Chuyển đổi tục Tết?

CAO CHƯ

VHO - Tết đang đến gần. Và câu hỏi đầu tiên trong đầu mọi người có lẽ là: Tết đi đâu về đâu?

 Nếu cách nay chừng vài chục năm về trước, câu hỏi này hẳn sẽ không đặt ra. Người ở quê ra phố ở thì đương nhiên trở về quê. Người nhà quê phần nhiều không đi đâu xa, ngoài việc cúng ông bà tổ tiên, đi chúc Tết bà con, sui gia, bạn bè, láng giềng. Đàn ông thì lo sửa sang mồ mả, bàn thờ. Đàn bà thì lo làm bánh. Con trẻ chờ cái Tết để có áo mới. Nhiều người thích có Tết để được thưởng thức các món ngon, đi viếng chùa, thong thả dạo chơi. 

 Nhưng Tết nay có khác. Người ra phố không nhất thiết về quê, người nhà quê không nhất thiết ở tại quê. Đến Tết, người ta không nhất thiết đi chúc Tết nhau. Từ những năm cả xã hội lo đối phó với dịch Covid-19 kinh hoàng, sự thay đổi về tục Tết càng rõ. Có người đề xuất nên bỏ Tết âm, có người bảo không. Mỗi người có lý của riêng mình. Nhưng sự chuyển đổi tục Tết là rất rõ. 

Một anh bạn đem cái điện thoại thông minh ra mà chỉ mặt kể tội của nó. Nào do mày mà bà vợ không chịu về quê đón Tết, cứ khăng khăng đòi đi nước ngoài du lịch. Nào do mày mà mấy người phụ nữ quên gói bánh, làm bánh cúng ông bà tổ tiên, suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện check-in ở đâu cho đẹp. Con trẻ thì lơ là bánh trái, năn nỉ ăn cũng không chịu ăn cho. Qua sự chuyển biến của đời sống do tác động của công nghệ, do hội nhập quốc tế, do mức sống đã được cải thiện khiến người ta phải suy nghĩ. 

Tết chuyển đổi là một sự tất yếu, nhưng chuyển đổi theo hướng nào, như thế nào lại là vấn đề. Thiển nghĩ, sự chuyển đổi tục Tết nếu không còn hồn cốt của nó thì đúng là nó không nên tồn tại. Vậy hồn cốt của Tết là gì? Có phải chăng đó là sự sum họp. Bà con anh em mỗi người mỗi nơi lo cho cuộc sống của mình, Tết chính là dịp để mọi người gặp nhau, hàn huyên tâm sự, kết nối lại những tình cảm bị ngắt quãng do phải sống xa nhau, cái mà dù người ta dùng smartphone gặp nhau, thấy nhau hằng ngày cũng không thể thay thế. Tết là lúc để người ta nhớ về nguồn cội, sửa sang mồ mả, cúng bái ông bà tổ tiên, thể hiện sự biết ơn các thế hệ trước, những người đã sinh ra mình.

Nhưng Tết không chỉ để hướng về quá khứ. Tết là kết thúc năm cũ với mùa đông lạnh lẽo và khởi đầu với một mùa xuân ấm áp, vạn vật tươi xanh, tạo lập niềm hy vọng mới về tương lai. Tết gieo niềm lạc quan cho con người. Ngay cả sự sum họp gia đình, sự cúng bái ông bà tổ tiên cũng mang ý nghĩa hướng vọng về một năm mới tốt đẹp hơn. Tất nhiên nếu trong dịp này, người ta bỏ công sức để làm bánh cổ truyền, tạo dựng cây nêu và những thứ thuộc về truyền thống sẽ thật là trọn vẹn, ý nghĩa. 

Tết không ai bảo không được đi xa. Những người đi du lịch nơi xa hẳn không vướng bận việc cúng bái ông bà tổ tiên. Mỗi người có một cách sắp xếp theo cách mà mình cho là hợp lý. Ấy là việc của cá nhân. Nhưng nhìn chung, xu thế của xã hội Tết vẫn là về quê. Quan sát sự di chuyển giao thông, với xe khách, tàu lửa, tàu bay ta có thể hiểu như vậy. Nhìn sang Trung Quốc, ta cũng thấy dịp Tết số người ở các đô thị di chuyển về nông thôn có đến hàng trăm triệu. Với tôi, đi du lịch cũng hay mà nên để vào dịp khác, còn dịp Tết nên dành cho sum họp gia đình, san sẻ yêu thương và tưởng nhớ ông bà, dù nó cũng tốn kém cả tiền bạc, công sức và thời gian. Về quê là mong muốn được kết nối, tay bắt mặt mừng với anh em bà con, láng giềng, được trực tiếp cúng lễ ông bà tổ tiên cũng như hướng về một tương lai tốt đẹp cho năm mới. Nếu không thực hiện những việc này vào dịp Tết, thì còn vào dịp nào trong năm tốt hơn? 

Tết Nguyên đán nằm trong dòng phong tục dân tộc mà ở đó, nhiều nhân tố văn hóa cổ truyền mới được dịp thể hiện. Thuở xưa để chuẩn bị cho Tết người ta phải mất hàng tháng trời, tập trung nhiều của cải, nhà nhà tập trung làm bánh mứt khiến người phụ nữ rất vất vả. Mặc nhiên người ta truyền dạy cách làm bánh mứt, ngay trong gia đình. Ngày nay ít người làm bánh, người phụ nữ đỡ vất vả hơn, nhưng vấn đề bảo tồn văn hóa liền được đặt ra. 

Mỗi nơi có thể mỗi khác, chỉ xin nêu ra vài suy nghĩ về chuyển biến của tục Tết với hy vọng Tết sẽ ngày càng ý nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc, và vui hơn.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc