Giá trị của bảo tàng sống

NGUYÊN ĐỨC

VHO - Chính quyền đô thị cổ Hội An vừa thông tin đã chính thức mở cửa, đưa vào hoạt động bảo tàng chuyên đề thứ sáu tại địa phương, là Bảo tàng Thổ sản Hội An. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch thành phố này nhấn mạnh, đây là bảo tàng trong bảo tàng, không chỉ là điểm đến của các du khách muốn tìm hiểu về một lịch sử Hội An thương cảng 400 năm trước, mà còn là điểm hẹn cho những ai muốn thấy một Hội An đang phát triển hôm nay .

 Giá trị của bảo tàng sống  - ảnh 1
Bảo tàng Thổ sản Hội An mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 3.12

 Làm rõ lời cho vị lãnh đạo này, ông Võ Phùng, nguyên lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An giải thích, sự tự hào của đô thị cổ chính là không gian văn hóa cộng đồng, mà những người dân địa phương đã chung tay gìn giữ trong những năm qua, tạo nên nét riêng vừa cổ kính vừa hiện đại nơi đây. Đó chính là điểm đặc biệt của Hội An, và nhờ đó, thành phố này “lọt vào” mô hình được công nhận trên thế giới, những đô thị “bảo tàng sống”.

Các tổ chức văn hóa, lịch sử đã ghi nhận, chỉ có một số vùng đô thị và quốc gia tạo lập được mô hình “bảo tàng sống”, như khu vực phố cổ ở thành phố Kyoto (Nhật Bản), đô thị cổ Bryggen ở Bergen (Na Uy), và phố cổ Hội An (Việt Nam).

Điểm chung của những đô thị này là công tác bảo tồn di sản văn hóa, và hoạt động dân sinh, phát triển du lịch, sinh hoạt cộng đồng, được duy trì bền vững. Hội An được đánh giá nổi bật với những công trình kiến trúc cổ, phần lớn là nhà gỗ, đã được bảo tồn và sử dụng vào hoạt động kinh doanh và du lịch. Việc kết hợp được giữa yêu cầu bảo tồn di sản và phát triển hiện đại giúp tạo ra một môi trường sống chất lượng, duy trì sự gắn kết cộng đồng và truyền tải các giá trị văn hóa cho thế hệ tương lai.

Từ góc độ đó, có thể hiểu tại sao chính quyền địa phương không ngừng duy trì, triển khai các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, căn cứ vào lịch sử địa phương định vị những bảo tàng, nhà trưng bày giới thiệu mới, về lịch sử con người, và phong tục văn hóa bản địa. Bảo tàng Thổ sản Hội An mới được đưa ra giới thiệu cùng công chúng, là kết quả của một thời gian dài, các nhà nghiên cứu chuyên môn địa phương tập trung tìm hiểu, sưu tầm góp nhặt các hiện vật lịch sử, về một Hội An là điểm tập kết, giao thoa buôn bán các loại thổ sản, dược liệu quý hiếm của toàn vùng.

Nhìn lại toàn cảnh những thăng trầm cuộc sống qua những loại hàng hóa thổ sản, giai đoạn thịnh suy về buôn bán kinh doanh của người dân và thương lái, Hội An mới có đủ dữ liệu đích xác để lập nên bảo tàng này. Điều quan trọng là, bảo tàng được giới thiệu để du khách biết thêm một mảng vận hành thương cảng ở đô thị cổ, mà cũng là khẳng định giá trị về các loại hương liệu, dược liệu, sản vật Quảng Nam, khu vực và lên tận Tây Nguyên. Những loại thổ sản ấy, đến nay vẫn tiếp tục là hàng hóa trao đổi, vẫn nên là mục tiêu tìm hiểu, phát triển canh tác của người nông dân Việt Nam.

Nghĩa là, những loại thổ sản trưng bày ở bảo tàng chuyên đề Hội An, chính là những món hàng nông sản giá trị mà chúng ta cần tiếp tục phát triển giao thương. Ông Võ Phùng nhấn mạnh rằng, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, để Bảo tàng thổ sản Hội An, cũng như năm bảo tàng đã có trước, liên kết tạo nên một cái nhìn sâu sắc hơn không gian văn hóa lịch sử ở vùng di sản Hội An, cái nhìn về một đô thị cổ nhưng chưa bao giờ dừng nhịp điệu cuộc sống. Cần hiểu văn hóa cộng đồng Hội An từ góc cạnh này, người ta mới giải thích được xác đáng hơn về định nghĩa “bảo tàng sống”.

“Trong không gian bảo tàng sống, không chỉ có hiện vật được lưu giữ, bảo tồn, bảo tàng, mà còn có những món vật chúng ta đang thưởng thức, thưởng ngoạn, đang cùng nhau hoàn thiện tiếp và trao cho nhau thành món quà. Giá trị bảo tàng là cuộc sống”, ông Võ Phùng giải thích.