Đắk Lắk:

Đưa dệt thổ cẩm vào thời trang đương đại

UYÊN NGHI

VHO - Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết, một chương trình thời trang mang tên “Sắc vóc non cao” sẽ được tổ chức tối 17.5, tại Bảo tàng Đắk Lắk. Đây chính là sự kiện khởi đầu kế hoạch quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống ở Tây Nguyên tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, do ngành Văn hóa địa phương triển khai.

Đưa truyền thống vào đương đại

Theo ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk, chương trình biểu diễn nghệ thuật thời trang được xây dựng trong thời gian qua, do một doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật tổ chức đầu tư, với sự hỗ trợ, đánh giá chất lượng nghệ thuật và kết nối các đầu mối hoạt động của ngành văn hóa địa phương.

Ý tưởng chương trình này là nghiên cứu, triển khai sản xuất, dệt may các loại thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc, tổ chức thành các bộ sưu tập trang phục truyền thống, và sáng tạo ra những bộ trang phục mới, phù hợp thời trang đương đại.

Đưa dệt thổ cẩm vào thời trang đương đại - ảnh 1
Một số mẫu trang phục sẽ xuất hiện trong chương trình thời trang “Sắc vóc non cao”

 

Về cơ bản, các trang phục truyền thống các dân tộc sẽ được dệt từ sợi bông, sợi lanh, kết hợp màu nhuộm thiên nhiên, tạo những tấm vải hoa văn, có màu sắc độc đáo.

Đội ngũ thiết kế sử dụng vải thổ cẩm chế tác thành những bộ trang phục, mang dấu ấn sáng tạo riêng nhưng không tách khỏi những đường nét, kiểu cách trang phục văn hóa có sẵn. Chương trình thời trang sẽ là một đợt tổng kết, giới thiệu các kết quả sáng tạo và chế tác.

Theo ông Đại, cách tổ chức này kể lại những câu chuyện văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên trên nền trang phục truyền thống, làm đẹp thêm các giá trị văn hóa có sẵn, phản ảnh đời sống tinh thần, tín ngưỡng sâu sắc của cộng đồng các dân tộc anh em.

Đồng thời khơi gợi những ý tưởng mới, phù hợp thời đại cuộc sống hơn, đưa giá trị truyền thống vào đương đại, từ đó sẽ phát huy tốt những giá trị văn hóa mới, hấp dẫn và phù hợp hơn.

Ấn tượng ở đây, là việc giới thiệu thời trang thổ cẩm văn hóa Tây Nguyên sẽ do các nhà thiết kế nổi tiếng (Việt Hùng, Ngọc Bích, Thạch Linh…) và nhiều hoa hậu, á hậu, người mẫu danh tiếng chung sức thực hiện.

Đây sẽ là dịp giới thiệu với công chúng, nhất là chính người dân Đắk Lắk về những bộ thời trang thổ cẩm, với chất liệu, màu sắc do chính bàn tay những nghệ nhân đồng bào dân tộc làm nên, khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên song hành cùng những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo của các nhà thiết kế thời trang trẻ.

“Điều này không những làm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn thúc đẩy, phát triển các giá trị chia sẻ, lan tỏa và cập nhật đời sống xã hội hôm nay, phát huy tốt hơn những tiêu chí văn hóa bền vững”, ông Lại Đức Đại chia sẻ.

Một hoạch định văn hóa dài lâu!

Ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk nhìn nhận, sự kiện về giới thiệu thời trang thổ cẩm là nỗ lực của ngành văn hóa địa phương, trong vấn đề bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các dân tộc.

Đặc biệt, sự kiện lần này tổ chức đúng dịp kỷ niệm ngày sinh Bác, gợi nhắc những tình cảm gắn kết giữa Người và các dân tộc đồng bào Tây Nguyên.

“Sau sự kiện này, chúng tôi sẽ đánh giá lại hiệu quả truyền thông quảng bá, nhất là từ góc nhìn bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống về trang phục.

Thực tế, đây đã là một chương trình hoạch định rất lớn của ngành văn hóa, bảo tàng Đắk Lắk những năm qua”, ông Trần Hồng Tiến chia sẻ.

Đưa dệt thổ cẩm vào thời trang đương đại - ảnh 2
Ngành văn hoá Đắk Lắk tiếp tục sưu tầm các trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc

 

Làm rõ thêm điều này, ông Đinh Một, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, một trong những nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho biết, công tác sưu tra, tìm kiếm các mẫu, bộ trang phục truyền thống của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã được ông cùng các cộng sự thực hiện hơn 10 năm gần đây.

Cho đến nay, Bảo tàng Đắk Lắk đã sưu tập, phục chế được các bộ trang phục truyền thống của cả 49 dân tộc đồng bào anh em sinh sống tại Tây Nguyên.

Thành quả nghiên cứu này đang được Bảo tàng Đắk Lắk trưng bày tại khuôn viên bảo tàng và với sự kiện biểu diễn thời trang thổ cẩm lần này, sẽ lên kế hoạch để nhanh chóng hợp tác cùng các đơn vị nghệ thuật, du lịch văn hóa tổ chức thêm nhiều chương trình hoạt động khác, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên rộng rãi và hiệu quả hơn.

Theo đó, những tri thức dân gian về sản xuất, dệt may thổ cẩm dân tộc sẽ là một đề tài nghiên cứu quan trọng, cần được tiếp tục triển khai, nhất là ở góc cạnh “biến di sản thành tài sản”, tìm kiếm những giải pháp, cách thức thiết kế thời trang gắn với đương đại, phù hợp với chính nhu cầu, mong muốn của các thế hệ bạn trẻ Đắk Lắk, Tây Nguyên.

Mặc dù vẫn giữ nguyên các nguyên tắc dệt may, nhuộm sợi truyền thống, nhưng vải thổ cẩm Tây Nguyên sẽ có thể được nghiên cứu khoa học hơn, đạt chất lượng và tạo nên nhiều kiểu dáng thời trang độc đáo, ấn tượng mới.

Làm được như vậy, xu hướng trang phục của các đồng bào dân tộc sẽ có những thay đổi tích cực hơn, có thể cải thiện những nhược điểm trong quá khứ mà vẫn giữ nguyên được các giá trị lâu đời về văn hóa bản địa, như đường nét hoa văn, màu sắc, những “mật ngữ” diễn đạt trên nền vải thổ cẩm truyền thống.

Với góc nhìn đó, ông Trần Hồng Tiến cho biết, ngành văn hóa Đắk Lắk vẫn đang tiếp tục đưa ra những đề tài nghiên cứu, các hoạt động sưu tầm, phát triển cần thiết cho định hướng phát triển văn hóa trang phục Tây Nguyên.

“Hy vọng sẽ ngày càng làm giàu hơn kho kiến thức, năng lực kỹ thuật về sản xuất trang phục thổ cẩm; động viên, khuyến khích con em các đồng bào dân tộc chọn sử dụng trang phục truyền thống, sáng tạo các trang phục cách tân hơn, có thêm những kiến thức mới về trình độ may mặc phù hợp xu hướng xã hội.

Chúng tôi muốn có thêm nhiều chương trình biểu diễn, trưng bày trang phục thổ cẩm trong thời gian tới, và chắc chắn sẽ làm được”, ông Tiến nói.