Chặt chẽ, công tâm, khách quan trong quá trình xét tặng
VHO - Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL vừa phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10. Tại sự kiện văn hóa được mong chờ nhất những ngày đầu năm 2024, đã có 389 nghệ sĩ tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc được tôn vinh bằng những danh hiệu cao quý.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chụp ảnh với các nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSƯT
125 nghệ sĩ được trao tặng, truy tặng danh hiệu NSND; 264 nghệ sĩ được trao tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT.
Nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sĩ
Dự và trao tặng danh hiệu NSƯT cho 264 nghệ sĩ, đại diện gia đình nghệ sĩ còn có Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 Nguyễn Văn Hùng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã diễn ra theo đúng quy định, quy trình, thủ tục; thể hiện sự công tâm, khách quan. Đồng thời, việc áp dụng nhiều quy định mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ. Gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh. Trên lĩnh vực văn hóa, từ khẳng định của Bác Hồ “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” và ánh sáng cùng những giá trị vượt thời gian của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tới Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng…, tất cả đều xác định phát triển văn hóa là nguồn lực, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân là chủ thể sáng tạo văn hóa. Đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.
Bộ trưởng cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về trao tặng danh hiệu cao quý NSND, NSƯT cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kể từ đợt 1 được tổ chức năm 1984, trải qua 9 lần tổ chức, đã có 452 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, 2.621 nghệ sĩ được trao tặng NSƯT; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. “Bộ VHTTDL luôn thực hiện nghiêm quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng thời, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng theo hướng cải cách hành chính;
bảo đảm điều kiện thuận lợi cho các cá nhân trong quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT…”, Bộ trưởng Nguyễn văn Hùng khẳng định. Công tác xét tặng được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Các hồ sơ đề nghị xét trải qua 3 cấp hội đồng là Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước. Hội đồng cấp trên chỉ xét các hồ sơ do hội đồng cấp dưới trình.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về trao tặng danh hiệu cao quý NSND, NSƯT cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kể từ đợt 1 được tổ chức năm 1984, trải qua 9 lần tổ chức, đã có 452 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, 2.621 nghệ sĩ được trao tặng NSƯT; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. (Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG) |
Bộ trưởng nêu rõ, so với các lần xét tặng trước, công tác xét tặng các danh hiệu lần này có nhiều điểm mới. Nghị định số 40/2021/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ. Trong đó, quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn giải thưởng trong danh hiệu; bổ sung việc xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; quy định rõ cách tính thời gian hoạt động chuyên nghiệp… Ở lần xét tặng này, Hội đồng cấp Nhà nước đã nhận được 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Hội đồng đã họp bỏ phiếu theo quy định; có 136 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, 347 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đủ điều kiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Chủ tịch nước trao tặng các danh hiệu.
“Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao của các cấp Hội đồng, công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chủ tịch nước đã ký các Quyết định về phong tặng NSND, NSƯT với 125 NSƯT được phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND; 264 nghệ sĩ được trao tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao danh hiệu NSƯT cho nghệ sĩ Lê Kim Nhung (Lê Mai)
Động lực tiếp nối những tận tâm cống hiến
Là sự kiện rất được mong chờ, đặc biệt trong những ngày đầu xuân mới nên từ rất sớm, các nghệ sĩ đã tề tựu về Nhà hát Lớn Hà Nội. Không gian Nhà hát đầy ắp không khí hào hứng, tươi vui, hàng trăm nghệ sĩ từ nhiều vùng miền, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tiếp nối qua nhiều thế hệ cùng hội tụ. Đội ngũ tinh hoa cùng nhau chia sẻ niềm vui, sự tự hào, khát vọng sáng tạo và khát khao cống hiến cho nền văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Niềm vui, niềm tự hào ấy ánh lên trong những đôi mắt, nụ cười. Với các nghệ sĩ vinh dự có mặt tại sự kiện hay đại diện những gia đình cố nghệ sĩ, danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng là sự ghi nhận cao quý nhất trong mỗi cuộc đời nghệ thuật. Có nhiều nghệ sĩ gương mặt đã in hằn dấu vết thời gian, mái đầu bạc trắng, đôi chân không còn đi vững; và cũng có nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ, tràn đầy năng lượng và khát khao cống hiến. Với họ, danh hiệu chính là niềm tự hào, là động lực cho những rèn luyện, học tập không ngừng, cho những tận tâm cống hiến, nâng cao trách nhiệm với xã hội. Sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đã có những khoảnh khắc lắng đọng, nhiều xúc cảm. Đạo diễn Hoàng Quân Tạo (Lương Văn Tạo), Nhà hát Kịch Hà Nội lên bục danh dự trên chiếc xe lăn để đón nhận danh hiệu NSND được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trân trọng trao tặng. Với những nghệ sĩ cao tuổi như ông, danh hiệu là sự ghi nhận đầy hạnh phúc. Có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ sớm, MC, diễn viên Phạm Thị Thanh Vân (sinh năm 1984), được công chúng yêu mến gọi tên Ốc Thanh Vân chia sẻ niềm vui và vinh dự khi được có mặt trong không gian trang trọng này, được xem hình ảnh của chính mình trong triển lãm chân dung 264 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSƯT. “Tôi hạnh phúc trong sự yêu thương, cổ vũ của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả”, NSƯT Phạm Thị Thanh Vân tâm sự.
NSND Thanh Lam cũng không giấu niềm vui khó nói nên lời ở buổi lễ trao tặng danh hiệu. Diva Thanh Lam đã sống trong lòng công chúng yêu nhạc Việt với nhiều ca khúc tên tuổi cũng là nữ ca sĩ tự do đầu tiên được trao tặng danh hiệu NSƯT năm 2007 và lần này chị vinh dự được đón nhận danh hiệu NSND. Những giai điệu sống cùng năm tháng trong ca khúc Đất nước mà nữ nghệ sĩ cất lên trong chương trình nghệ thuật, ngay sau khi đón nhận danh hiệu cao quý mang đầy xúc cảm, như một lời tri ân nồng ấm nhất mà NSND mong muốn gửi tới khán giả đã luôn yêu thương, cổ vũ mình.
“Với một người nghệ sĩ, dù có được trao tặng danh hiệu hay không, tôi vẫn luôn đi trên con đường đã chọn với niềm tin và những tận tâm, tận hiến cho âm nhạc, công chúng. Danh hiệu NSND vừa là niềm tự hào, vừa là một áp lực, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tiếp tục sống và cống hiến sao cho xứng đáng…”, NSND Thanh Lam chia sẻ.
PHƯƠNG ANH - ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN