Cuộc tìm kiếm lỵ sở chúa Tiên Nguyễn Hoàng

VH- Sử cũ ghi năm 1558, Nguyễn Hoàng cùng gia quyến, một số quan quân thân tín vào Nam. Có nhiều giai thoại về cuộc ra đi này. Có tài liệu nói chúa Nguyễn Hoàng và tùy tùng vượt Hoành Sơn bằng đường bộ, song lại có tài liệu cho rằng chúa và thân quyến với quan quân đi thuyền vào Nam.

Cuộc tìm kiếm lỵ sở chúa Tiên Nguyễn Hoàng - Anh 1

1. Có một truyền thuyết vừa thực vừa ảo được nhiều người nhắc đến là, khi đoàn thuyền của chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến gần cửa Việt (sông Thạch Hãn đổ ra biển trên đất Quảng Trị) thì sóng gió nổi lên, mưa giông kéo đến mù mịt, tàu thuyền ngả nghiêng, chúa tôi 10 phần chết 9. Tàu thuyền vội cặp vào bờ trên dòng Thạch Hãn, địa phận thôn Ái Tử, huyện Triệu Phong bây giờ. Trong lúc đói khát, rũ rượi mệt lả thừa sống thiếu chết như vậy thì thấy một toán dân sở tại, dẫn đầu là các cụ bô lão đến đón, dâng chum nước trong. Ư Tỵ tâu mừng rằng: “Đấy là phúc trời cho đó. Việc trời đất có hình tượng. Nay chúa thượng mới đến mà dân đem “nước” dâng lên, có lẽ là điềm “được nước” đó chăng? Thái tổ nhận lấy 7 chum nước ấy, bèn cắm doanh trại ở xã Ái Tử”...

Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài của lịch sử với gần năm trăm năm trên một vùng đất vốn chịu nhiều biến động, thiên di bởi các cuộc chiến tranh binh lửa, huỷ diệt tàn khốc, cộng với sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai, hạn hán, bão lụt... đã xóa nhòa những dấu tích, những di sản văn hóa một thời từng là thủ phủ, là “kinh đô” của một triều đại vốn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc trên mảnh đất này. Vì thế, những vấn đề cốt lõi về thực chất của mục đích, ý đồ các lần di dời thủ phủ/dinh trấn/dinh cơ trên một địa thế chưa đầy 2 cây số vuông thuộc vùng cát Ái Tử - Trà Bát vẫn còn là những ẩn số chưa có lời đáp thỏa đáng.

2. Vị trí, diện mạo, quy mô, vị thế, vai trò của ba dinh trấn Ái Tử, Trà Bát và Cát Dinh trên thực tế không chỉ là những đồn binh nặng về bố phòng quân sự mà còn là những trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, xã hội sôi động một thời vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong 68 năm tồn tại trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát/Quảng Trị, Nguyễn Hoàng đã hai lần di dời dinh thự. Lần thứ nhất là vào năm 1570, ông cho chuyển dinh thự của mình từ Ái Tử sang Trà Bát và lần thứ hai vào năm 1600, cho chuyển dinh thự/thủ phủ từ Trà Bát sang Cát Dinh/Dinh Cát. Việc di dời dinh thự là quá trình mở rộng lỵ sở chứ không phải thay đổi không gian lỵ sở. Nguyễn Hoàng vẫn lựa chọn vùng đất Ái Tử - Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương làm trung tâm đầu não cai quản toàn xứ Thuận - Quảng. Cùng với quá trình thiết lập, mở rộng không gian lỵ sở dinh chúa, Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên còn cho thiết lập các thiết chế liên quan khác: Về quân sự - kho tàng (Bãi Trận, Mô Súng, Cồn Kho, Cồn Tập, Tàu Tượng…); về kinh tế (Chợ Hôm, Ghềnh Phủ…); văn hóa, xã hội, tín ngưỡng (Miếu Trảo Trảo, Miếu thờ Thuận nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến…)… nhằm phục vụ đắc lực cho bộ máy tổ chức của một trung tâm hành chính, chính trị nhà chúa lúc bấy giờ.

Việc tìm ra dấu tích những lỵ sở đó của chúa Nguyễn Hoàng là một trong những trăn trở của giới khoa học cũng như người dân vùng Triệu Phong, Quảng Trị. Nhóm những người đi “tìm kiếm” di tích đó được lập nên bởi các nhà khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử-văn hóa từ Hà Nội đến Quảng Trị. Các nhà nghiên cứu ngày đêm tìm tòi trong thư viện, trong lưu trữ những tài liệu quan trọng liên quan đến di tích và hàng loạt những tư liệu…

Cuộc tìm kiếm lỵ sở chúa Tiên Nguyễn Hoàng - Anh 2

3. Bằng nhiều tài liệu khá phong phú được nghiên cứu kỹ càng và cho thấy sự đồng nhất về sử liệu khi xác định khu vực mà Nguyễn Hoàng xây dựng những lỵ sở đầu tiên đều thuộc khu vực Ái Tử - Trà Bát – Dinh Cát (với phạm vi 2 cây số vuông) thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong, Quảng Trị. Nay là xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong. Sử liệu thì như vậy, nhưng còn một nguồn tài liệu khác rất quan trọng và rất chính xác là tài liệu khảo cổ học thì sao? Vậy là một cuộc khai quật khảo cổ được tiến hành giữa những ngày hè nắng cháy da của Quảng Trị. Dưới trời nắng nóng tháng 7 tháng 8, trên những cồn cát vùng Trà Bát – Dinh Cát – Phủ Thờ, những địa danh ẩn chứa dấu tích của lỵ sở chúa Tiên Nguyễn Hoàng thấp thoáng bóng dáng những nhà khảo cổ học và sử học đi điền dã, thám sát, nghiên cứu và khai quật khảo cổ.

4. Tại di tích Cồn Dinh 1 có 3 hố khai quật với diện tích 67,63 mét vuông, là nơi có diện tích khai quật và thám sát lớn nhất. Tại đây các nhà khoa học đã tìm thấy dấu tích quan trọng nhất của cuộc tìm kiếm. Trên một quả gò cát lẫn phù sa nằm ngay bên con đường liên xã của thôn Trà Liên, các nhà khảo cổ học phải rất vất vả tìm ra những khoảng đất trống còn lại để xác định được hố khai quật bởi ở đây chi chít dày đặc lăng mộ hiện đại, mà chúng ta đều biết những lăng mộ ở Bắc Trung Bộ, nhất là vùng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thì to lớn và xây dựng rất cầu kì.

Ở phía Tây Nam của gò cát này, tại hố khai quật 1 và 2 (H1; H2) đã xuất lộ một đoạn tường thành xây theo kiểu 2 vách và nhồi gạch, ngói cùng đất đầm chặt ở giữa. Đây là một kĩ thuật xây thành khá phổ biến. Tuy nhiên ở di tích này, ngoài việc xây tường hai bên, nhồi đất đá gạch ngói vụn ở giữa người xưa còn xây nối giữa hai vách tường một hàng gạch (câu gạch) để làm tăng độ kéo giữ của tường thành, tăng độ bền vững, chống xô trượt. Cứ khoảng 3 đến 5 mét tường người ta lại xây một hàng gạch như vậy. Mặc dù dấu tích tường thành này chỉ còn quan sát được 3 đến 4 hàng gạch phần chân móng, song nó lại là dấu tích rất quan trọng trong việc xác định di tích thành lỵ sở của chúa Nguyễn xưa. Gạch và ngói ở khu vực này rất nhiều và đồng nhất với gạch xây tường, đều là gạch thời Nguyễn. Tất nhiên để xác định đây chắc chắn là công trình thuộc thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng còn phải dựa vào nhiều chứng cứ khoa học khác như đồ gốm nằm trong hố khai quật.

May thay, những đồ gốm khai quật được cùng lớp với dấu tích kiến trúc tường thành đều là những đồ gốm có nguồn gốc bản địa như sành Phước Mỹ, Thạch Hà, đồ đất nung… đặc biệt, những đồ gốm men có xuất xứ từ Trung Hoa, chủ yếu là từ Phúc Kiến, bao gồm cả gốm thương mại và gốm gia dụng, thờ cúng đều có niên đại thế kỉ 16 đầu thế kỉ 17. Điều này cho thấy, những bức tường thành ở đây không vượt quá nửa đầu thế kỉ 17 và nó trùng hợp với niên đại của các công trình mà chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng vào thời kì mới vào Nam. Tại H3, các nhà khảo cổ học hi vọng tìm thấy đoạn tường phía Bắc, sau khi đã tính toán sự quay góc của bức tường phía Tây. Quả nhiên, dấu tích của đoạn tường này cũng đã xuất lộ, tuy chỉ còn quan sát thấy phần chân móng nhưng phát hiện này cũng rất quan trọng để xác định chắc chắn dấu vết của một la thành trên di tích Cồn Dinh. Căn cứ vào những tư liệu gốm sứ, đặc biệt là những hiện vật gốm sứ cao cấp Trung Hoa có thể thấy nơi đây đã từng có một cuộc sống của tầng lớp cao trong xã hội nếu như không nói là cuộc sống vương giả.

5. Tại khu vực Cồn Dinh 2, các nhà khảo cổ đã mở một hố khai quật. Đây là một cồn cát khá lớn nơi gần với những dòng chảy cũ của dòng Thạch Hãn và các chi lưu của nó và cũng rất gần một di tích thời kì Chăm Pa là phế tích tháp Trà Liên. Hiện vật khai quật ở đây gồm nhiều các mảnh vỡ từ những đồ gốm, chủ yếu là gốm thương mại có nguồn gốc từ các lò gốm ở Phúc Kiến, Trung Hoa, nơi buôn bán rất nhiều gốm xuống vùng Đông Nam Á. Sự xuất hiện nhiều gốm thương mại thế kỉ 16, 17 ở đây cho thấy đây rất có thể là di tích của một khu vực chợ bến, nơi buôn bán trao đổi hàng hóa như một trung tâm thương mại thời kì đầu chúa Nguyễn.

Tại khu vực Cồn Dinh 3, các hố H1, 2, 3 đều đưa lên những đồ gốm sứ có niên đại từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 18, đặc biệt có những đồ gốm men ngọc cao cấp của Trung Hoa, đồ gốm hoa lam Phúc Kiến khá phổ biến. Ở đây trong cá hố thám sát còn nhận thấy hai bờ lũy, chạy song song theo hướng Bắc-Nam cách nhau chừng 200 mét mà dân vẫn cứ quen gọi là “đường tàu” và “đường điện”. Hai lũy này hiện vẫn dễ nhận thấy trên động cát, chúng được đắp bằng hợp chất bùn, đất gạch ngói vụn, trong đó có lẫn một số mảnh gốm có niên đại thế kỉ 18, 19. Những kết quả này cho thấy đây là khu vực không liên quan đến các dấu tích lỵ sở chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thời kì 1558 – 1626...

TS. Nguyễn Tiến Đông 

Ý kiến bạn đọc