Hành trình 120 năm, đọng lại ưu thế văn hóa!
VHO - Ngày 22.11.2024, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh, bằng một chương trình nghệ thuật ấn tượng, và hàng loạt sự kiện, hoạt động thi đua trên khắp địa bàn trước đó. Địa phương nhận định, mốc 120 năm là một dấu ấn lịch sử đáng nhớ, qua đó cần nhìn nhận lại nhiều vấn đề, để nhận diện rõ những cơ hội và thách thức, trong tương lai sắp tới.
Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lak đã phát biểu, nhìn nhận lịch sử 120 năm đã qua của vùng đất thủ phủ cao nguyên này, cũng như vạch rõ những yêu cầu trong thời gian đến.
Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu là tỉnh khá của cả nước; là tỉnh sẽ phát triển nhanh, bền vững dựa trên nền kinh tế xanh, tuần hoàn, sinh thái và bản sắc; tập trung phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh. Mục tiêu đến năm 2050, Đắk Lắk sẽ thuộc nhóm 25 tỉnh thành có quy mô nền kinh tế đứng đầu cả nước.
Những con số và định hướng mạnh mẽ
Theo tài liệu tuyên truyền 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho đến nay, sau hơn 40 triển khai đầu tư, đổi mới kinh tế xã hội, Đắk Lắk là tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá (giai đoạn 2016 – 2020 đạt 8,75%/năm; giai đoạn 2021 – 2024 đạt 7,07%/năm). Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2024 tăng 1,73 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 68,8 triệu đồng/người, gấp 2,06 lần năm 2015.
Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, chất lượng nền kinh tế không ngừng nâng lên, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển đa dạng, xuất hiện một số sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và giá trị gia tăng cao, như điện thương phẩm, công nghiệp nông sản tinh chế, nông nghiệp giá trị cao. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015 – 2024 ước đạt 309.850 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào kinh tế giai đoạn 2015 – 2024 tăng bình quân 11%/năm.
Đặc biệt, là tỉnh nông nghiệp có lợi thế vùng đất đỏ bazan rộng lớn, Đắk Lắk đã tập trung khai thác tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, tổ chức chuyên canh nhiều loại cây công nghiệp giá trị cao, nổi bật là café, sầu riêng.
Đắk Lắk hiện có diện tích café đứng đầu cả nước với khoảng 205.896 ha, sản lượng đạt 564.093 tấn/năm; diện tích sầu riêng cũng dẫn đầu cả nước với khoảng 32.785 ha, sản lượng trên 300.000 tấn/năm. Ngoài ra, tỉnh còn có trên 32.800 ha hồ tiêu, hơn 33.000 ha cao su, 35.000 ha điều… Các dòng nông sản này, thời gian qua giá thị trường tăng cao, đem lại lợi nhuận cho người dân, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống toàn địa bàn.
Những yếu tố thuận lợi này, đang giúp Đắk Lắk định hướng rõ những thế mạnh chiến lược đầu tư và phát triển, đặt ra các bài toán tăng tốc mạnh mẽ, như phát triển mở rộng hệ thống giao thông, kết nối giao thương ra xung quanh; xúc tiến thu hút nhiều dự án công nghiệp nông nghiệp chất lượng cao; ngày càng hoàn bị hệ thống giáo dục, y tế, quản lý nhân lực xã hội, công nghệ toàn diện…
Điểm tựa văn hóa vững chắc!
Theo ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, những thế và lực đã có của địa phương, đang khẳng định mạnh mẽ định hướng phát triển mạnh mẽ cho vùng đất cao nguyên này.
Điểm đáng lưu ý, là phía sau những thành tựu, con số đã có và định hướng ấy, Đắk Lắk còn có một động lực định vị rất riêng biệt, cần phát huy hơn nữa, chính là nền tảng văn hóa lịch sử, với những giá trị tích lũy lâu đời, đánh dấu rõ nét qua 120 năm đầu tiên.
Trước hết, Đắk Lắk là nơi tụ hội 49 dân tộc anh em vùng cao nguyên, với nhiều sắc thái, cơ sở văn hóa cộng đồng khác nhau, nhưng đoàn kết thống nhất; trong xu hướng phát triển kinh tế hội nhập, đa phương, đa dạng, là một lợi thế ưu việt để xây dựng các nguồn lực xã hội hóa, giúp khai thác được nhiều tiềm năng, thế mạnh từ cội rễ văn hóa, tăng cơ hội kết nối, hợp tác ra bên ngoài.
Cạnh đó, Đắk Lắk cũng là địa phương mang đậm dấu ấn văn hóa thị tộc, với vị thế người phụ nữ trong đời sống xã hội luôn được in đậm suốt chiều dài lịch sử phát triển. Điều này, gắn kết các mối quan hệ huyết thống, tộc họ, giúp củng cố các giá trị luân lý, giáo dục xã hội, văn hóa gia đình, tạo nên những truyền thống và cơ hội mở về hội nhập văn hóa xã hội cộng đồng.
Đây sẽ là những nền tảng văn hóa xã hội quan trọng, giúp địa phương thiết chế những nền tảng phát triển vững chắc. Đơn cử về kinh tế hợp tác, vị trí sản xuất, vai trò người có uy tín trong cộng đồng rất quan trọng, khi kết nối, có các chính sách quản lý tốt và hợp tác khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số hóa… sẽ làm tốt hơn các quan hệ đầu tư kinh tế, thực sự phát triển.
Các ngành kinh tế xã hội khác, như du lịch, văn hóa giáo dục, qua các giá trị văn hóa cố hữu, các di sản văn hóa, những lễ tiết, phong tục bao đời ở vùng đất này, chắc chắn sẽ vừa phát triển được đa dạng, vừa giữ được các bản sắc bền vững.
Hơn nữa, qua 120 năm xác lập, Đắk Lắk ngày càng định rõ vị thế cửa ngõ Tây Nguyên, và theo những chứng cứ khảo cổ, nơi đây có thể từng là đầu mối giao thương rừng – biển cho cả vùng Tây Nguyên và mở rộng ra cả khu vực ASEAN. Do đó, khai thác tốt điểm này, địa phương sẽ tăng lợi thế liên minh liên kết vùng trong phân chia, phân phối hàng hóa, tăng thêm thế mạnh buôn bán, trao đổi, giao lưu văn hóa ra bên ngoài, tiến đến thúc đẩy thay đổi toàn vùng.
Tất cả cho thấy, một thực lực và cơ hội lớn hiện vẫn đang tiếp tục trải mở với địa phương Đắk Lắk. Nếu có thể từ dấu ấn 120 năm lịch sử đi qua, hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống, căn cơ có sẵn, định hướng cập nhật thêm ở tương lai, địa phương sẽ càng có thêm điều kiện để vững chãi phát triển.