Giáo dục để bảo tồn và phát huy giá trị di sản kéo co
VHO - Sáng 17.11, Sở VHTT Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam, quận Long Biên tổ chức Toạ đàm “Giáo dục di sản kéo co”. Tọa đàm có sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ Hội Kéo co Gijisi (TP Dangjin, Hàn Quốc) cùng các bảo tàng, di tích và trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Sinh viên trải nghiệm Nghi lễ và trò chơi Kéo co Gijisi của Hàn Quốc
Sự kiện nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Nghi lễ và trò chơi Kéo co nói riêng.
Tại sự kiện, Bảo tàng Kéo co Gijisi đã trao tặng Hộp giáo dục Kéo co cho Bảo tàng Hà Nội, trình diễn di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co Gijisi của Hàn Quốc và hoạt động trải nghiệm dành cho công chúng, học sinh sinh viên.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, Nghi lễ và trò chơi Kéo co là di sản văn hóa vô cùng quý, vừa là trò chơi hấp dẫn, vừa là nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh và ước vọng tốt đẹp của cộng đồng, với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia và mỗi vùng miền. Các cộng đồng là người đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, giữ gìn, duy trì, tái sinh, làm giàu thêm văn hóa và tính sáng tạo của con người. Bên cạnh việc nhận diện về di sản và ý nghĩa của di sản trong đời sống, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, việc tìm giải pháp tốt nhất để bảo tồn, phát huy giá trị di sản là nội dung luôn được thành phố quan tâm. Trong đó, giáo dục là biện pháp đầu tiên để bảo tồn và phát huy di sản, trong đó có Nghi lễ và trò chơi Kéo co. Việc giúp cộng đồng hiểu về giá trị di sản và sáng tạo ra nhiều biện pháp trong công tác giáo dục là rất quan trọng.
Toàn cảnh tọa đàm
Tổ chức trải nghiệm trò chơi kéo co cho sinh viên Việt Nam, ông Jeong Seok Yong, Thư ký Hội kéo co Gijisi chia sẻ: Sợi dây kéo co trình diễn dài 200 mét, mỗi bên 100 mét. Theo văn hoá Hàn Quốc, mỗi bên dây biểu trưng cho làng trên (khu vực có nước) và làng dưới (khu vực không có nước). Dây thi đấu được làm bằng rơm, thực tế trong các lễ hội ở TP Dangjin, dây thi đấu nặng đến 40 tấn, với sự tham gia của hàng chục nghìn người”.
Tại buổi toạ đàm, đại diện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Bảo tàng Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giáo dục di sản văn hoá.
ThS. Lê Thị Liên (Phòng Giáo dục, công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho biết, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống, quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam. Trò chơi này đòi hỏi sự đoàn kết, sức mạnh đồng đội và luôn là hoạt động hấp dẫn nhất ở các lễ hội truyền thống hoặc các sự kiện có đông người tham gia.
Năm 2015, Kéo co đã được Unesco ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippin) và trở thành môn thi đấu thể thao phổ biến hiện nay ở Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Nghi lễ và trò chơi Kéo co Gijisi của Hàn Quốc. Ảnh: Hội kéo co Gijisi cung cấp
Ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, kéo co là trò chơi dân gian được ứng dụng nhiều nhất trong các chương trình giáo dục di sản. Đặc biệt, đối với các chương trình tìm hiểu về nhân vật, sự kiện lịch sử, khi phân tích về nguyên nhân thắng lợi của sự kiện, các cán bộ giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng thường sử dụng hình ảnh trò chơi kéo co để phân tích, chứng minh về sức mạnh của sự đoàn kết trong các cuộc kháng chiến và tinh thần đồng đội, hiệp sức, đồng lòng để làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc.
Các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội những năm qua đã có nhiều nỗ lực, chủ động xây dựng các chương trình giáo dục di sản thu hút học sinh phổ thông. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ năm 2016, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã bắt tay vào xây dựng các chủ đề giáo dục di sản và cho đến nay di tích có hơn 30 chủ đề giáo dục di sản cho các đối tượng học sinh.
Trải nghiệm trò chơi kéo co
Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà cho biết, điểm đặc biệt trong các chương trình giáo dục di sản của Văn Miếu-Quốc Tử Giám là luôn tạo cơ hội cho học sinh được chủ động trong các bước trải nghiệm, học sinh được tiếp thu tri thức một cách chủ động, sáng tạo thông qua các hoạt động tương tác, tự trải nghiệm, khám phá. Thay vì phương pháp thuyết minh truyền thống, học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động thì các em học sinh được phát lá phiếu điều tra cùng các câu hỏi đơn giản, không quá khó, gợi tính tò mò, gợi niềm ham khám phá, tạo gay cấn một chút, hồi hộp một chút để hấp dẫn các em.
Trưởng phòng Trưng bày – Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Hoà cũng chia sẻ, kho bảo quản với hơn 70.000 các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng đã không ngừng phát huy giá trị trong công tác trưng bày. Bộ phận sưu tầm của bảo tàng luôn nỗ lực không ngừng để có thể sưu tầm thêm được nhiều tài liệu, hiện vật hơn nữa, đáp ứng nhu cầu ngày một cao trong công tác trưng bày, giáo dục công chúng.
Trong hai ngày diễn ra Liên hoan (17 - 18.11), ngoài tọa đàm về giáo dục di sản kéo co, nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như Triển lãm “Chung một sợi dây” giới thiệu các hình ảnh, tư liệu về ý nghĩa, hình thức Nghi lễ và trò chơi kéo co tại bốn quốc gia; tọa đàm quốc tế "Bảo vệ và phát huy Nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại"; giao lưu trình diễn Nghi lễ và trò chơi Kéo co đều được tổ chức tại đền Trấn Vũ, quận Long Biên.
BẢO NGÂN