Điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án tu bổ di tích Huế
VHO - Chiều ngày 10.12, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII đã thông qua các nghị quyết về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cho các dự án tu bổ di tích quan trọng thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Trong đó, dự án “Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh thành Huế” điều chỉnh tăng mức đầu tư từ hơn 60 tỉ đồng lên thành hơn 108 tỉ đồng (tăng 48 tỉ).
Việc tăng kinh phí này do điều chỉnh phương án tu bổ cục bộ công trình Di Luân Đường thành tu bổ tổng thể; bổ sung các hạng mục: nhà che bia Huỳnh Tự Thư Thanh, nội thất của Di Luân Đường và 2 nhà Học tả/hữu…
Trước đó, Nghị quyết 100 (năm 2021) của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này với kinh phí hơn 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác lập dự án, khảo sát và đánh giá chất lượng hiện trạng các công trình, Sở VHTT và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó hạ giải và tu bổ tổng thể công trình Di Luân Đường.
Tháng 9.2024 vừa qua, Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng - Sở Xây dựng đã có báo cáo kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng của công trình này đã lưu ý rõ: khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ. Công trình cần được hạ giải để tu bổ, gia cố phục hồi, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn chịu lực, đáp ứng yêu cầu sử dụng.
Suốt hơn 40 năm qua, di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn được sử dụng làm trụ sở của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế; trong đó công trình Di Luân Đường là không gian trưng bày chính.
Sau nhiều năm xuống cấp nghiêm trọng, tháng 11 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã triển khai việc di dời các hiện vật, tư liệu, tài sản đến cơ sở mới và trả lại không gian nhằm tu bổ, phát huy giá trị di tích.
Dự án “Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh thành Huế” sẽ được triển khai trong vòng 4 năm, với kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh.
Cùng với dự án này, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu” (giai đoạn 1). Kinh phí đầu tư từ gần 66 tỉ đồng (theo Nghị quyết 102 năm 2022) điều chỉnh lên hơn 132 tỉ đồng, tăng hơn 66 tỉ đồng.
Dự án sẽ phục hồi toàn bộ Văn Miếu chính điện với diện tích 830m2 và nội thất, đồ thờ tự; phục hồi sân miếu diện tích 950m2; cùng các công trình Đại Thành Môn, Kim Thanh Môn, Ngọc Chấn Môn, Văn Miếu Môn...
Phục hồi thích nghi bến thuyền, tôn tạo cảnh quan cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời bổ sung đầu tư xây dựng nhà bán vé - hướng dẫn, nhà vệ sinh... để phục vụ du khách tham quan.