Bảo tồn và phát huy giá trị đàn đá Khánh Sơn
VHO- Đàn đá Khánh Sơn là loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai. Từ xưa đến nay, đồng bào Raglai vẫn luôn tự hào với loại nhạc cụ thô sơ, độc đáo được chế tác từ những thanh đá nhưng lại phát ra thứ âm thanh mê hoặc lòng người. Đề bảo tồn phát huy giá trị đàn đá Khánh Sơn, UBND tỉnh Khánh Hòa đang lên kế hoạch tiếp nhận 2 bộ đàn đá Khánh Sơn đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Biểu diễn đàn đá Khánh Sơn
Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hai bộ đàn đá Khánh Sơn nêu trên được gia đình ông Bo Bo Ren, dân tộc Rắc Lây ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa phát hiện, chôn giấu, cất giữ nhiều năm qua. Sau ngày quê hương giải phóng, ông Bo Bo Ren đã bàn giao 2 bộ đàn đá này cho chính quyền địa phương và phối hợp tìm kiếm đủ 12 thanh trong 2 bộ đàn đó. Đây là 2 bộ đàn đá có niên đại hàng ngàn năm, là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1979, UBND tỉnh Phú Khánh công bố 2 bộ đàn đá, sau đó bàn giao cho Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) quản lý. Bộ Văn hóa và Thông tin đã tổ chức lễ công bố về kết quả sưu tầm, nghiên cứu đàn đá Khánh Sơn. Bộ cũng đã giao các đơn vị thuộc Bộ tổ chức trưng bày, biểu diễn giới thiệu văn hóa Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Tháng 8.2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo đơn vị đang lưu giữ 2 bộ đàn này chuyển trả lại cho tỉnh quản lý. Để sớm tiếp nhận 2 bộ đàn đá Khánh Sơn nói trên, mới đây, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (tại TP.HCM). Sau buổi làm việc, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có văn bản gửi Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đề nghị sớm trao đổi với cơ quan có thẩm quyền để bàn giao 2 bộ đàn đá Khánh Sơn theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa cho biết: “2 bộ đàn đá Khánh Sơn đã bàn giao cho Bộ Văn hóa vàThông tin đều rất quý, mỗi bộ có 6 thanh, đặc biệt 2 bộ này khi ráp lại thì tương thích thang âm của một bộ đàn đá lớn 12 thanh cũng là đầu tiên, duy nhất của toàn quốc. Sở đã xác minh thông tin, tiếp cận, đối chiếu tài liệu, tiếp cận hiện vật hoàn thiện hồ sơ tiếp nhận. Trong thời gian tới sẽ hoàn thiện thủ tục trình UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia”.
Để bảo tồn phát huy giá trị đàn đá Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã cho khảo sát, phục dựng 3 hệ thống đàn đá nước theo nguyên bản của người Raglai. Mỗi hệ thống có từ 9 đến 15 thanh đá, kích thước lớn, dài và kêu vang, bảo đảm yếu tố mỹ thuật truyền thống. Các đàn đá này sẽ được bố trí tại các dòng chảy tự nhiên ở 3 địa điểm gồm: Thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp), xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Đối với đàn đá dùng biểu diễn, huyện cũng cho chế tác 10 bộ để bổ sung cho Phòng Truyền thống huyện và 8 xã, thị trấn. Mỗi bộ gồm 14 thanh có chất âm kêu vang, có thể biểu diễn độc tấu và hòa tấu.
Cùng với việc phục dựng các bộ đàn đá, Khánh Hòa cũng tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn và kỹ năng biểu diễn đàn đá cho các nhạc công người Raglai tại địa phương; tổ chức quảng bá giá trị về loại nhạc cụ cổ truyền người Raglai gắn với phát triển du lịch.
XUÂN HƯỚNG