Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

PHAN HIẾU

VHO - Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 3994/QĐ-BVHTTDL ghi danh, đưa Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý nằm trên địa bàn xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn là một trong các lễ hội truyền thống lâu dời, gắn kết với đời sống ngư dân miền biển ở Bình Định, đã trở thành địa chỉ tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm về quá trình hình thành, phát triển mô hình vạn chài gắn với các hoạt động đánh bắt, chế biến hải sản với các tiết lễ cổ truyền diễn ra hàng năm; là không gian di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, tiêu biểu về loại hình lễ hội truyền thống mà nét đặc sắc là nghi thức tế lễ, hát múa bả trạo, sinh hoạt bài chòi.

Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1
Nghi thức dâng hương Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Ngọc cho biết, Xương Lý trước năm 1815 chỉ là một làng biển bên bãi Nồm (còn gọi là vũng Nồm) thuộc xã Nha Phiên, huyện Phù Ly. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) làng Xương Lý chính thức được thành lập (hay còn gọi là Vũng Nồm).

Theo dòng chảy của thời gian, qua các thời đại, ngày nay làng chài Vũng Nồm - Xương Lý được chia thành hai thôn Lý Chánh và Lý Hòa thuộc xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn (Bình Định) và có cùng chung một lăng Ông Nam Hải - Vạn đầm Xương Lý.

Nhà nghiên cứu này cũng thông tin, Hiện Lăng Ông Nam Hải - Vạn đầm Xương Lý tại Núi Đơn, thôn Lý Hòa (1839 - 2021) đã hình thành được 183 năm, là chỗ dựa tinh thần của cộng đồng dân cư làng Xương Lý. 

Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý được hình thành trên 200 năm gắn kết với quá trình lập làng, hình thành nét đặc trưng rất riêng ở Bình Định. Lễ hội là một hồi ức về không gian đánh bắt hải sản trên biển cả, ẩn chứa nét văn hóa tín ngưỡng ngư dân vùng biển qua nhiều giai đoạn trong diễn trình lịch sử.

Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 2
Nghi thức hành lễ rước thần Nam Hải tại bãi Nồm

Lễ hội được vun bồi, kiến tạo qua nhiều thế hệ, tạo nên những sinh hoạt dân gian của cộng động ngư dân qua mùa đánh bắt hải sản; tạo ra những hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các nghệ nhân gắn bó với vạn chài từ khi còn rất trẻ.

Các nghệ nhân, ngư dân Vạn chài Xương Lý nói riêng, ngư dân mọi miền liên quan đến lễ hội truyền thống này luôn trân trọng và yêu quý; bảo vệ, phát huy giá trị di sản; trân trọng vùng đất ẩn chứa, lưu giữ di sản và vai trò của chủ thể di sản đối với đời sống kinh tế - văn hóa trên địa bàn bao thế kỷ qua.