Chạnh lòng địa danh lịch sử quốc gia Cầu Cấm
VHO - Trong bài “Địa danh lịch sử quốc gia Cầu Cấm: Chưa được tôn vinh xứng đáng” đăng trên Văn Hóa số 4111, ra ngày 6.11, chúng tôi thật sự quặn thắt với câu nói của cựu công nhân quốc phòng Trần Văn Hiền, người từng cắm chốt ở tọa độ lửa cầu Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An) năm xưa, từng chứng kiến sự chiến đấu gan dạ và sự hy sinh anh dũng của quân, dân ta tại nơi đây: “Mỗi lần đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ đồng đội, chiến sĩ ở Cầu Cấm, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa, bởi ở đấy máu xương bộ đội, thanh niên xung phong đổ xuống không thể nào đo, đếm…, nhưng dường như bị quên lãng suốt gần 60 năm qua”.
Rồi ông cũng bộc bạch rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những địa danh như cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa, Ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh, phà Long Đại và đường 20 Quyết Thắng ở Quảng Bình… đều là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ. Nhưng giờ đây, trừ địa danh lịch sử quốc gia Cầu Cấm, những di tích ấy đã được các cấp chính quyền xây dựng các công trình tưởng niệm, ghi nhận công lao của các chiến sĩ và nhân dân đã quên mình bảo vệ Tổ quốc.
Nếu ai đã đọc những lời chia sẻ của ông trong bài báo trên chắc cũng chạnh lòng, và cảm thấy có phần trách nhiệm khi để cho địa danh lịch sử quốc gia Cầu Cấm, nơi chứng kiến biết bao sự hy sinh anh dũng của quân, dân ta năm xưa, vẫn đang vắng bóng những công trình, biểu tượng mang tính tưởng niệm và tôn vinh các thế hệ đã quên mình cho ngày đất nước thống nhất.
Dẫu có đưa ra lý do hay nguyên nhân gì đi nữa để biện minh cho sự chậm trễ việc quy hoạch, xây dựng bia dẫn tích, công trình tưởng niệm các liệt sĩ tại địa danh lịch sử quốc gia Cầu Cấm thì cũng khó có thể chấp nhận được khi Sở, ngành đẩy cho huyện; huyện lại nói trước đây tỉnh giao cho Sở, ngành... Sự đùn đẩy này chắc lại “đúng quy trình”, phân công, phân cấp, còn địa danh lịch sử quốc gia Cầu Cấm vẫn đang là một màu xanh rì của cỏ cây hoang dại, không có một nơi tử tế để dâng hương trước chiến công của bao liệt sĩ năm xưa.
Đúng như ai đó đã nói, địa danh lịch sử thấm đẫm máu xương nơi trọng điểm tọa độ lửa của mưa bom, bão đạn Cầu Cấm sẽ không bao giờ mờ phai trong tâm trí của các thế hệ hôm nay và mai sau; nơi đó sẽ mãi là địa chỉ để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho giới trẻ, song, không vì thế mà chúng ta cứ mãi chậm trễ tổ chức triển khai, thực hiện những công trình ghi danh, tưởng nhớ. Cách đây vừa tròn 5 năm, Bộ VHTTDL đã ra quyết định công nhận địa điểm Cầu Cấm là di tích lịch sử quốc gia. Đây là hình thức vinh danh, tưởng nhớ công lao của các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã ngã xuống cho huyết mạch trọng điểm Cầu Cấm luôn được thông suốt, cung cấp hàng hóa, đạn dược cho chiến trường miền Nam đi đến ngày thắng lợi, non sông thu về một mối. Nhưng chúng ta cũng rất cần thêm những hình thức tôn vinh khác để không còn phải nghe những lời: “Mỗi lần đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ đồng đội, chiến sĩ ở Cầu Cấm, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa...”.
“Uống nước nhớ nguồn” cũng chính là nghĩa cử, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ thông qua những hành động tích cực nhằm lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.