Di tích Ngọ Môn (Huế) được xử lý bằng công nghệ hiện đại: Làm sạch chứ không làm mới

VHO- Các chuyên gia đến từ CHLB Đức đang thực hiện việc làm sạch cổng di tích Ngọ Môn (Hoàng thành Huế). Đây là lần đầu tiên, công nghệ hiện đại dựa trên áp lực của hơi nước nóng được sử dụng để tẩy rêu mốc và vi khuẩn ở một di tích của Việt Nam.

Di tích Ngọ Môn (Huế) được xử lý bằng công nghệ hiện đại: Làm sạch chứ không làm mới - Anh 1

Chuyên gia Thorsten Marco Mowes thực hiện làm sạch bề mặt tường của cổng Ngọ Môn (Hoàng thành Huế)

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) và tập đoàn Karcher (Đức) cùng hợp tác thực hiện dự án nói trên từ ngày 15 đến 30.3. Dự án có sự tham gia của 2 chuyên gia đến từ Đức, gồm: Ông Thorsten Marco Mowes, người có 17 năm kinh nghiệm thực hiện công nghệ làm sạch khắp nơi trên thế giới; và bà Andrea Tuefel (chuyên viên bảo tồn di sản của Hiệp hội Bảo tồn Di sản văn hóa Đức), đã từng thực hiện trùng tu 5 di tích tại khu di sản Huế; và nhiều cán bộ chuyên môn của TTBTDTCĐ Huế.

Cuộc đại trùng tu sau hơn 90 năm

Hiện nay, di tích Ngọ Môn đang được trùng tu giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Cuộc đại trùng tu này được thực hiện sau hơn 90 năm, kể từ cuộc đại trùng tu vào năm 1923 dưới triều vua Khải Định. Tuy nhiên, việc trùng tu chủ yếu được thực hiện ở lầu Ngũ Phụng và hệ thống lan can, còn tình trạng ô nhiễm ở bề mặt tường của cổng phía dưới vẫn chưa tìm được hướng xử lý.

Thông qua các chuyên gia Đức từng thực hiện bảo tồn các dự án tại khu di sản Huế, tập đoàn Karcher đã khảo sát và nghiên cứu phương pháp làm sạch cho cổng di tích Ngọ Môn. Theo đó, đoàn chuyên gia sẽ áp dụng công nghệ phun rửa áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng để “tẩy” bề mặt cho tường cổng Ngọ Môn. Hệ thống gia nhiệt của máy sẽ đun hơi nước đến nhiệt độ 100 độ C và thông qua một đầu phun đặc biệt để tăng áp và tạo ra luồng hơi nước nóng với áp lực 0.5 - 1.0 bar rồi phun lên bề mặt tường. Cơ chế này giúp loại bỏ hoàn toàn các loại chất bẩn và ô nhiễm sinh học trên bề mặt của công trình, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc cư trú sâu bên trong các lỗ đá ở dưới bề mặt nhờ vào nhiệt độ cao của nước nóng.

Bà Andrea Teufel cho biết, nếu muốn giữ lại các phần gốc của công trình, chúng ta phải xử lý những phần ô nhiễm ở bề mặt này. Trước khi triển khai bất kỳ hoạt động bảo tồn nào, chúng ta cần phải xử lý các loại vi khuẩn, rêu tảo, nấm, địa y trên bề mặt công trình di tích. Để việc bóc tách thực vật trên bề mặt và làm sạch các lỗ hổng sâu bên trong một cách kỹ lưỡng và hiệu quả thì cách duy nhất là sử dụng hơi nóng áp suất cao. “Các công trình di tích thường phủ lên một lớp nấm, rêu mốc trông cổ kính và thú vị nhưng điều này lại thúc đẩy quá trình hư hại của công trình bởi các lý do: Một số sinh vật trong quá trình trao đổi chất tạo ra acid gây ra phản ứng và phá vỡ canxi-cacbonat (CaCO3) của các lớp vữa và đá gốc, sinh vật phát triển thì rễ cũng đâm xuyên qua các khoáng chất như vôi vữa, gạch và đá rồi dần phá hủy nó”- chuyên gia Andrea Teufel lý giải.

Di tích Ngọ Môn (Huế) được xử lý bằng công nghệ hiện đại: Làm sạch chứ không làm mới - Anh 2

 Một số điểm ở bề mặt tường Ngọ Môn bị rêu, nấm, vi khuẩn và địa y ký sinh lan rộng, ảnh hưởng đến công trình di tích

Vẫn giữ màu nguyên thuỷ

Trước vấn đề lo ngại nếu làm sạch thì di tích Ngọ Môn sẽ trở nên “mới”, không còn giống với một điểm di sản, lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế cũng khẳng định rằng: Sau khi làm sạch, cổng Ngọ Môn sẽ được trả lại màu nguyên thủy vốn có của nó, chứ không phải “tô” lên một màu sắc mới khác. Vì Ngọ Môn là công trình quan trọng của khu di sản Huế nên trước khi thực hiện dự án, chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia phải giảm áp lực phun nước xuống mức tối thiểu nhằm tránh ảnh hưởng tối đa đến di tích. Hiện nay, tại khu di sản Hoàng cung Huế, rất nhiều công trình di tích được xây dựng bằng gạch vữa nên cũng bị tác động bởi điều kiện tự nhiên và tạo ra rêu, nấm và vi khuẩn rất nguy hại. Về lâu dài, TTBTDTCĐ Huế sẽ có kế hoạch để thực hiện làm sạch các công trình này, trước mắt là ưu tiên hệ thống tường thành không quét màu và các đoạn đường lát gạch Bát Tràng bị rêu mốc gây trơn trượt.

Chuyên gia Thorsten Marco Mowes chia sẻ rằng: Khi thực hiện dự án này, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc tài trợ bằng hệ thống máy móc và công sức mà điều quan trọng là sẽ hỗ trợ đào tạo việc ứng dụng công nghệ cho các cán bộ và chuyên gia ở địa phương. Qua đó, tạo sự bền vững cho việc thực hiện làm sạch các công trình di tích khác sau này.

Từ năm 1980, tập đoàn Karcher của CHLB Đức đã dành một phần kinh phí để thực hiện chương trình Tài trợ văn hóa. Và đến nay, đã có hơn 140 dự án làm sạch được thực hiện trên khắp thế giới. Dự án làm sạch cổng Ngọ Môn (Kinh thành Huế) là điểm di tích văn hóa đầu tiên tại Việt Nam mà Karcher tài trợ thực hiện, qua đó góp phần tôn tạo cảnh quan và không gian di sản hoàn chỉnh của hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế. 

 Khi thực hiện dự án này, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc tài trợ bằng hệ thống máy móc và công sức mà điều quan trọng là sẽ hỗ trợ đào tạo việc ứng dụng công nghệ cho các cán bộ và chuyên gia ở địa phương. Qua đó, tạo sự bền vững cho việc thực hiện làm sạch các công trình di tích khác sau này.

(Chuyên gia Thorsten Marco Mowes)

 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc