Kỷ niệm 156 năm ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu
VHO - Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu nhân dịp kỷ niệm 156 năm ngày sinh là hoạt động nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những đóng góp to lớn của cụ; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngày 25.12, nhân dịp kỷ niệm 156 năm ngày sinh của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu (thị trấn Nam Đàn), Ban Quản lý Di tích Nghệ An tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm.
Cụ Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26.12.1867, tại làng Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà hàn Nho yêu nước. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân sống trong đêm đen nô lệ, sâu thẳm trái tim cậu Nho San đã sớm nhen nhóm tư tưởng yêu nước, thương dân. Năm 16 tuổi, khi đỗ đầu xứ, người ta gọi ông là ông Đầu xứ San, tinh thần ấy lại thêm phần thôi thúc Phan Văn San quyết tìm ra con đường mới cứu nước, cứu dân. Phan Bội Châu đã thành lập Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội. Để lại nhiều dấu ấn sâu sắc nhất là phong trào Đông Du với tinh thần “đồng châu, đồng chủng, đồng văn”, tạo nền tảng cho những thay đổi của nước ta đầu thế kỷ XX, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản.
Người dân đến dâng hương nhân kỷ niệm 156 năm ngày sinh nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu
Đặc biệt, đó cũng là gạch nối quan trọng, mốc đánh dấu quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục, và cho đến ngày nay, phong trào Đông Du vẫn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp phát triển đất nước. Không chỉ là một chí sĩ yêu nước, cụ Phan Bội Châu còn là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Cụ đã để lại cho đời khối lượng di sản thơ ca khổng lồ với hàng nghìn trước tác. Bằng lòng yêu nước cháy bỏng, được viết từ bầu nhiệt huyết, bằng tất cả khối óc và trái tim đã làm lay động lòng người, thôi thúc, cổ vũ muôn triệu đồng bào xả thân vì nghĩa lớn, đánh đuổi giặc Pháp, cứu lấy giang sơn.
Tượng đài cụ Phan Bội Châu trong khuôn viên di tích
Cả cuộc đời Cụ Phan Bội Châu đã cống hiến trọn vẹn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX, là tấm gương yêu nước sáng ngời, tấm lòng thủy chung, son sắt với đất nước, non sông. Đúng như lời khẳng định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Cụ là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.
Nhà tưởng niệm tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phan Bội Châu
Nhà trưng bày bổ sung di tích được xây dựng vào năm 1997 từ sự tài trợ của Nhật Bản. Phòng trưng bày hiện vật theo 3 chủ đề: Quê hương, gia đình và tuổi trẻ của Phan Bội Châu; Sự nghiệp cứu nước của Phan Bội Châu; Hậu thế tri ân, tôn vinh Phan Bội Châu
Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn là Di tích Quốc gia đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng vào năm 2016. Khu di tích gồm 2 cụm: Cụm di tích quê nội làng Đan Nhiệm (nay là xóm 2, xã Xuân Hòa) và Cụm di tích quê ngoại làng Sa Nam (nay ở thị trấn Nam Đàn). Đây là nơi gắn bó với cuộc đời Phan Bội Châu từ khi cất tiếng khóc chào đời, cho đến lúc ra đi hoạt động tìm đường cứu nước. Nhà Cụ Phan Bội Châu từng là nơi hội tụ “anh hùng bốn phương” - là những văn thân, sĩ phu yêu nước, dư đảng Cần Vương, khách lục lâm vong mạng nghĩa hiệp... ở khắp mọi nơi cùng nhau luận bàn việc nước. Trong số đó có Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày còn thơ ấu theo cha đến thăm Cụ Phan, được nghe các bậc cha chú luận bàn việc nước, đã góp phần hình thành tư tưởng cứu nước, thương dân trong con người Hồ Chí Minh. Những năm hoạt động ở trong và ngoài nước cho đến khi bị bắt và đưa về giam lỏng ở Huế, Cụ Phan đã mấy lần về thăm quê hương và gia đình. Lần cuối cùng Cụ về thăm nhà là xuân năm Bính Dần - 1926. Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Các công trình được bố trí hài hòa, kiến trúc phù hợp, tạo thành một thể thống nhất vừa làm tốt chức năng lưu niệm, tri ân danh nhân, đồng thời toát lên sự thanh tao, nho nhã như cốt cách của cụ Phan.
PHẠM NGÂN