Lần đầu tiên, 3D mapping xuất hiện tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng 2024

VHO - Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 sẽ diễn ra với những nghi thức truyền thống, trang trọng theo hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điểm mới tạo sức thu hút, cũng nhằm tạo thêm sản phẩm văn hóa- du lịch độc đáo trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội năm nay là sự xuất hiện lần đầu tiên của công nghệ 3D mapping trong chương trình nghệ thuật đặc sắc, dự kiến sẽ diễn ra với tên gọi “Âm vang Mê Linh”.

Lần đầu tiên, 3D mapping  xuất hiện tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng 2024 - Anh 1

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại buổi làm việc

Âm thanh, ánh sáng, đồ họa, kỹ xảo, dàn dựng sân khấu sẽ cùng kết hợp để tái hiện lại câu chuyện lịch sử vùng đất Mê Linh theo cách thức hiện đại và mới mẻ.
Đó là nội dung được lãnh đạo huyện Mê Linh báo cáo đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024 của TP. Hà Nội do Phó Giám đốc Sở VHTT Trần Thị Vân Anh làm trưởng đoàn, vừa diễn ra ngày 26.1 tại huyện Mê Linh, Hà Nội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở VHTT Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL và UBND TP. Hà Nội, nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn năm 2024, đoàn kiểm tra của thành phố làm việc với UBND huyện Mê Linh về nội dung kiểm tra công tác quản lý lễ hội trên địa bàn huyện, đặc biệt là công tác quản lý đối với lễ hội Đền Hai Bà Trưng. 
Theo Phó Giám đốc Trần Thị Vân Anh, năm 2024 là năm đầu tiên TP. Hà Nội ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội. Triển  khai nội dung các văn bản chỉ đạo, từ sớm huyện Mê Linh đã chuẩn bị các hoạt động hướng đến Lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024. “Công tác chuẩn bị đã được triển khai quyết liệt, cùng với đó là kỳ vọng tạo thêm điểm nhấn mới, là sản phẩm văn hóa- du lịch trên cơ sở  phát huy các giá trị của di tích, di sản. Chương trình nghệ thuật đặc sắc lần đầu tiên áp dụng các công nghệ hiện đại và mới mẻ để kể câu chuyện lịch sử là ý tưởng giàu sáng tạo của Mê Linh. Địa phương cần rà soát, hoàn thiện kỹ càng, cẩn trọng trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, tôn trọng các yếu tố truyền thống, bản sắc để tạo nên điểm nhấn mang tính hình mẫu trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội của thành phố”, bà Vân Anh nhấn mạnh.

Lần đầu tiên, 3D mapping  xuất hiện tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng 2024 - Anh 2

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương báo cáo đoàn công tác

Báo cáo về công tác chuẩn bị các hoạt động cho mùa lễ hội trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, đến thời điểm hiện nay, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã và đang tạo nhiều dấu ấn, đặc biệt là Lễ kỷ niệm 1984 năm  khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024.

“Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 sẽ có nhiều đổi mới, mang tính chất đột phá. UBND huyện từ sớm đã chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống cũng như tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương và du khách. Đặc biệt, chủ trương xây dựng chương trình nghệ thuật với kỳ vọng tạo sản phẩm văn hoá mới nhằm phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của di tích; góp phần thúc đẩy văn hóa du lịch tâm linh gắn với phát huy tiềm năng giá trị di sản trên địa bàn huyện đã được tích cực triển khai", Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết.

Lễ kỷ niệm 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024  được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng Mê Linh, trên vùng đất thiêng đắc địa, được tổ chức trang trọng, giữ gìn nguyên gốc bản sắc truyền thống. Lễ hội diễn ra từ ngày 15- 17.2.2024 (mùng 6- hết mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn).  Lễ hội được tổ chức nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Đền Hai Bà Trưng, tạo điểm nhấn để đưa di tích Đền Hai Bà Trưng trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Lần đầu tiên, 3D mapping  xuất hiện tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng 2024 - Anh 3

Một cảnh dàn dựng trong chương trình nghệ thuật "Âm vang Mê Linh"

Trong đó, chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” được tổ chức mở màn vào tối 15.2.2024 (mùng 6 tháng Giêng Âm lịch) và con đường nghệ thuật sáng tạo “Âm vang nguồn cội” dự kiến kéo dài trong thời gian một tháng.
Chương trình là hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ- Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40-43 sau Công nguyên. Thông qua chương trình, BTC mong muốn khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân đất Việt, khẳng định tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không chịu khuất phục trước kẻ thù của người Việt từ xưa đến nay.
Đây cũng là hoạt động thiết thực và ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên, du khách thập phương, là dịp để nhân dân được tham quan, du lịch tâm linh và tìm hiểu văn hóa, lịch sử vùng đất Mê Linh xưa, đời sống của nhân dân Âu Lạc buổi đầu dựng nước và giữ nước, được hiểu thêm về những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.
Mê Linh- vùng đất địa linh nhân kiệt có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Đây là quê hương của Hai Bà Trưng, nơi sinh ra và lớn lên của hai vị “Anh hùng hào kiệt, thế gian khó sánh”, nơi lòng yêu nước được nuôi dưỡng, nơi chí lớn muôn nơi về hội tụ, nơi Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô. Với chủ đề dự kiến "Âm vang Mê Linh", xuyên suốt chương trình câu chuyện lịch sử sẽ được kể cho hậu thế  với sự kết hợp của âm thanh, ánh sáng, đồ họa, kỹ xảo, dàn dựng sân khấu.

Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc, được thực hiện theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại. Chương trình kể câu chuyện lịch sử với các chương hồi, cảnh diễn, nối tiếp, được chuyển biến tinh tế bằng kỹ xảo, âm nhạc hấp dẫn, đa dạng hình thức với ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống…
Đặc biệt, hệ thống chiếu sáng sẽ chiếu cả xuống sàn sân khấu biểu diễn để khán giả có thể tưởng tượng mình đang đứng trong bối cảnh câu chuyện. Lần đầu tiên trong một chương trình tại Khu di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng, khán giả được tương tác, trải nghiệm chân thực, hòa mình vào câu chuyện đang diễn ra.
“Công nghệ 3D mapping vẽ lại bức tranh oanh liệt mà bi tráng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan. Công nghệ hiện đại trên nền tảng cốt lõi là các câu chuyện lịch sử tạo nên một cách tiếp cận và biểu đạt mới, thu hút nhân dân và du khách…” theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá cao sự chuẩn bị khẩn trương và kỹ lưỡng của  huyện Mê Linh, trong đó đặc biệt phải kể đến điểm nhấn trong lễ hội năm nay chính là việc đưa sản phẩm văn hoá  vào khuôn khổ lễ hội để phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô. Bà Vân Anh lưu ý, huyện Mê Linh cần chuẩn bị chi tiết, kỹ lưỡng từ kế hoạch tổ chức đến kịch bản triển khai, thiết kế bộ nhận diện riêng của lễ hội… 
“Mong rằng  huyện Mê Linh sẽ tổ chức thành công hơn nữa hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện nói chung và lễ hội Hai Bà Trưng nói riêng, từ đó nâng tầm lễ hội Hai Bà Trưng lên một tầm cao mới, là hình mẫu để có thể nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố…”, Phó Giám đốc Sở Trần Thị Vân Anh bày tỏ.

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc