“Đoàn quân xe đạp thồ” trong kỳ tích Chiến thắng Điện Biên Phủ
VHO - Trong số nhiều tài liệu, hiện vật quý góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), những chiếc xe đạp thồ thu hút sự tò mò, thích thú khám phá của đông đảo du khách.
Những chiếc xe đạp thồ được sử dụng trong kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ do người Pháp sản xuất và đem theo sang Việt Nam. Nhờ sự thông minh và sức sáng tạo tuyệt vời, lực lượng dân công hoả tuyến đã cải tiến chiếc xe thành phương tiện vận tải cơ động phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ”, ký giả Jules Joy viết: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Nava bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320kg được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh nilong trải trên đất”.
Người Pháp không thể ngờ rằng họ bị đánh bại trong trận đụng đầu lịch sử bởi chính những chiếc xe đạp mà họ sản xuất ra và mang sang Việt Nam. Không phải người Pháp không phát hiện ra những chiếc xe đạp thồ là nguồn vận chuyển chính cho Điện Biên Phủ mà những nỗ lực để ngăn chặn nó chưa bao giờ thực hiện được.
Suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới mưa bom bão đạn của thực dân Pháp, từng đoàn dân công hoả tuyến với xe thồ, gánh bộ, ngựa thồ, hay sử dụng bè mảng… mang theo vũ khí, lương thực, thuốc men, vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận.
Xe đạp thồ là một trong những phương tiện được sử dụng chủ yếu và vô cùng sáng tạo trong công tác hậu cần phục vụ chiến dịch. Những chiếc xe đạp thô sơ đã được “chế tạo” thành những “chiếc xe thồ” có thể vận chuyển thông suốt hàng nghìn tấn hàng hóa cho tuyền tuyến không thua kém bất kì phương tiện tối tân nào.
Xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Xe đạp thồ còn được ví như “vua vận tải” chiến trường, “binh đoàn nửa cơ giới”.
Loại phương tiện linh hoạt, nhỏ gọn này cơ động hơn phương tiện có động cơ nên có thể di chuyển trên mọi địa hình đồi núi, sông suối, cũng có thể vận chuyển được các vật tư cồng kềnh, chất lỏng, lại không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang và có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết.
Để đưa quân nhu lên trận tuyến, những dân công sử dụng xe đạp thồ được tổ chức thành từng đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có từ 30 - 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 05 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Mỗi nhóm mang theo hành trang là những nhu yếu phẩm để có thể tự nấu nướng, những tấm nilong để che mưa cho hàng hóa.
Từ trọng tải ban đầu mỗi xe đạp thồ chỉ chở được 80 - 100kg, sau được tăng dần lên nhờ các sáng kiến cải tiến đơn giản mà hiệu quả của các dân công. Qua nhiều lần cải tiến, xe đạp thồ ngày càng hoàn chỉnh với các phụ tùng như: tay ngai, tay phanh, khung phụ, lốp kép, nan hoa, phụ tùng bằng tre…
Điều đặc biệt là trên chiếc xe đạp đã “mọc” lên những bộ phận mới ngoài thiết kế ban đầu để tăng thêm sức thồ trên những con đường mòn giữa núi rừng hiểm trở. Để biến một chiếc xe đạp thành xe thồ, dân công buộc thêm một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 1 mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển vào ghi đông.
Một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50cm để vừa cầm, được buộc vào trục yên xe nhằm vừa giữ thăng bằng vừa đẩy xe đi. Để tăng độ cứng của khung xe, dân công và bộ đội còn hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ; ngoài ra những dân công còn sử dụng quần áo cũ, săm cũ… để “gia cố”, tăng độ bền của săm, lốp …
Với những đường núi đá sắc, dân công phải dùng cả đến vải quần áo quấn vòng quanh lốp, tăng thêm sức chịu đựng cho xe. Có đại đội xe thồ người chỉ còn quần cộc, áo lót nhưng những “con ngựa sắt” đều được “đóng móng”, tha hồ “phi nước đại”.
Hai chiếc xe thồ “gá” lại có thể chở được hai thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi). Các xe đạp có đèn phát điện còn được sử dụng để tạo ánh sáng phục vụ các bác sĩ phẫu thuật trong đêm.
Những chiếc xe đạp thồ tưởng chừng thô sơ vô hại lại trở thành “vũ khí đặc biệt” góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Công tác hậu cần lại đảm bảo được một khối lượng vật chất lớn: 20.125 tấn, trong đó gạo là 14.950 tấn, vũ khí đạn và dầu 3.000 tấn, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác.
Lần đầu tiên ta bảo đảm cho một lực lượng lớn tham gia chiến dịch bao gồm cả bộ đội chủ lực 53.800 người, thanh niên xung phong và dân công phục vụ chiến dịch là 33. 300 người.
Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên Phủ là một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Những chiếc xe đạp thồ tuy giản dị nhưng lại là minh chứng sống động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường giành lại độc lập tự do.
Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" lực lượng dân công nói chung và dân công hoả tuyến nói riêng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh để vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".