Khai hội Thái miếu nhà Hậu Lê tại Thanh Hóa
VHO - Ngày 18.2 (tức mùng 9 tháng Giêng), tại Thái miếu nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ), UBND thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tổ chức khai hội Thái miếu nhà Hậu Lê - Xuân Giáp Thìn 2024. Đây là dịp để người dân và du khách thập phương dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức các bậc tiền nhân và các vua Lê đã dựng nên một triều đại rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.
Thái miếu nhà Hậu Lê
Đền thờ nhà Lê còn gọi là Thái miếu nhà Hậu Lê ở làng Kiều Đại, nay là Quảng Xá, phường Đông Vệ (thành phố Thanh Hóa). Thái miếu được xây dựng năm 1428 tại Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hoá. Sau khi bị hoả hoạn, Thái miếu được chuyển về Thăng Long. Năm 1802, vua Gia Long cho dời tiếp về đây.
Thái miếu nhà Hậu Lê là nơi đang lưu thờ tất cả bài vị của 27 vua ( 21 vua tại vị và 6 vua được truy phong) của nhà Hậu Lê (1418 – 1789) cùng các bà Hoàng thái hậu. Nơi đây còn thờ hai bậc công thần khai quốc là Nguyễn Trãi và Lê Lai. Đặc biệt, còn có 6 bức tượng của Thần Tông Hoàng đế cùng năm bà phi quốc tịch khác nhau: Hà Lan, Mường, hai người vợ Chăm và một bà quê Kinh Bắc.
Dưới thời phong kiến, tôn miếu gắn chặt với xã tắc là hai hình ảnh cao cả nhất. Những việc trọng đại của quốc gia thường được cáo ở Thái Miếu. Đất Bố Vệ là nơi phát tích các đời vua Lê Trung Hưng với Thái Miếu từ Thăng Long chuyển về khác hẳn với các đền Lê bình thường khác. Từ đó, trở thành trung tâm tôn thờ của nhà Lê từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng cùng với các lăng mộ ở Lam Kinh thuộc xã Xuân Lâm, nơi phát tích của các vua thời Lê Sơ.
Nghi thức tế Miếu
Thái Miếu nhà Lê có vai trò quan trọng, năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long đã nói " Giữ việc thờ cúng Thái Miếu nhà Lê là một trọng điểm của triều đình". Người già nơi đây còn kể lại nhiều lần vua Bảo Đại, các quan tỉnh huyện, tới đây tế lễ và dâng hương.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Cũng từ đó đến nay, Thái miếu đã được quan tâm đầu tư để trùng tu, tôn tạo, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá lịch sử, tri ân công lao to lớn của các vị vua Lê đối với sự nghiệp phát triển của quốc gia, dân tộc.
Lãnh đạo UBND thành phố Thanh Hóa và các đại biểu dâng hương tri ân công lao to lớn của các vị vua Lê đối với sự nghiệp phát triển của quốc gia, dân tộc
Lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê - Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 24.2 (tức từ ngày 9 đến 15 tháng Giêng), với nhiều nghi thức truyền thống như: Tế Miếu, dâng hương tỏ lòng thành kính, tri ân Đức Lê Thái Tổ, các vị liệt thánh Hoàng Đế, các vị Hoàng Thái Hậu, các vị vương công, triều thần nhà Hậu Lê đã có công lao to lớn đối với đất nước và Nhân dân. Phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi. Trong đó, Đoàn nghệ thuật truyền thống Xuân Phả (Thọ Xuân, Thanh Hóa) trình diễn 5 điệu múa: Trò Chiêm Thành, trò Hoa Lang, trò Tú Huần, trò Ai Lao và trò Ngô Quốc. Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật truyền thống phường Quảng Thắng thực hiện phần chạy chữ “Thiên hạ thái bình”.
Trò Hoa Lang do Đoàn nghệ thuật truyền thống Xuân Phả (Thọ Xuân) biểu diễn
Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động và trò chơi dân gian như: Vật cù, cờ thẻ, cờ tướng, trình diễn thư pháp, trưng bày không gian văn hóa vương triều Hậu Lê...
NGUYỄN LINH