Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam

NGUYỄN LINH

VHO - Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI năm 2024 tại Thanh Hóa, ngày 12.7, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam” với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, diễn giả truyền thông từ các đài phát thanh truyền hình uy tín trong khu vực và các phóng viên, biên tập viên đến từ các Đài phát thanh trên toàn quốc.

Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam - ảnh 1

Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang cho rằng, gần đây, cụm từ "Chuyển đổi số báo chí" liên tục được nhắc đến; tuy nhiên, thực chất để hiểu và triển khai thì không hề dễ dàng.

Tại nhiều cơ quan báo chí, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng cho quá trình tác nghiệp và phát sóng, xuất bản tới công chúng. Vấn đề quan trọng nữa của chuyển đổi số chính là con người và tư duy để tạo ra một quy trình sản xuất mới, những thông tin mới, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số...

Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam - ảnh 2

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang phát biểu

Rõ ràng, không có công nghệ thì không thể có chuyển đổi số hiệu quả nhưng không có con người thì dù có đầu tư công nghệ lớn đến đâu cũng chưa chắc đã thực hiện được.

Chính vì thế, để chuyển đổi số báo chí thực sự đi vào đời sống, theo ông Vũ Hải Quang, cần sự thay đổi lớn ở chính những người làm báo. Thay đổi để phù hợp, thay đổi để phát triển. Câu chuyện không chỉ một sớm một chiều nhưng lại là tương lai của phát thanh truyền hình trong công cuộc chinh phục công chúng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả truyền thông đã chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số của một số Đài phát thanh truyền hình trên thế giới; cập nhật các xu hướng công nghệ như hệ thống lưu trữ số, các nền tảng phân phối và quản lý nội dung số…

Các chuyên gia, diễn giả truyền thông đến từ các Đài phát thanh cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quản lý mô hình Tòa soạn hội tụ; kinh nghiệm thực tiễn từ quốc tế và Việt Nam khi ứng dụng công nghệ AI vào các hoạt động sản xuất chương trình, sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng... Các giải pháp tăng tốc, an toàn thông tin và bảo vệ bản quyền trên không gian mạng cho ngành phát thanh truyền hình cũng được chia sẻ tại Hội thảo.

Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam - ảnh 3

Ông Matthew O’Sullivan, Tổng Biên tập ABC News khu vực châu Á  - Thái Bình Dương phát biểu

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Matthew O’Sullivan, Tổng Biên tập ABC News khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, dù thực hiện chuyển đổi số PT-TH bằng bất cứ cách nào, một trong những giá trị cốt lõi quan trọng của tòa soạn là các phóng viên, biên tập.

Vì thế chúng ta phải làm sao khuyến khích được sự say mê, khát vọng cống hiến để tìm cách thay đổi cách kể một câu chuyện theo yêu cầu mới.

“Một trong những yêu cầu của chúng tôi đó là phải xác định đối tượng công chúng mục tiêu để từ đó cách kể câu chuyện, tiếp cận. Nếu khán thính giả là giới trẻ, thì cùng câu chuyện đó, cách kể chuyện phải có cách thể hiện hiện đại, sử dụng công nghệ để hấp dẫn và tăng sự tương tác với công chúng”, ông Mathew cho hay.

Theo ông Mathew, tòa soạn hội tụ, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động sản xuất chương trình sẽ là nguồn thông tin tham khảo quý giá giúp đội ngũ quản lý cũng như các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên của các đài PT-TH hiểu rõ hơn về chuyển đổi số để có thể thay đổi và thích ứng, xây dựng một chiến lược chuyển đổi số phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.

“Ở ABC News, chúng tôi yêu cầu: Chuyển đổi số trong tác nghiệp, tự giác cập nhật kiến thức chuyển đổi số vào việc sáng tạo tác phẩm báo chí là điều bắt buộc với tất cả phóng viên. Chúng tôi khuyến khích mỗi phóng viên khi thể hiện tin, bài viết tự quay lại clip của chính bản thân lúc đó. Với những thử nghiệm đó, chúng tôi ghi nhận sự thành công đáng kể khi gia tăng mạnh tương tác của khán thính giả với các phóng viên, biên tập viên”, ông Mathew chia sẻ.

“Tôi nghĩ, từ hội thảo hôm nay, Việt Nam cũng nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn để trí tuệ nhân tạo, nền tảng số sẽ là một phần trong quá trình phát triển đi lên. Muốn vậy, đào tạo - cập nhật kịp thời những xu hướng, cách làm mới từ báo chí khu vực phải được gấp rút tiến hành”, ông Mathew đề xuất.

Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam - ảnh 4

Tiến sĩ Veysel Binbay, Giám đốc Ban Công nghệ và Đổi mới - Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương phát biểu

Tiến sĩ Veysel Binbay, Giám đốc Ban Công nghệ và Đổi mới - Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương đã chia sẻ nội dung "Dữ liệu lớn và vai trò với ngành Phát thanh truyền hình", nhằm trang bị cho đội ngũ kĩ thuật và các nhà quản lý kiến thức về dữ liệu lớn và chiến lược cần thiết để phát triển các nền tảng phân phối nội dung, sao cho các nền tảng đó hiệu quả, an toàn và giúp tăng cường trải nghiệm của người xem.

Với nội dung "Nền tảng triển khai dịch vụ đa ngôn ngữ sử dụng AI- Kinh nghiệm từ NHK", ông Chiaki Shimura, Kỹ sư công nghệ, NHK World Media đã giới thiệu ngắn về hoạt động của NHK World, đồng thời chia sẻ về việc ứng dụng AI cho dịch vụ đa ngôn ngữ hiện nay tại NHK, bao gồm hệ thống phụ trợ và quy trình làm việc.

Đặc biệt, với tham luận về "Hệ thống lưu trữ số và Nền tảng quản lý nội dung: Kinh nghiệm thực tiễn từ Đài RTM, Malaysia", diễn giả Ahmad Shafiq Mirza Mansor, Trưởng Ban Kỹ thuật phát sóng Đài RTM đã chia sẻ kinh nghiệm số hóa truyền thông trong việc quản lý lưu trữ, hiệu quả chuyển giao; kinh nghiệm vận hành, khắc phục, bảo dưỡng cần thiết trong quá trình ứng dụng công nghệ AI/ML vào toàn bộ quy trình hoạt động phát sóng...

Để làm được điều này, theo diễn giả, đòi hỏi sự phối hợp của cả yếu tố kỹ thuật và con người, sự tham gia từ phóng viên, quay phim, biên tập hình ảnh, nhà sản xuất, kỹ sư phát sóng.

Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam” có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu cấp thiết của tất cả ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó có báo chí nói chung và ngành phát thanh truyền hình nói riêng.

Thông qua các tham luận cũng như những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế và trong nước là nguồn thông tin tham khảo quý giá giúp đội ngũ quản lý cũng như các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên của các Đài hiểu rõ hơn về chuyển đổi số, để có thể thay đổi và thích ứng, xây dựng một chiến lược chuyển đổi số phù hợp với cơ quan mình.