Thanh Hoá:
Cảnh báo nguy cơ cháy nổ các di tích mùa du lịch hè
VHO - Mùa cao điểm du lịch hè đã đến, kéo theo những đợt nắng nóng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là những công trình kiến trúc gỗ và hệ thống điện xuống cấp. Trong bối cảnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm bảo vệ an toàn cho những giá trị văn hóa quý báu.

Nâng cao ý thức PCCC ngay từ cơ sở
Với hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng di tích lớn của cả nước. Nhiều công trình trong số này được xây dựng bằng gỗ, một vật liệu dễ cháy, dễ bắt lửa trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài.
Đặc biệt, các di tích như đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền thờ Tô Hiến Thành (TP Sầm Sơn) thường xuyên đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày trong mùa du lịch hè. Việc tập trung đông người, cộng với hoạt động thắp hương, hóa vàng mã, sử dụng điện chiếu sáng và quạt mát đã làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ.
Ông Dương Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Sầm Sơn cho biết: “Mùa hè nắng nóng cộng với lượng khách tập trung đông vào một số thời điểm khiến nguy cơ cháy nổ tại các di tích trở nên rất rõ ràng. Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án PCCC ngay từ đầu mùa để bảo đảm an toàn cho du khách và cho di tích."
Theo ông Hưng, hiện tại, tại đền Độc Cước và đền Cô Tiên, mỗi điểm đã được bố trí 15 bình chữa cháy, còn đền thờ Tô Hiến Thành có 10 bình chữa cháy.
Các khu vực hóa vàng mã được đặt cách xa khu vực chính điện nhằm giảm thiểu rủi ro.
Hệ thống điện, bình chữa cháy và các thiết bị khác đã được kiểm tra, rà soát kỹ càng trước khi bước vào mùa cao điểm.
100% thủ từ, cán bộ, nhân viên phục vụ tại các di tích đều đã được tập huấn bài bản về công tác PCCC.
Bên cạnh đó, nội quy về phòng cháy chữa cháy được dán công khai tại những vị trí dễ quan sát nhất, giúp du khách nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình và bảo vệ di sản.
“Do kiến trúc bên trong các đền thờ chủ yếu bằng gỗ và nhiều vật liệu dễ cháy, chúng tôi cũng bố trí ít nhất 5 thủ từ và một cán bộ trung tâm thường xuyên túc trực tại mỗi di tích để giám sát, nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm túc quy định PCCC. Đặc biệt, nghiêm cấm hành vi thắp hương trực tiếp bên trong khu vực thờ tự,” ông Hưng nhấn mạnh.

Những bài học từ thực tế và khó khăn cần khắc phục
Thực tế cho thấy, đã có những vụ hỏa hoạn xảy ra tại các di tích ở Thanh Hóa trong những năm qua. Năm 2020, vụ cháy tại đền thờ Trung túc vương Lê Lai (huyện Ngọc Lặc) và đền thờ tướng quân Nguyễn Chích (TP Thanh Hóa) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự yếu kém trong hệ thống PCCC tại di tích.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hệ thống điện xuống cấp, dây dẫn cũ kỹ, không đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, điều kiện ngân sách đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy tại di tích còn hạn hẹp.
Sự thiếu đồng bộ, lạc hậu về thiết bị và nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân và du khách khiến nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu.
Không chỉ thiệt hại về tài sản, mỗi vụ cháy xảy ra còn là một mất mát không thể bù đắp về giá trị văn hóa, lịch sử, làm tổn thương đến ký ức và niềm tự hào của cả cộng đồng.
Trước thực trạng đó, các địa phương và ban quản lý di tích đã đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản.
Tại thị xã Bỉm Sơn, nơi có những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như đền Chín Giếng, đền Sòng Sơn, ông Nguyễn Anh Huấn, Trưởng Tiểu Ban quản lý di tích đền Chín Giếng chia sẻ: “Đặc thù của chúng tôi là lượng khách đến dâng hương, vãn cảnh diễn ra quanh năm, ngày cao điểm có thể lên tới hàng nghìn người. Việc kiểm soát tuyệt đối nguy cơ cháy nổ là vô cùng khó khăn, do đó công tác tuyên truyền, nhắc nhở liên tục được đẩy mạnh”.
Theo ông Huấn, Ban quản lý đã sử dụng loa truyền thanh, bảng nội quy, pa nô, áp phích để phổ biến quy định PCCC đến từng du khách. Nội dung tuyên truyền tập trung nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ di tích.
Các hành vi như đốt vàng mã đúng nơi quy định, không hút thuốc trong khu vực thờ tự, không chen lấn, xô đẩy đã dần trở thành thói quen của khách thập phương.
“Nhờ kiên trì tuyên truyền, đến nay hầu hết người dân và du khách đã có ý thức cao hơn. Họ chủ động chấp hành các quy định, góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố ngoài ý muốn,” ông Huấn cho biết thêm.

Không được phép chủ quan
Bước vào mùa hè 2025, với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thời tiết cực đoan và nhiệt độ có thể vượt ngưỡng 40 độ C, chỉ một sơ suất nhỏ như thắp hương không đúng cách, sử dụng điện quá tải, đốt lửa tùy tiện... cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Mỗi người dân, mỗi du khách cần nhận thức rằng, bảo vệ di tích không chỉ là trách nhiệm của chính quyền hay ban quản lý, mà là trách nhiệm của tất cả chúng ta.
Một hành động nhỏ như nhắc nhở người bên cạnh tắt hương đúng quy định, không vứt tàn thuốc bừa bãi, hay báo cho nhân viên quản lý khi phát hiện dấu hiệu bất thường cũng có thể cứu lấy một công trình lịch sử.
Trong khi đó, về lâu dài, bên cạnh việc kêu gọi cộng đồng chung tay, cần có sự đầu tư bài bản hơn cho công tác phòng cháy chữa cháy tại các di tích: nâng cấp hệ thống điện, trang bị thiết bị chữa cháy hiện đại, xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và đặc biệt là diễn tập phòng cháy định kỳ.
Mỗi di tích là một phần không thể thiếu trong dòng chảy lịch sử và văn hóa dân tộc.
Để những giá trị ấy được gìn giữ trọn vẹn cho thế hệ mai sau, việc chủ động phòng ngừa cháy nổ trong mùa cao điểm du lịch hè là yêu cầu bức thiết.
Giữ gìn di sản không chỉ bằng lòng tự hào mà còn bằng những hành động thiết thực hôm nay. Chỉ cần mỗi cá nhân nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm ngặt quy định PCCC, chúng ta sẽ chung tay bảo vệ được những "chứng nhân lịch sử" trước thách thức của thời gian và biến đổi khí hậu.