Giáo dục di sản ứng dụng công nghệ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch

VHO- Ngày 7.7 tại Hà Nội, Hội thảo khoa học- thực tiễn chủ đề "Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch" đã được Khu Di tích tổ chức với sự tham góp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Giáo dục di sản ứng dụng công nghệ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Anh 1

Toạ đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý trong lĩnh vực bảo tàng, di tích

Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng chia sẻ, nhằm lan tỏa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch ngày càng sâu rộng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm di sản đối với thế hệ trẻ trong thời đại khoa học công nghệ 4.0, trong khuôn khổ thực hiện đề tài khoa học:"Ứng dụng công nghệ xây dựng chương trình giáo dục di sản cho học sinh ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch", Khu Di tích Phủ Chủ tịch phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch".

Theo Giám đốc Khu Di tích Lê Thị Phượng, ngày nay, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục di sản, các bảo tàng, di tích đã và đang từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việc nâng cao hiệu quả công tác công tác giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại là một đòi hỏi thực tiễn, cũng là một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong hệ thống quản lý bảo tàng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Khu Di tích Phủ Chủ tịch.

“Ứng dụng công nghệ xây dựng các chương trình giáo dục là vấn đề rất mới đối với các bảo tàng và di tích ở Việt Nam. Trong không gian di tích lịch sử văn hóa Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch mong muốn các nhà khoa học, các cán bộ quản lý văn hóa, các nhà giáo và các bạn đồng nghiệp cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề lý luận và thực tiễn sau: Di sản Hồ Chí Minh và giáo dục thế hệ trẻ; Hoạt động giáo dục di sản tại các bảo tàng, di tích hiện nay; Ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng và Khu di tích”, bà Lê Thị Phượng bộc bạch.

Từ những ý kiến đóng góp và sáng kiến tại Hội thảo, Khu Di tích sẽ bước đầu xây dựng chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao "chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục di sản Hồ Chí Minh.

Giáo dục di sản ứng dụng công nghệ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Anh 2

Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng phát biểu tại Hội thảo

Theo TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng thanh niên. Trong việc đánh giá thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mặt mạnh của thanh niên là hăng hái, dễ hấp thụ và say sưa với cái mới, chuộng chân lý, sống có lý tưởng, nhưng cũng có những hạn chế là dễ có chủ nghĩa tự do, chủ quan, dễ bị ảnh hưởng những tư tưởng và hành vi đạo đức không tốt vẫn còn rơi rớt lại từ xã hội cũ.

Từ việc đánh giá đúng bản chất anh hùng và khả năng cách mạng của thanh niên, từ việc nhìn rõ những ưu điểm và hạn chế của thanh niên và từ tình cảm bao la trìu mến đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đặt niềm tin vào thanh niên, tạo mọi điều kiện cho thanh niên phấn đấu, tu dưỡng và phát huy mọi khả năng tiềm tàng của mình. Tin tưởng vào bản chất và sức mạnh của thanh niên nhưng phải giáo dục để họ trở thành lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên phải được giáo dục vừa "hồng", vừa "chuyên". Người căn dặn: Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có máy móc, có kỹ thuật, có văn hoá... thanh niên phải học và học cho giỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nhà trường khi giảng dạy phải coi trọng các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các môn kỹ thuật để khi ra trường các em có kiến thức toàn diện tham gia vào sự nghiệp xây dựng nước nhà. Phải giáo dục thế hệ trẻ tình yêu lao động, quý trọng người lao động, có thái độ trân trọng đối với người lao động.

ThS. Cù Thị Minh, Khu Di tích Phủ Chủ tịch cho rằng, ngày nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch không chỉ là di sản - chủ thể văn hóa mà còn là đối tượng, phương tiện thực hiện các hoạt động giáo dục di sản, hoạt động ngoại giao văn hóa. Nhất là từ khi Bộ Chính trị có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và phát động "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn dân, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành "địa chỉ đỏ", "một trường học lớn" cho các trường học, các cơ quan đoàn thể, quần chúng đến nghiên cứu, học tập hưởng ứng các cuộc vận động. Đây là một trong những "kênh" tạo nên "sức mạnh mềm" góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bè bạn quốc tế thông qua tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời Khu di tích Phủ Chủ tịch còn là nhịp cầu hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Công tác tuyên truyền lan tỏa giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng được đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, các hoạt động phong phú đem lại hiệu quả thiết thực.

Giáo dục di sản ứng dụng công nghệ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Anh 3

ThS Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Với giá trị và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành một "địa chỉ đỏ", một "trường học thực tiễn" sinh động, có sức hấp dẫn và lan tỏa để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho học sinh sinh viên.

Hằng năm, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đón hàng trăm đoàn khách trong nước đến tham quan và học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều đoàn là học sinh, sinh viên. Theo thống kê trong 5 năm gần đây, riêng học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại Khu Di tích đã có 645.659 lượt người. Trong đó, có 577 đoàn với 101.461 được nghe giới thiệu về Khu Di tích.

Khu Di tích đã chủ động phối hợp với các nhà trường, học viện nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Khu Di tích trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho học sinh, sinh viên. Không ngừng nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền gắn liền với việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đối tượng học sinh, sinh viên. Quan tâm, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Đồng thời đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các phương pháp hiện đại vào công tác, nâng cao năng lực thích ứng với yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo hiện đại.

Giáo dục di sản ứng dụng công nghệ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Anh 4

Thực tế chứng minh, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ lớn và có đời sống văn hóa, tinh thần trên không gian mạng khá phong phú, đa chiều bởi khả năng tiếp nhận thông tin nhanh chóng, nhạy bén với công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số hóa, mạng xã hội và các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với việc tuyên truyền tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch.

Trong những năm qua, bên cạnh phương thức thuyết minh truyền thống, Khu di tích ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nhiều chuyên đề nói chuyện tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước; nâng cấp hệ thống website, tiến hành xây dựng chương trình giáo dục di sản dành cho đối tượng học sinh, sinh viên; xây dựng được các tour tham quan ảo để phục vụ du khách trong nước và quốc tế không có điều kiện đến thăm trực tiếp… Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, quảng bá Khu Di tích cũng như những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ nước nhà.

Nhấn mạnh vai trò của công nghệ ở bảo tàng, di tích, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam cho rẳng, các bảo tàng và di tích luôn tìm cách để kết nối các di sản đang trưng bày, giới thiệu với việc học tập của các em học sinh. Các hướng dẫn viên luôn tìm tòi, công phu nghiên cứu tư liệu hiện vật để xây dựng các câu chuyện, chủ đề về di sản để kết nối với sự hiểu biết và nhu cầu của công chúng. Các chuyến tham quan có hướng dẫn là một hình thức giáo dục cổ điển nhất, phổ biến nhất và dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên ngày nay hình thức này đã thay đổi để phù hợp hơn với trình độ và nhu cầu hiểu biết của công chúng. Từ chỗ nói cái gì bảo tàng có, hướng dẫn viên đã chuyển sang nói cái gì công chúng đang cần, công chúng mong đợi để khi trở về nhà họ có thể mang theo những nhận thức mới và một sự hứng khởi cho ngày mới, công việc mới.

Giáo dục di sản ứng dụng công nghệ tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch - Anh 5

Hằng năm, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đón hàng trăm đoàn khách trong nước đến tham quan và học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều đoàn là học sinh, sinh viên

 “Ngày nay, công nghệ thông tin và ứng dụng của nó trong đời sống đã trở nên phổ biến và quá quen thuộc với mọi người. Thậm chí người ta không thể thiếu nó dù chỉ chốc lát. Trong lĩnh vực bảo tàng, di tích sự phát triển gắn liền với công nghệ bắt đầu từ khoảng 30 năm gần đây và càng ngày càng phát triển mạnh mẽ”, TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh. Bà cũng cho rằng, xu hướng số hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu cho diễn giải, trưng bày và giáo dục di sản đang ngày càng phổ biến. Số hóa di sản văn hóa là một thách thức quan trọng để làm cho di sản văn hóa có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Công nghệ với Big Data là xu thế phát triển của mọi ngành lại càng không thể thiếu ở các thiết chế văn hoá giáo dục như bảo tàng và di tích.

Bản chất của ứng dụng công nghệ trong bảo tàng và di tích là “sử dụng công nghệ tập trung vào việc tinh chỉnh và thiết kế lại thông tin được cung cấp cho người dùng để thông tin đó trở nên hấp dẫn hơn và dễ dàng thẩm thấu hơn. Công nghệ được các thiết chế văn hóa sử dụng như một phương tiện để “thay đổi” trải nghiệm văn hóa và làm cho nó hấp dẫn hơn đối với khán giả của mình”. Theo TS. Lê Thị Minh Lý, nắm vững nguyên lý này, chúng ta sẽ không lo lạc lối trong “rừng” công nghệ. Khi đó công nghệ dưới bàn tay và khối óc của chúng ta sẽ trở thành “chiếc đũa thần” biến hoá tài tình để tạo nên muôn vàn câu chuyện hấp dẫn trong các bảo tàng và di tích.

PHƯƠNG NGÂN

Ý kiến bạn đọc