Đền Trần (Nam Định): Xuyên đêm chờ phát ấn
VHO - Trắng đêm để chờ đến giờ phát ấn (từ 5h sáng ngày Rằm tháng Giêng) đã là chuyện không lạ với nhiều người đi lễ đền Trần (Nam Định). Năm nay, sau thời điểm khai ấn vào đêm 11.2.2025 (tức 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ), nhiều du khách vào đền lễ đầu Xuân, đồng thời nán lại đền qua đêm, chờ tới 5 giờ sáng.

Thời tiết thuận lợi, dù có chút mưa phùn sau giờ khai ấn nhưng không làm khó người dân ở lại xuyên đêm trong đền như năm trước. Ghế đá, chiếu, và bất kỳ hàng lang nào bỏ trống cũng đều được tận dụng để tá túc.


“Vất vả nhưng vui, lại thể hiện được lòng thành mong muốn sớm nhận được ấn lộc đầu Xuân”, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Chị Phương Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) thì tiết lộ lý do nán lại đền trong đêm vì không thuê được khách sạn gần đền, các phòng lưu trú với giá cả phù hợp đều đã đầy kín từ chiều 14 tháng Giêng.


Quang cảnh được ghi nhận từ sau 4h sáng cho đến trước 5h sáng ngày Rằm tháng Giêng là những hàng người bắt đầu nối dài phía trước các địa điểm được BTC, nhà đền bố trí phát ấn lộc. Càng đến gần giờ phát ấn, những hàng người càng kéo dài thêm.


Việc chuyển phát ấn từ trơng đêm sang sáng ngày Rằm giờ đây đã trở nên quen thuộc với người đi lễ Đền Trần. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy. Du khách xếp hàng văn minh, trật tự chờ tới lượt. BTC và nhà đền thông báo đủ số lượng ấn được chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách.



Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích Đền Trần- Chùa Tháp cho biết, hàng vạn cánh ấn may mắn đầu năm sẽ được BTC Lễ hội và nhà đền phát đến người dân và du khách tại 3 địa điểm: nhà Giải Vũ tại Cung Thiên Trường, Đền Cố Trạch và nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa. Để những lá ấn lộc đầu Xuân đến với người dân được thuận lợi, tốt đẹp, công tác chuẩn bị cho hoạt động phát ấn được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo.




Công tác tuyên truyền về lễ hội và nếp sống văn minh trong lễ hội cũng thường xuyên được phát trên loa, để người đi lễ đền Trần hiểu sâu sắc hơn về giá trị, ý nghĩa của lễ khai ấn đền Trần.
Đồng thời có những ứng xử chuẩn mực, nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia các hoạt động tại lễ hội.

Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị. Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương”.
Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.