Bia đá trấn yếm cổ liên quan đến di tích chùa Cầu (Hội An) bị phá:
Điều tra và xử lý nghiêm hành vi phá hoại di tích
VHO - Liên quan đến việc bia đá trấn yếm cổ liên quan đến di tích chùa Cầu ở Hội An bị phá hoại, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ sự việc.
Lực lượng chức năng đã tiến hành thu thập thông tin, thực hiện công tác nghiệp vụ điều tra. Tại hiện trường, hiện trạng các chữ và hình chạm khắc trên mặt bia đá đã bị đục phá, gây hư hại gần như hoàn toàn.

Người dân bức xúc, mong sớm tìm ra kẻ phá hoại
Như đã thông tin, qua thông tin điều tra ban đầu, khoảng 6h ngày 31.3, người dân vào thắp hương tại di tích bia yểm thủy đạo (đường Phan Châu Trinh, phường Cẩm Phô, TP Hội An, Quảng Nam) thì phát hiện bia đá đã bị phá hoại.
Sự việc tấm bia yểm thủy đạo được nhiều nhà nghiên cứu nhận định là tấm bia “bùa” dùng để trấn thủy và có mối liên hệ với tín ngưỡng thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ tại di tích chùa Cầu bị phá hoại đang thành chủ đề bàn luận những ngày qua tại Hội An cũng như trên mạng xã hội.
Không chỉ có người dân Hội An mà những người yêu di sản, những nhà nghiên cứu, học giả cũng như nhiều ý kiến trên mạng xã hội cùng đồng loạt lên tiếng bày tỏ sự bức xúc, hoang mang, khó hiểu trước hành vi phá hoại này.
“Thật sự phẫn nộ. Qua hình ảnh tẩy xóa trên tấm bia được chụp lại thì rõ ràng đây là sự cố tình phá hoại. Chưa kể tấm bia nằm sâu trong lòng gốc cây đa cổ thụ, được đặt bên trong am thờ, phải chui sâu vào trong thì mới có thể tẩy xóa ra như thế. Với vết đục phá này không thể suy đoán là có người nghịch phá hoặc say xỉn vẽ xóa bậy bạ được”, ông Trần Văn Dũng, một người dân ở phường Cẩm Phô chia sẻ.
Những người cao tuổi ở Hội An cho biết, theo lời kể của ông bà để lại, tấm bia này do người Nhật chôn với mục đích trấn thủy, có liên quan đến di tích chùa Cầu vì trước đây Hội An từng là thương cảng lớn.
Cây đa nơi có tấm bia trước nằm trong khuôn viên của đình Cẩm Phô, về sau người Pháp lấy một phần khuôn viên mở đường nên cây đa cổ có tuổi đời hơn 200 năm này tách ra khỏi khuôn viên đình làng.
“Người dân Hội An rất bức xúc về sự việc này vì đây là tấm bia có từ lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh. Nhiều người dân, những người buôn bán ở gần khu vực này vẫn thường xuyên ra đây thắp hương, quét dọn cho sạch sẽ, xem đây là khu vực linh thiêng nên việc phá hoại như thế khiến mọi người rất bức xúc. Mong lực lượng chức năng sớm tìm ra thủ phạm, điều tra để làm rõ xem đây là hành vi phá hoại hay còn có yếu tố nào khác để xử lý nghiêm, có như vậy người dân mới an tâm, không đồn đoán lệch lạc”, bà Nguyễn Thị Chín, một người dân ở Cẩm Phô bày tỏ.

Cần tăng cường bảo vệ di tích từ cơ sở
Theo danh mục di tích lịch sử, văn hóa của thành phố, di tích bia yểm thủy đạo nằm trong khu vực bảo vệ I của di tích cấp quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Di tích này được phân loại giá trị bảo tồn loại I, hình thức sở hữu Nhà nước.
Khi sự việc xảy ra, nhiều ý kiến bàn luận trên mạng xã hội cũng đặt ra câu hỏi, tại khu vực di tích này cũng như các di tích khác trên địa bàn Hội An có lắp đặt camera giám sát để có thể theo dõi, phòng ngừa các hành vi phá hoại tương tự không?
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Phú Ngọc cho biết, tại di tích bia yểm thủy đạo cũng như ở một số cây đa cổ thụ khác trên địa bàn không lắp đặt camera an ninh. Tuy nhiên ở nhiều di tích như chùa Cầu, Hội quán, nhà cổ, điểm đến,… đều lắp đặt camera.
Đối với sự việc nói trên, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã báo cáo UBND thành phố Hội An và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xử lý các đối tượng đã thực hiện hành vi phá hoại đối với di tích theo quy định pháp luật.
Được biết thành phố Hội An cũng đã báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam và đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc điều tra.
ThS Huỳnh Dõng, giảng viên chính Đại học Quảng Nam cho biết: Tẩm thờ Bắc Đế Trấn Vũ ở chùa Cầu, tấm bia bùa cùng với truyền thuyết về nó là những dấu vết của văn hóa tâm linh này còn lưu lại ở Hội An đáng được trân quý và bảo tồn bền vững.
Các cấp quản lý cũng nên quan tâm đến một không gian trân trọng dành riêng cho tấm bia bùa, đừng để lu lấp như hiện nay và cũng nên có nhiều nghiên cứu kết nối hai địa chỉ văn hóa trên trong tổng thể của công tác bảo tồn di sản văn hóa của Hội An.
“Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”, ThS Huỳnh Dõng nói. Từ năm 2011, Hội An đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên quản lý, bảo tồn di sản gồm các khối trưởng, tổ trưởng dân phố thuộc khu vực I khu phố tại các phường: Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô; những người đang thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố có liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn Khu phố cổ; những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, những người có tâm huyết với công tác bảo tồn di sản.
“Qua câu chuyện lần này, thành phố nên rà soát, tăng cường, phối kết hợp với lực lượng cộng tác viên ở cơ sở để có thể nắm bắt thông tin, kết nối, hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý, bảo vệ di sản, di tích. Để từ đó có thể làm tốt hơn nữa chủ trương cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản”, ông Nguyễn Nhật, một người dân trong khu phố cổ Hội An chia sẻ.
Được biết, tấm bia đá đặt bên trong một am thờ nhỏ xây bằng gạch, nằm trong lòng gốc cây đa cổ thụ đã được UBND thành phố ghi vào Danh mục cây cổ thụ được bảo vệ tại Quyết định số 2627 ngày 14.11.2014; mặt bia quay về hướng Bắc.
Trên mặt bia khắc chữ Hán - Nôm và hình các đạo bùa, cụ thể: Từ trên xuống dưới, nơi sát trán bia khắc ba vòng tròn, vòng tròn ở giữa nhỏ hơn hai bên, được phân bố khá cân đối.
Ở giữa gồm ba phần, bên dưới vòng tròn chính giữa có hàng chữ Hán khắc sâu (Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo). Dưới vòng tròn bên phải tấm bia từ ngoài nhìn vào khắc hình sao Bắc Đẩu thẳng đứng dọc theo thân bia gồm bảy vòng tròn nối với nhau bằng các vạch thẳng.
Ở mỗi vòng tròn khắc tên các vì sao tính từ trên xuống bằng chữ Nôm phiên âm là: Phiêu, Phủ, Tất, Hành, Quyền, Thược, Đẩu.
Dưới vòng tròn bên trái khắc hai vòng tròn nối với nhau bằng một vạch thẳng. Tiếp về dưới dọc theo thân bia là hàng chữ (Án ma ni bát mê hồng). Phần dưới cùng khắc ba đạo bùa, chiếc ở giữa hình vuông cạnh 19cm x 20cm, hai lá hai bên nhỏ hơn hình chữ nhật, kích thước 10cm x 20cm.
Đạo bùa bên trái từ ngoài nhìn vào có các chữ Hán bị mờ. Đạo bùa bên phải có các chữ Hán (Hỏa, Mộc, Thổ). Dưới cùng của tấm bia là 3 chữ Thái Nhạc sơn trải hết chiều rộng bia.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định tấm bia này dùng để trấn thủy và có mối liên hệ với tín ngưỡng thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ tại di tích chùa Cầu.