Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng”

HUY AN

VHO - Hôm nay 3.8, tại đền Tranh (xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, Hải Dương) đã diễn ra Chương trình giao lưu, thực hành tín ngưỡng Việt Nam - Hàn Quốc. Người dân và du khách thích thú khi được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng”.

Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng” - ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Thị Yên phát biểu tại chương trình giao lưu

Tại buổi giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc, PGS.TS Nguyễn Thị Yên -  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam cho biết, Trung tâm và Hội bảo tồn Seoul Saenamgut (Hàn Quốc) đã có hơn 10 năm giao lưu trao đổi kinh nghiệm và hợp tác thực hành tín ngưỡng.

Việc giao lưu, trình diễn lần này tại Việt Nam là sự khởi đầu tốt đẹp cho sự tiếp tục mối quan hệ giao lưu thân tình giữa cộng đồng thực hành nghi lễ của Việt Nam và Hàn Quốc.

Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng” - ảnh 2
Các đại biểu tham dự chương trình giao lưu

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yên, di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt (tiêu biểu là nghi lễ Lên đồng) và Seoul Saenamgut đều là những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của hai quốc gia.

Cả hai có khá nhiều điểm tương đồng, thể hiện qua nghệ thuật diễn xướng âm nhạc, vũ đạo, trang phục, lễ vật…

Đặc biệt là sự hiện diện của các vị nữ thần với vai trò phù hộ cuộc sống người dân. Nếu như ở Việt Nam có công chúa Liễu Hạnh là Thần chủ của điện thần tín ngưỡng thờ Mẫu thì ở Seoul Saenamgut có công chúa Bari – được coi là cụ Tổ của thanh đồng Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, trong thực hành nghi lễ của hai quốc gia có những nét riêng độc đáo rất cần tiếp tục khám phá và chia sẻ để tăng cường đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau.

Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng” - ảnh 3
Các thanh đồng Hàn Quốc chuẩn bị đồ tế lễ

“Cuộc giao lưu thực hành nghi lễ tại đền Tranh giữa các nghệ nhân thanh đồng Việt Nam và thanh đồng Hàn Quốc cũng là dịp để hai bên tiếp tục giới thiệu một cách sinh động sự hiện diện của các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và người Hàn Quốc.”, PGS.TS Nguyễn Thị Yên nói.

Theo bà Nguyễn Thị Yên, di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt (tiêu biểu là nghi lễ Lên đồng) và Seoul Saenamgut có điểm tương đồng là thuộc loại hình Shaman.

Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng” - ảnh 4

Sự hiện diện của các vị nữ thần trong nghi lễ của người Hàn Quốc

Cả hai có nét giống nhau về thực hành nghi lễ như trình diễn, diễn xướng mang tính nghệ thuật, có âm nhạc, có múa và có nhập đồng các vị thánh. Đặc biệt là điện thần có nữ thần là thần chủ hoặc những vị tướng, những nhân vật có công trong lịch sử.

Điểm khác, đó là sự khác nhau về quan niệm, cách thực hành nghi lễ lên đồng. Ở Việt Nam là các lớp lang và từng người một, ở Hàn Quốc thì như một dàn cảnh, một kịch bản, một chương trình và có nhiều người tham gia cùng một lúc.

Về nghi lễ hầu Thánh, bên Hàn Quốc người dân dâng lễ cho Thánh, còn ở Việt Nam thì khi Thánh nhập thì người dân được ban phát lộc.

Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng” - ảnh 5
Những nhạc cụ độc đáo của Hàn Quốc được trình diễn trong nghi lễ của Saenamgut

Ông Park Won-mo, Trưởng phòng Nghiên cứu và Thông tin thuộc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Di sản văn hoá phi vật thể khu vực châu  Á - Thái Bình Dương (ICHCAP) do Hàn Quốc thành lập dưới sự bảo trợ của UNESCO cho biết, hoạt động giao lưu giữa Hội bảo tồn Saenamgut Hàn Quốc và Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam từng được tổ chức lần đầu tại Hà Nội vào năm 2009.

Ngoài ra hai bên cũng đã tổ chức thêm 4 chương trình giao lưu khác tại Hàn Quốc và Việt Nam từ đó đến nay.

Trong những năm gần đây, đặc biệt do dịch bệnh Covid-19 gây đình trệ các hoạt động giao lưu hai bên, chương trình giao lưu này là dịp để củng cố lại mối quan hệ trước đây.

Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng” - ảnh 6
Những nghi lễ được thực hiện nghiêm cẩn từ các nghệ nhân Hàn Quốc

Theo ông Park Won-mo, Seoul Saenamgut là một nghi lễ của khu vực Seoul (Hàn Quốc), được thực hiện nhằm an ủi linh hồn người chết  và dẫn họ đến một thế giới tốt đẹp hơn.

 Nghi lễ Saenamgut  gồm có 2 phần: Andang Sagyeongmaji và Saenamgut. Andang Sagyeongmaji được thực hiện trước khi diễn ra Saenamgut, từ buổi đêm cho đến sáng sớm ngày hôm sau, chủ yếu để cầu bình an cho người sống.

Nghi lễ  Saenamgut bắt đầu vào sáng hôm sau và kéo dài hơn vì đây là nghi lễ dẫn dắt người chết sang thế giới bên kia.

Khi thực hành tín ngưỡng, các thanh đồng sẽ thực hiện nghi lễ thỉnh các vị thần. Nếu thực hiện đầy đủ thì nghi lễ có thể kéo dài đến hơn 12 tiếng.

Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng” - ảnh 7
Các nghệ nhân thanh đồng Hàn Quốc giao lưu với người dân Việt Nam

Tại buổi giao lưu, đoàn Hàn Quốc thích thú trước màn trình diễn nghi lễ tế Sinh tiền của các nghệ nhân Việt Nam cùng các giá hầu đồng tại đền Tranh.

Trong khi đó, người dân và du khách ngạc nhiên và trầm trồ trước màn thực hành nghi lễ của các thanh đồng đến từ Hàn Quốc.

Trước đó, ngày 2.8, tại đền Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng đã diễn ra Chương trình giao lưu văn hóa giữa Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam và Hội Seoul Saenamgut.

Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng” - ảnh 8
Trình diễn Nghi lễ tế Sinh tiền của các nghệ nhân Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yên, mối liên hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc về thực hành tín ngưỡng đã được cố GS.TS Ngô Đức Thịnh gây dựng từ khi thành lập Trung tâm năm 2008.

Hoạt động giao lưu giữa Saenamgut Hàn Quốc và Câu lạc bộ đạo Mẫu Việt Nam từng được tổ chức lần đầu tại Hà Nội, Việt Nam vào năm 2009.

Ngoài ra, hai bên cũng đã tổ chức thêm một số chương trình giao lưu khác tại Hàn Quốc và Việt Nam từ đó đến nay.

Qua thời gian hơn 15 năm, mỗi một lần tổ chức chương trình giao lưu giữa hai bên là dịp để cộng đồng giao lưu tìm hiểu.

Khi nghệ nhân Hàn Quốc... “hầu đồng” - ảnh 9

Trình diễn nghi lễ tế Sinh tiền của các nghệ nhân Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Thị Yên cho  biết, chương trình hôm nay bên cạnh việc giao lưu văn hóa cũng sẽ mở ra những cơ hội để Trung tâm học tập, học hỏi về cách nước bạn bảo tồn và phát huy di sản.

Ví dụ như bên Hàn Quốc họ thành lập riêng một hội và được Nhà nước bảo trợ riêng, độc lập. Đó là mô hình tổ chức mà chúng ta có thể nghiên cứu và học tập.

“Thời gian tới, cần chấn hưng thêm, đưa các hoạt động thực hành tôn giáo tín ngưỡng vào nề nếp. Nếu xây dựng được tổ chức riêng của các ông bà đồng để đưa họ sinh hoạt trong một tổ chức nề nếp, nâng cái đạo lên thì sẽ góp ích cho xã hội”, PGS.TS Nguyễn Thị Yên nói.