Sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận:
Để “hồn cốt dân tộc” lưu giữ trong từng tên xã, tên phường?
VHO - HĐND hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã họp và ra Nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập hai tỉnh. Nhân dân, các chuyên gia văn hóa cho rằng, việc sáp nhập này là cần thiết sẽ tạo mối liên kết vùng, phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế -xã của hai tỉnh hiện nay. Tuy nhiên làm gì để giữ lại tên các địa danh nổi tiếng – “hồn đất, hồn làng” ăn sâu trong từng tên gọi địa phương là bài toán đặt ra.

Bản sắc văn hóa trong từng địa danh
Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thống nhất sắp xếp 132 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 41 đơn vị, giảm 91 đơn vị, tỷ lệ tinh gọn 68,93%. HĐND tỉnh đã họp thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa.
Trong khi đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã thống nhất chủ trương sắp xếp từ 62 đơn vị hành chính cấp xã thành 24 đơn vị, giảm 38 đơn vị, tỷ lệ tinh gọn 61,3%. HĐND các cấp tỉnh Ninh Thuận đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh.
Hồ sơ Đề án sắp xếp tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận đã trình Bộ Nội vụ vào ngày 29.4. Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa (mới) vào ngày 5.5.
Điểm sáng chính là sự hồi sinh của những địa danh đã trở thành mạch nguồn ký ức. Xã Tân Định, cái tên mang dấu ấn của chúa Nguyễn từ thế kỷ XVII cho vùng đất Ninh Hòa, nay được tái sinh từ sự hòa quyện của Ninh Xuân, Ninh Quang, Ninh Bình. Xã Tu Bông, vùng đất trù phú phía bắc Khánh Hòa, nay gọi lại tiếng xưa từ Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Phước.
Hay xã Suối Dầu, nơi in dấu những công trình nghiên cứu của bác sĩ Yersin, nơi có hồ thủy lợi và khu công nghiệp cùng tên, nay kết tinh từ Suối Cát, Cam Hòa, Cam Tân, Suối Tân. Mỗi cái tên được gọi lên như một lời nhắc nhở về cội nguồn, về những lớp trầm tích văn hóa đã bồi đắp nên mảnh đất này.

Dẫu vậy, trên hành trình tìm về bản sắc, vẫn có những đề xuất mang tính định hướng địa lý, như phường Bắc Nha Trang, phường Nam Nha Trang, phường Bắc Cam Ranh, phường Nam Cam Ranh, hay các xã Khánh Vĩnh Bắc, Trung, Tây, Nam, Tây Khánh Sơn, Đông Khánh Sơn. Những tên gọi này, dù mang tính thực tế, nhưng vẫn gợi lên một chút tiếc nuối về những giá trị văn hóa tiềm ẩn chưa được khai phá.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định một cách đầy tâm huyết rằng việc đặt tên theo địa danh lịch sử, văn hóa không chỉ là nguyện vọng sâu xa của người dân mà còn là hành động thiết thực để bảo tồn hồn cốt địa phương, trao truyền cho thế hệ sau những bài học về nguồn cội. Tỉnh đã cẩn trọng lắng nghe, rà soát kỹ lưỡng, lấy ý kiến cộng đồng và thông qua HĐND cấp huyện để đảm bảo tính dân chủ và sự đồng thuận cao nhất.
Theo ông Tuân, đây không chỉ là một cuộc cải cách hành chính đơn thuần mà còn là một chiến lược phát triển dài hạn, khơi dậy những tiềm năng ẩn sâu của cả hai địa phương, kiến tạo nên một vùng đất thịnh vượng.
Nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của việc đặt tên, ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ: "Tên gọi của các đơn vị hành chính trước hết phải được cộng đồng chấp thuận, đồng thời mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, truyền thống của xóm làng, những giá trị được các thế hệ tiền nhân dày công xây dựng."

Ông gợi nhắc những địa danh đã khắc sâu trong tâm trí người dân: "Chẳng hạn, khi nhắc đến Diên Khánh, người ta nghĩ ngay đến tứ thôn Đại Điền, nơi ghi dấu truyền thống đấu tranh hào hùng của quân và dân Khánh Hòa, Diên Khánh. Hay ở thị xã Ninh Hòa có phường Ninh Hiệp. Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh… đều là những tên gọi quen thuộc, gắn liền với bản sắc của từng địa phương."
Sáp nhập để phát triển đột phá
Mới đây, tại tỉnh Khánh Hòa, Đoàn Công tác của Bộ Chính trị do ông Trần Lưu Quang - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Báo cáo Đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn nêu rõ, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh đã chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận.
Tỉnh ủy hai tỉnh đã thông qua dự thảo (lần 1) Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2025 - 2030; dự thảo (lần 2) dự kiến sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy hai tỉnh vào giữa tháng 5.2025. Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa dự kiến sẽ được hai tỉnh hoàn thiện gửi Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 10.6.

Hai tỉnh cũng thông qua đề án kết thúc hoạt động đảng bộ cấp huyện và đảng bộ cấp xã (cũ), thành lập các đảng bộ cấp xã (mới), chuẩn bị nội dung để đảng bộ cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1.7; chỉ định nhân sự cấp ủy cấp xã nhiệm kỳ mới. Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, UBND tỉnh và nhà công vụ sẽ sớm hoàn thành xây dựng, sửa chữa, cải tạo.
Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang biểu dương tỉnh Khánh Hòa đã chủ động áp dụng Quy định bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng và Bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công tác (KPI) đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh, góp phần lượng hóa hiệu quả công việc và thay đổi căn bản tư duy, cách làm trong quản trị công vụ.
Qua đó, chủ động chuẩn bị từ sớm và từ xa về việc tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách khoa học; các công tác chuẩn bị khác cũng đã chủ động thực hiện.
Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang đề nghị, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát, bám sát cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc phát sinh, bảo đảm xuyên suốt nguyên tắc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Bên cạnh đó cần ưu tiên lựa chọn thực hiện trước những công việc có tính quyết định, cấp bách. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (mới) phải được chuẩn bị bài bản, có tính định hướng, tạo cơ sở chính trị cho tỉnh sau sáp nhập phát triển với tốc độ cao nhất, ổn định nhất.

Những tài sản dôi dư sau sắp xếp cần được quan tâm bố trí để tránh lãng phí và ưu tiên phục vụ các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, công trình công cộng. Các công trình, dự án dở dang do ban quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cấp tỉnh và cấp huyện đang quản lý cần được tính toán kỹ, căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tế để giải quyết hợp lý.
Địa phương cần quyết liệt đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất theo hướng tăng diện tích đất công nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực; đề xuất cụ thể đối với kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII…