Chuyển đổi số ngành sách: Cuộc chuyển mình của công nghệ - thể chế - con người
VHO- Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử cũng như cách thức bạn đọc thay đổi cách tiếp cận đối với văn hóa đọc thông qua mua hàng trực tuyến đã đặt ra cho ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam cả những thời cơ lẫn thách thức mới, và thực hiện chuyển đổi số chính là một yêu cầu tất yếu.
Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của hoạt động xuất bản (ảnh minh họa)
Khẳng định chuyển đổi số là “chìa khóa” tạo bước tiến mạnh cho ngành sách Việt Nam, đem lại cơ hội nhưng cũng sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành xuất bản nói riêng không phải mục đích mà là quá trình.
Chuyển đổi số tạo nên một thị trường xuất bản mở
Hiện nay, các loại hình sách mới như sách điện tử, sách nói đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ giúp người đọc tiếp cận thông tin nhanh chóng, tạo sức đột phá cho văn hóa đọc mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đặc biệt như học sinh các cấp, người khiếm thị... Hệ thống marketing, bán hàng tự động và bán tự động với trí tuệ nhân tạo như chatbot, tự động gửi thông tin marketing qua email, mạng xã hội… theo sở thích, thói quen và nhu cầu riêng của từng khách hàng đang xuất hiện ngày một nhiều.
Tính đến tháng 5.2022, đã có 16 NXB đủ điều kiện xuất bản điện tử; từ năm 2019-2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000-2.500 xuất bản phẩm điện tử. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử với các doanh nghiệp công nghệ, sự tăng trưởng ấn tượng của một số doanh nghiệp như Công ty TNHH WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giải pháp công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet... cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.
Tại buổi tọa đàm Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành mới đây, Giám đốc Công ty cổ phần Sách điện tử Waka Đinh Quang Hoàng cho rằng, khái niệm chuyển đổi số rất rộng và sách điện tử chỉ là một phần nhỏ của ngành xuất bản. “Trên thế giới hiện có 3 xu hướng phát triển sách điện tử là tăng trưởng trở lại doanh thu; tăng cường ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động kinh doanh, bán trên online vượt kênh truyền thống; nguồn mới cho sách nói (thường sách nói là phiên bản của sách in, nhưng trên thế giới, nguồn mới của sách nói đã có)”, ông Hoàng cho biết.
Ông Đinh Quang Hoàng cũng đưa ra ví dụ cụ thể: Ở Pháp vừa chọn tháng 5.2022 là tháng sách nói và Chính phủ Pháp đã có những chính sách thúc đẩy thị trường này phát triển như cho lớp thanh niên từ 15-24 tuổi 350 USD miễn phí để mua sách nói và các sản phẩm văn hóa. Và ngay lập tức đã thống kê được có 54% người chọn mua sách nói. Điều này cho thấy, tỷ lệ đọc của độc giả nước ngoài đối với cả sách giấy, sách điện tử và sách nói đều rất lớn. Do đó, các công ty sách nước ngoài, đặc biệt là các công ty nhỏ bắt buộc phải đưa công nghệ vào cạnh tranh. Trong khi đó, ở Việt Nam, số sách xuất bản phần lớn được nhập khẩu về, vậy nên khi nguồn cung cấp sách (hay định dạng sách) thay đổi thì chúng ta cũng phải chuyển mình để đón nhận những định dạng mới đó.
Muốn phát triển phải có quá trình
Có thể thấy, chuyển đổi số ngành xuất bản không chỉ đơn giản là số hóa sách giấy mà nó còn đến từ nhiều nguồn khác nhau và đặc biệt chuyển đổi số trong xuất bản không chỉ bao gồm câu chuyện trong sáng tạo nội dung mà còn cả khâu phân phối, chuỗi cung ứng trên thị trường và cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong ngành xuất bản nói riêng. Bởi hiện nay, bên cạnh những bước tiến khả quan, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng còn nhiều điểm hạn chế như: Việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm; hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản; những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và NXB chưa có nhiều…
TS Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) khẳng định: “Chuyển đổi số không phải là mục đích mà là quá trình. Hiện nay chúng ta vẫn kết hợp làm việc trên cả điện tử và giấy, chưa chuyển đổi số hoàn toàn. Bởi vậy, nếu không làm toàn diện thì sẽ mang thêm gánh nặng, tăng gấp đôi lượng việc. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu nhà nước, chúng tôi sẽ xây dựng hành lang pháp lý chung cho quốc gia, trong đó mỗi ngành có những văn bản hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, tôi cho rằng cần thực hiện nền tảng cho người đọc tự xây dựng thư viện số cá nhân, cung cấp thêm những ứng dụng thông minh như đánh dấu trang, ghi chú trang”.
Khẳng định chuyển đổi số là xu thế của mọi ngành nghề, đồng thời là một yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của hoạt động xuất bản, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhận định, những năm qua đội ngũ làm xuất bản Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói… nhờ đó đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm.
Bên cạnh những thuận lợi và những cơ hội, ông Nguyên cũng chỉ ra rằng, hiện nay việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và khai thác hiệu quả thị trường sách số là vấn đề đặt ra với không chỉ riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số. Các đơn vị làm sách cần phải chủ động trong việc chuyển đổi số của đơn vị mình. Còn về phía Cục Xuất bản sẽ hết sức ủng hộ, hỗ trợ, nhưng không thể làm thay các đơn vị.
MINH HÀ; ảnh: M. TRANG