh 3

Bà từng nhiếp chính 2 lần khi vua đi đánh giặc Chiêm Thành và sau khi vua băng hà. Bà đã thi hành nhiều chính sách trị quốc, yên dân, chăm lo đời sống nhân dân. 

Từ một thôn nữ, nhờ tài trí thông minh, lòng nhân hậu, bà đã cùng bậc danh thần Lý Thường Kiệt làm rạng rỡ non sông, xây dựng nền hưng thịnh cho nước Đại Việt.

Một lần thị sát tình hình đất nước, thuyền của bà ghé thôn Cẩm Cầu (nay là thôn Quỳnh Huê), xã Thống Nhất , huyện Gia Lộc. Thấy cuộc sống dân làng nghèo khó, bà đã cấp vàng bạc cho người dân mua ruộng, xây dựng đền chùa.

Năm 1117, thái hậu Ỷ Lan mất, triều đình cho sắc chỉ về Cẩm Cầu, Cẩm Đới lên kinh đô chịu tang và nhận huý về thờ. Để ghi nhớ công ơn của bà, nhân dân trong thôn đã xây dựng đền, chùa để thờ. 

Lễ hội đền Đươi năm 2024 tôn vinh các giá trị truyền thống - ảnh 4

Qua những đợt khai quật khảo cổ học tại khu di tích đã phát hiện được nhiều phế tích của kiến trúc cổ. Những gạch hoa lát nền có hoa cúc nổi, được xác định có niên đại thời Lý - Trần. Đền Đươi được công nhận Di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia năm 1992.

Trải qua thăng trầm lịch sử và thời gian, di tích đền Đươi đã mất đi một số hạng mục kiến trúc cổ có giá trị, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. 

Ngày 20.9.2023, Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Đươi được khởi công, tổng mức đầu tư gần 15 tỉ đồng.

Các hạng mục được đầu tư tu bổ, tôn tạo gồm: nhà tiền tế, trung từ, hậu cung, tả vu, hữu vu, nghi môn nội, sân nội tự… Các hạng mục bề thế, nguy nga, tố hảo, làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của di tích nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc