Giữ gìn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội bơi chải An Châu
VHO - Theo sử sách, lễ hội bơi chải của nhân dân vùng An Châu (thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), có từ thế kỉ thứ XV gắn với tên tuổi tướng quân Vi Đức Thăng thời hậu Lê.
Vào ngày 10.4 âm lịch hằng năm, người dân trong vùng tổ chức tế lễ hội bơi chải nhằm tái hiện việc huấn luyện thủy binh lục chiến vùng sơn cước do tướng quân Vi Đức Thăng khởi xướng nhằm chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Vừa qua, UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã tổ chức Lễ đón nhận Quyết định và Bằng công nhận của Bộ VHTTDL nâng tầm Lễ hội bơi chải An Châu trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, Lễ hội bơi chải An Châu được tổ chức thường niên vào ngày mồng 10 tháng 4 âm lịch hằng năm (năm 2025 diễn ra ngày 7.5) là lễ hội truyền thống lâu đời của nhân dân vùng An Châu, Sơn Động, Bắc Giang có từ thế kỷ thứ XV.
Không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tâm linh, Lễ hội bơi chải An Châu còn tái hiện việc huấn luyện thủy binh lục chiến vùng Sơn cước, một truyền thống tự hào từ thời vua Lê.
Đây là minh chứng lịch sử, thể hiện sự kiên cường và tinh thần sáng tạo của Tướng quân Vi Đức Thăng và nhân dân trong huấn luyện quân sĩ kỹ năng vượt sông, vượt lũ bảo vệ quê hương đất nước chống giặc ngoại xâm.
Trải qua gần 600 năm lịch sử, uy danh của tướng quân Vi Đức Thăng còn mãi trong ký ức của mỗi người dân nơi đây.
Theo sử sách ghi lại và gia phả dòng họ Vi ở An Châu, Tướng quân Vi Đức Thăng quê gốc ở xã Vạn Phần, tổng Vạn Phần, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, xứ Nghệ An. Năm 1407 giặc Minh xâm lược nước ta, ông theo Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn. Sau nhiều năm cầm quân đánh giặc, ông là vị tướng tài có nhiều công lao chống giặc Minh thắng lợi.
Năm 1427, ông được vua Lê phong tước Quận Công, là 1 trong 18 vị tướng khai quốc công thần thời hậu Lê thế kỷ thứ XV. Sau đó, ông được cử lên miền đất giáp ải phía Bắc làm quan trấn thủ tại thủ phủ An Châu thuộc thung lũng An Châu ngày nay.
Tại đây, ông có nhiều công lao to lớn trong việc dạy dân khai khẩn đất đai sản xuất nông nghiệp, huấn luyện quân binh trấn ải giữ yên bờ cõi.
“Trải qua hàng trăm năm, đến nay lễ hội bơi chải An Châu được người dân quan tâm gìn giữ. Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong vùng coi đây không chỉ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc mà còn là biểu tượng sống động của tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng và lòng biết ơn đối với những bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương”, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động nhấn mạnh.

Ghi nhận ý nghĩa và những giá trị to lớn của lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, ngày 10.12.2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa lễ hội truyền thống bơi chải An Châu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc khu vực An Châu nói riêng và huyện Sơn Động nói chung.
Đồng thời là nền tảng quan trọng để lễ hội tiếp tục được bảo tồn, mở rộng về quy mô, từ đó phát huy hơn nữa giá trị trong đời sống xã hội, góp phần giáo dục tinh thần thượng võ, truyền thống yêu nước của dân tộc.
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, đây là di sản đầu tiên của huyện được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nên không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân thị trấn mà của toàn huyện.
Những năm gần đây, huyện đã đầu tư tôn tạo quần thể di tích, cải tạo đường giao thông, kè bờ, bến sông. Hiện UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với thị trấn chuẩn bị lễ đón nhận Bằng công nhận long trọng, ý nghĩa vào dịp lễ hội năm 2025.
Công tác tổ chức lễ hội sẽ bài bản hơn và mở rộng quy mô; khôi phục nét văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian để tăng sức hấp dẫn. Huyện sẽ tiếp tục nâng cấp công trình cầu, đường từ thị trấn An Châu đi các vùng lân cận để kết nối giao thương, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại.
Cùng đó quảng bá sâu rộng đến nhân dân trong huyện về giá trị, ý nghĩa của lễ hội; nghiên cứu đưa vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương để thế hệ trẻ nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Có thể nói, Lễ hội bơi chải An Châu với nghi lễ truyền thống, tín ngưỡng thờ Thần Nông kết hợp thờ thành hoàng và hoạt động văn hóa, thể thao độc đáo đã tạo nên bản sắc riêng cho cư dân miền núi Sơn Động. Do đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và giới thiệu về giá trị của lễ hội bằng nhiều hình thức để du khách xa gần biết đến.
Cùng với đó là quan tâm tôn tạo, gìn giữ cảnh quan, không gian, môi trường các di tích và khu vực sông nơi diễn ra lễ hội. Du khách đến đây ấn tượng với không gian, phong cảnh đẹp, kiến trúc nghệ thuật di tích độc đáo mà còn được thưởng thứcnhững làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đó là tiềm năng, lợi thế cho địa phương khai thác phát triển du lịch tâm linh.