Tạo "sức bật" cho các ngành CNVH Việt Nam:

Dựa trên những sản phẩm mang tính biểu tượng

ĐÌNH TOÁN

VHO - Góp ý dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều nhà quản lý, chuyên gia nhận định, các ngành CNVH của Việt Nam cần phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển đổi số.

 Đồng thời gắn với hội nhập quốc tế, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền để tạo ra những sản phẩm mang tính biểu tượng của sự sáng tạo.

Dựa trên những sản phẩm mang tính biểu tượng - ảnh 1
Các ngành CNVH tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: CONCERT “ANH TRAI SAY HI”

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng cho biết, dự thảo chiến lược giai đoạn mới được xây dựng trên quan điểm phát triển CNVH gắn liền với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người Việt Nam; tạo sức mạnh nội sinh, trở thành động lực quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển bền vững đất nước. Phát triển các ngành CNVH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội; xác định đầu tư cho các ngành CNVH là đầu tư cho sự phát triển bền vững đất nước.

Ông Trần Hoàng cũng khẳng định, phát triển các ngành CNVH phải có trọng tâm, trọng điểm; huy động nguồn lực từ Nhà nước và xã hội để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực. Mục tiêu là phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành để tăng cường tính quảng bá, lan toả các giá trị văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về định hướng phát triển, Cục trưởng Trần Hoàng tiếp tục cho biết, phát triển CNVH phải nằm trong tổng thể các chiến lược, quy hoạch quốc gia. Quá trình phát triển dựa trên tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa, đột phá phát triển, để các sản phẩm CNVH đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng. Đặc biệt, sự phát triển đó phải góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng và khẳng định thương hiệu đối với các sản phẩm CNVH chất lượng cao mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Để đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, ông Trần Hoàng cho hay, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về CNVH. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương; chính sách thuế, đầu tư công, đối tác công - tư…; cho phép áp dụng mức thuế suất hợp lý, phù hợp, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng; chính sách bảo hộ, sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ… Trong phát triển nguồn nhân lực, phải xây dựng hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm CNVH tại các vùng kinh tế trọng điểm; triển khai các dự án hỗ trợ hoạt động sáng tạo, hình thành các không gian văn hóa và hỗ trợ khởi nghiệp về CNVH.

Dựa trên những sản phẩm mang tính biểu tượng - ảnh 2

Để phát triển các ngành CNVH trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phải có sự đồng bộ về chủ trương, thể chế, nguồn lực; tranh thủ thời cơ. Trong bối cảnh đó, yêu cầu về xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đòi hỏi phải ở tầm cao hơn; khẳng định được vị trí, vai trò của các ngành CNVH Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển những ngành này với quy mô và tầm cao hơn. Chiến lược mới phải có sự kế thừa những kết quả đạt được của chiến lược cũ và thể hiện tầm nhìn sâu rộng hơn nữa; đáp ứng thực tế phát triển phong phú.

Khi được ban hành, chiến lược phải nâng cao được nhận thức của toàn xã hội, vị thế của các ngành CNVH cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, huy động được nguồn lực cho sự phát triển. Chiến lược phải xác định được một số lĩnh vực trọng điểm để có những chủ trương, chính sách, nguồn lực cụ thể để phát triển theo trọng tâm, thế mạnh; đảm bảo tính liên kết. Đặc biệt, phải làm tốt vấn đề ngăn chặn vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trên môi trường số; phải tạo mọi điều kiện tốt nhất về môi trường để các ngành CNVH phát triển.

(Thứ trưởng HỒ AN PHONG)

Đánh giá cụ thể dựa trên dữ liệu

Nêu quan điểm về dự thảo và định hướng phát triển các ngành CNVH trong tương lai, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trong phát triển CNVH, ngành văn hóa đang dùng số liệu ước tính mà thiếu đi một trung tâm dữ liệu toàn diện. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương dẫn chứng cả Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đều xuất bản “sách xanh” hàng năm để công bố các số liệu của ngành văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Một trong những vấn đề căn cơ là muốn phát triển CNVH thành một ngành kinh tế, Việt Nam phải có trung tâm dữ liệu với số liệu cụ thể để nhìn vào, đánh giá và đưa ra những giải pháp phát triển vững vàng hơn.

Đồng quan điểm, TS Tom Flemming, chuyên gia từ Hội đồng Anh cũng khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu trong phát triển CNVH. Căn cứ thu thập được sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá sự phát triển các ngành CNVH theo các mốc thời gian cũng như chất lượng phát triển của những ngành này. Bên cạnh vấn đề về dữ liệu, TS Tom Flemming thẳng thắn nhìn nhận, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, giữa khu vực công và tư của Việt Nam trong phát triển CNVH chưa đồng bộ. Sự tham gia của các tổ chức cơ sở, nhất là các tổ chức chịu tác động của hệ thống chính sách còn mang tính hình thức. Các quy định pháp lý liên quan đến việc huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là lĩnh vực được ưu tiên khi sự phát triển văn hóa vẫn gặp phải những rào cản, điểm nghẽn đáng kể cả từ nhận thức xã hội. Các quy định pháp lý hiện chưa theo kịp với hoàn cảnh đang thay đổi.

“Do đó, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế để khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân cũng như bảo đảm vai trò tham gia của khu vực tài chính. Điều này có thể thực hiện qua các quỹ đầu tư. Hơn nữa, cần thúc đẩy việc thu hút FDI, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể cộng tác với doanh nghiệp trong nước, phát triển tại thị trường Việt Nam”, TS Tom Flemming chia sẻ. Cũng liên quan đến vấn đề cơ chế, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho hay, CNVH của Việt Nam phát triển còn thiếu tính biểu tượng, sự tập trung và cơ chế. “Nói đến CNVH, người ta sẽ nghĩ đến Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc), anime (hoạt hình Nhật Bản), phim Hollywood (Hoa Kỳ)… Đây đều là biểu tượng và sự tự hào của các quốc gia này trong phát triển CNVH. Việt Nam cũng cần đi theo hướng đi trên để tìm ra một biểu tượng cho CNVH Việt Nam”, TS Ngô Phương Lan nói.

Cũng theo TS Ngô Phương Lan, khi đã tìm ra biểu tượng, Nhà nước cần tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; đi đôi với đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành này. Ngoài ra, phải sớm xây dựng cơ chế hợp tác công tư bởi nếu không hợp tác công tư thì không thể làm CNVH.