Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam:

Lan tỏa sâu rộng di sản đến cộng đồng

HUY AN

VHO - Hôm nay, 20.12, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động bảo vệ tín ngưỡng thờ Mẫu năm 2024.

Lan tỏa sâu rộng di sản đến cộng đồng  - ảnh 1
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại lễ tổng kết, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá cao các hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam và Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam thời gian vừa qua.

Với sự nỗ lực, tham gia tích cực của các thành viên Trung tâm và Câu lạc bộ, hoạt động lan tỏa di sản đến cộng đồng ngày càng rõ nét hơn, sâu rộng hơn. Đến nay, Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam đã có 21 chi hội ở 3 miền, không chỉ hoằng dương  đạo Mẫu mà còn có nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.

Đồng quan điểm, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đánh giá cao hoạt động của Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam trong năm qua.

Lan tỏa sâu rộng di sản đến cộng đồng  - ảnh 2
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Theo TS Lê Thị Minh Lý, sự hỗ trợ của Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam đã giúp cho việc thực hành tín ngưỡng đạo Mẫu đi đúng hướng, hoạt động bài bản và hạn chế những việc không đúng khi thực hành. Đạt được điều này, các cơ quan quản lý văn hóa Trung ương và địa phương đã hỗ trợ, tư vấn rất nhiều cho Câu lạc bộ. Cùng với đó, trong năm vừa qua, việc hợp tác quốc tế nhằm quảng bá, giao lưu di sản cũng được Câu lạc bộ đẩy mạnh.

TS Lê Thị Minh Lý cho biết, sang năm 2025 và các năm tiếp theo, Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam và Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam cần tập trung cho nghiên cứu, đẩy mạnh các hoạt động hướng về cộng đồng nhiều hơn nữa. Đó là những  hoạt động thiết thực chuẩn bị kỷ niệm 10 năm Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Yên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡngViệt Nam  cho biết,  là tổ chức phi chính phủ, dựa vào nguồn vốn xã hội hóa nên việc triển khai các hoạt động chuyên môn của Trung tâm chủ yếu dựa vào việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên là chính.

Lan tỏa sâu rộng di sản đến cộng đồng  - ảnh 3
PGS.TS Nguyễn Thị Yên cho biết thời gian vừa qua, Trung tâm đã có nhiều nghiên cứu nhằm làm rõ hơn vai trò, vị trí của tín ngưỡng thờ Mẫu trong dòng chảy tín ngưỡng Việt Nam

“Công việc này được chúng tôi thực hiện thông qua việc kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hoá, quản lý tôn giáo, tín ngưỡng tại các diễn đàn khoa học (hội thảo, tọa đàm, các hội đồng khoa học) để cùng nhau  trao đổi, thảo luận các vấn đề thực tiễn liên quan đến công tác nghiên cứu và quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tín ngưỡng.”, PGS.TS Nguyễn Thị Yên nói.

      Trong năm qua Trung tâm đã triển khai được một số hoạt động cơ bản liên quan đến nhiệm vụ tư vấn và tổ chức các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Đồng thời với đó là việc tích cực hỗ trợ và gắn kết cộng đồng thực hành tín ngưỡng nâng cao nhận thức về di sản văn hoá và các biện pháp bảo vệ theo tinh thần của Luật Di sản văn hoá và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

 Trong năm 2024, Trung tâm đã tổ chức cho các nhà nghiên cứu là cộng tác viên đi khảo sát các di tích tiêu biểu. Đồng thời, tham gia các diễn đàn khoa học, công bố các kết quả nghiên cứu về nhận diện vai trò, vị trí của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ trong hệ thống các tín ngưỡng Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Yên cho biết, tiếp nối các kết quả nghiên cứu từ những năm trước, thông qua các kết quả nghiên cứu, tham luận tại các diễn đàn khoa học đã tiếp tục nhận diện và làm sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín ngưỡng thờ Mẫu trong dòng chảy  tín ngưỡng Việt Nam.

Việc nhận diện, làm rõ vai trò, vị trí của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ trong dòng chảy tín ngưỡng Việt Nam là một việc làm hết sức cần thiết để qua đó góp phần tư vấn chính sách, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy, trong đó bao gồm cả đề xuất văn hóa ứng xử với cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và các loại hình tương tự của  các tộc người thiểu số.

Lan tỏa sâu rộng di sản đến cộng đồng  - ảnh 4
Trao Kỷ niệm chương của Hội di sản Việt Nam cho các thành viên hoạt động tích cực trong bảo tồn, phát huy di sản

Năm 2025, Trung tâm tiếp tục xây dựng mạng lưới cộng tác viên thông qua tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học, các sự kiện hoạt động của Câu lạc bộ đạo Mẫu nhằm kết nối các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hoá, quản lý tôn giáo, tín ngưỡng để mở rộng giao lưu, hợp tác, trao đổi góp ý kiến trong việc nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ.

Tiếp tục phát huy vai trò tư vấn chuyên môn trong việc hỗ trợ các địa phương, các cơ sở thờ tự trong các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa tín ngưỡng của các địa phương.

Tại Hội nghị, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tiến Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam cho biết, thông qua các hoạt động, sự kiện tại nhiều tỉnh thành, Câu lạc bộ đã trao đổi nghiệm thực hành tín ngưỡng, phát huy những nét đẹp, rút kinh nghiệm và khắc những mặt hạn chế, chưa phù hợp với pháp luật và các giá trị nhân văn của thời mới.

 Những hoạt động của Câu lạc bộ đạo Mẫu Viêt Nam đã góp phần giúp xã hội cùng các cơ quan quản lý nhà nước có sự nhìn nhận đúng hơn về Tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc biệt, cộng đồng thực hành tự điều chỉnh hoạt động của mình, từng bước chuẩn hóa lễ cho đúng với truyền thống, đúng với pháp luật và loại bỏ những việc làm sai lệch các giá trị lịch sử, văn hóa của đạo Mẫu.