Điện Biên Phủ trong tim cả nước
VHO - Thăm Điện Biên những ngày này khi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang tới gần, nhìn dòng người không ngừng đổ về đây để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, nhớ lại những ngày tháng đau thương mà hào hùng của dân tộc, mới thấy, Điện Biên trong tim cả nước như thế nào.
Vùng đất lịch sử, nơi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mỗi ngày có hàng ngàn người đổ về, mong một lần được đi qua đèo Pha Đin, tận mắt nhìn thấy đồi A1, thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang liệt sĩ A1 Điện Biên Phủ, thăm cánh đồng Mường Phăng và rất nhiều các điểm di tích thuộc quần thể di tích chiến trường xưa. Nơi mỗi ngọn đồi, mỗi cánh đồng, mỗi di tích… đều khắc ghi lịch sử hào hùng của dân tộc; nơi máu xương của cha ông đã đổ xuống để mang lại độc lập, tự do cho đất nước.
Trong bộ quân phục nghiêm trang, người lính già Trần Xuân Ninh (huyện Văn Bàn, Lào Cai) thành kính trước mộ 4 liệt sĩ hy sinh trên đồi A1. Ông đứng đó thật lâu, gương mặt hiện lên nét khắc khổ, mắt đỏ hoe. Hai con gái của ông Ninh đứng cạnh kể: “Khi biết sẽ đi thăm Điện Biên dịp sắp tới ngày lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bố em vui lắm. Ông chuẩn bị từ sớm bộ trang phục đẹp nhất, tới chỗ nào ông cũng nhìn ngắm thật lâu”.
“Giờ tôi đã già yếu đi nhiều rồi nhưng tôi luôn mong muốn một lần trong đời được tới thăm Điện Biên Phủ, được sống trong những ngày lễ lớn của dân tộc và chứng kiến không khí chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Điện Biên. Bất kỳ người dân Việt nào cũng mãi mãi nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, những người đã không tiếc máu xương hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc”, ông Ninh chia sẻ.
70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX. Đây là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử...
Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại, đây là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Ý nghĩa, tầm vóc, những bài học lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong cuộc gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Chúng ta không bao giờ quên những tấm gương anh dũng, làm rạng danh truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta, cùng hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - “Một dấu mốc bằng vàng chói lọi” trong lịch sử dân tộc”. “Chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang và “cột mốc vàng” trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta; xứng đáng được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Dương Viết Lục, cựu chiến binh chống Mỹ, 81 tuổi, trước đây công tác tại Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 cho biết: “Tôi rất vinh dự được công tác tại đơn vị đã rất nổi tiếng từ thời chống Pháp, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, đơn vị của đồng chí Trần Can, người cắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” trên cứ điểm 3 Him Lam tháng 3.1954”.
Ông Lục kể: “Ngày trước, trong mỗi lần huấn luyện, chúng tôi đều được nghe các thủ trưởng trực tiếp tham gia Chiến trường Điện Biên Phủ kể những câu chuyện rất thực tế, xúc động về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về 56 ngày đêm ác liệt, về những năm tháng không thể nào quên. Đó đều là những bài học vô cùng quý giá với chúng tôi, những người lính”. Hôm nay, về thăm mảnh đất Điện Biên Phủ lần thứ 4, ông Lục vẫn rất xúc động, bồi hồi thăm lại những di tích, nhớ lại những bài học lịch sử mà cha anh mình đã viết nên.
“Biết rằng đợt cao điểm này rất đông đoàn lên Điện Biên nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tổ chức lên vì đây là dịp rất hiếm có, không bao giờ lặp lại. Để một lần nữa chúng tôi được tri ân các anh hùng liệt sĩ, thắp những nén nhang thơm lên mộ các anh. Mười năm trước khác, mười năm sau nữa có thể cũng đã khác. Có thể có người trong chúng tôi sẽ không đi được nữa. Đây là chuyến đi để đời của chúng tôi”, ông Lục nói.
Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ biển đảo đến đất liền, già, trẻ, gái, trai đều nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, giết giặc lập công.
Hình ảnh của “binh chủng xe đạp thồ” với hàng nghìn chiếc ngày đêm vận chuyển trên cung đường dài gần 1.500 km, góp sức người, sức của bảo đảm điều kiện tốt nhất cho chiến trường đã tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang trên tiền tuyến. Tinh thần hăng hái, phấn khởi của các đoàn dân công lên đường với niềm tin tất thắng; hàng vạn người ngày đêm xẻ núi, bạt rừng, mở hàng nghìn km đường giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ đang ngày đêm kiên cường, gan dạ trên chiến trường.
Hình ảnh các anh, chị trong thơ Tố Hữu vẫn còn vang vọng mãi: “… Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân…”.